(KTSG Online) – Ngoài lĩnh vực thế mạnh là nông nghiệp và thuỷ sản, tỉnh Đồng Tháp cũng muốn hợp tác với các doanh nghiệp đến từ Ấn Độ để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ ở lĩnh vực dược phẩm.
Tại hội nghị “Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023” diễn ra ở địa phương này vào hôm nay, 28-6, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết ngoài gạo và thuỷ sản có sản lượng đứng trong nhóm đầu cả nước, địa phương còn có nhiều loại trái cây nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ như xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung và nhãn Châu Thành.
Theo ông, tỉnh Đồng Tháp cũng đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến, cho nên đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu.
Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm dệt may, công nghệ thông tin.
Đặc biệt, với lĩnh vực dược phẩm, ông Nghĩa cho biết, địa phương hiện có 2 doanh nghiệp đứng hàng đầu cả nước, mong muốn phát triển hợp tác liên doanh, giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.
Để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư, ngoài việc hoàn thiện về hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tỉnh Đồng Tháp cũng vừa khởi công xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến địa phương chỉ còn 2 giờ, tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp.
“Ngoài ra, Đồng Tháp còn có hệ thống giao thông thuỷ, với 2 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hoá thuận tiện ra biển Đông và Campuchia”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp của Ấn Độ có dấu ấn rất lớn của khoa học công nghệ. Ông tin với thành tựu về mặt khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ rất hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tỉnh Đồng Tháp.
Ông cũng cho biết, về mặt tư duy lúa gạo, Ấn Độ đã thay đổi gen để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho người thiếu sắt, thiếu kẽm hoặc bị bệnh tiểu đường. Theo ông, doanh nghiệp Ấn Độ có thể “bắt tay” với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng để đẩy mạnh hơn nữa trong việc chuyển giao những kết quả đã đạt được.
Theo ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ năm ngoái đạt 15,1 tỉ đô la Mỹ, tăng trên 12 tỉ đô la Mỹ so với năm 2013 và dự báo đến năm 2025 có thể đạt con số 20 tỉ đô la Mỹ.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Ashnit Sethia, Giám đốc Công ty TNHH dầu gạo Sethia Hemraj- đơn vị đang đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp- kêu gọi doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Đồng Tháp vì đây là địa phương có môi trường đầu tư thông thoáng, chính quyền thân thiện. “Khi chúng tôi có phản ánh gì với lãnh đạo, thì lập tức được hỗ trợ ngay, thậm chí lãnh đạo còn chủ động có những buổi cà phê với doanh nghiệp để xem chúng tôi cần hỗ trợ gì hay không”, ông chia sẻ.
Tại hội nghị, hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) đã ký biên bản ghi nhớ với Phòng kinh doanh quốc tế Ấn Độ (Ấn Độ) về thúc đẩy hợp tác và xúc tiến thương mại; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) và Cơ quan xúc tiến thương mại Việt Ấn (Ấn Độ) đã ký biên bản ghi nhớ về thúc đẩy quan hệ hợp tác và xúc tiến thương mại. Trong khi đó, Hội nữ doanh nhân tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội đồng kinh doanh quốc tế Dhronacharya (Ấn Độ).