Chủ Nhật, 4/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng Tháp thay đổi tư duy làm nông, mong đổi đời với cây ăn trái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đồng Tháp thay đổi tư duy làm nông, mong đổi đời với cây ăn trái

Vân Khánh

(TBKTSG) - Những năm gần đây, khi giá lúa gạo bấp bênh, nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã giảm trồng lúa, lên liếp trồng cây ăn trái. Không dừng lại ở thay đổi cơ cấu cây trồng, vấn đề được nhiều nông dân cũng như doanh nghiệp chia sẻ, họ cần cả sự thay đổi tư duy làm nông nghiệp.

Đồng Tháp đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng lập khu công nghiệp mới

Doanh nghiệp khởi nghiệp Đồng Tháp chật vật kinh doanh mùa dịch

Đồng Tháp thay đổi tư duy làm nông, mong đổi đời với cây ăn trái
Nhiều nông dân Đồng Tháp đang giảm diện tích lúa để trồng xoài và các loại cây ăn trái có giá khác để đưa vào siêu thị và xuất khẩu. Ảnh: Vân Khánh

Mong đổi đời với cây ăn trái

Huyện Tháp Mười là nơi có diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, cây lúa trở thành cây trồng chủ lực. Nhưng từ ba năm nay, trong tình cảnh giá lúa cứ trồi sụt bấp bênh, nhiều nông dân ở địa phương này đã rục rịch chuyển sang trồng những loại cây khác.

Hơn 50 năm gắn bó với cây lúa, nhưng đến cuối vụ lúa thu đông năm vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, đành “dứt tình” với cây lúa. Bà Huệ nói: “Thật ra, cây lúa đã giúp gia đình tôi khấm khá, sắp nhỏ được học hành tới nơi tới chốn. Nhưng mấy năm gần đây giá lúa cứ bấp bênh mãi, có những vụ mùa làm xong, tổng kết chi phí lại mới biết không lời mà còn lỗ vài triệu đồng.

Tình trạng này cứ tiếp diễn khiến tôi cũng nản”. Thời gian gần đây, nhiều nông dân cùng huyện bắt đầu lên liếp trồng cây ăn trái nên bà Huệ làm liều chuyển đổi một héc ta đất lúa sang mô hình này, với hy vọng sẽ tạo thu nhập tốt hơn.

Sau hơn 6 tháng “chia tay” cây lúa, chuyển sang trồng mận, nhãn, măng tây..., hiện gia đình bà Huệ vẫn chưa thu được huê lợi. Bà thấp thỏm lo vì không biết những cây trồng mới có phù hợp với vùng đất Tháp Mười này hay không, chưa kể liệu sắp tới vào mùa lũ, vườn cây của bà có chống chọi nổi khi tứ phía đều là ruộng lúa?

Mô hình sản xuất mới mở ra nhiều hy vọng đột phá hơn, song với bà Huệ, chuyện thu lãi từ làm vườn vẫn còn là chuyện của tương lai. Sáu tháng qua bà đã bỏ hai mùa lúa, và hiện gia đình không có thu nhập nào khác trong khi bà còn phải lo thêm chi phí đầu tư cho mảnh vườn mới.

Mặc dù chỉ mới phát triển cây ăn trái thời gian gần đây, song theo thống kê mới nhất của UBND huyện Tháp Mười, hiện địa phương có 2.534 héc ta trồng cây ăn trái, trong đó có 1.571 héc ta được chuyển đổi từ đất trồng lúa. Mít là loại cây ăn trái được nông dân huyện này chuyển đổi mạnh nhất, với gần 1.300 héc ta, được trồng phổ biến ở các xã Đốc Binh Kiều, Phú Điền, Thanh Mỹ, Mỹ An...

Cũng như nhiều địa phương khác, phần lớn sản lượng trái cây của huyện Tháp Mười hiện chỉ xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc, tiêu thụ một phần ở thị trường nội địa và gần như chưa có nhiều sản phẩm chế biến.

Chia sẻ về định hướng phát triển cây ăn trái của địa phương, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, cho biết việc chuyển đổi mô hình kinh tế trên diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả là chủ trương của tỉnh Đồng Tháp cũng như tại huyện này.

Những năm qua, huyện có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên những khu vực phù hợp, nhằm giúp người dân tăng thu nhập và lợi nhuận. Tuy nhiên, huyện ưu tiên chuyển đổi ở những khu vực có địa hình, thổ nhưỡng phù hợp với sản xuất cây ăn trái.

Chính quyền địa phương cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường đầu tư chế biến nông sản tại chỗ thông qua các chương trình như chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn thông qua chương trình khuyến công, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư chế biến nông sản.

Ngoài huyện Tháp Mười, ở nhiều huyện thị khác như Cao Lãnh, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình..., nông dân trồng lúa cũng đang chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 29.220 héc ta cây ăn trái. Các loại cây ăn trái chủ yếu được chuyển đổi thời gian gần đây trên đất lúa là xoài, mít, sầu riêng...

Tuy nhiên, phần lớn những diện tích chuyển đổi này chỉ dừng lại ở chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản xuất nông nghiệp thuần túy mà chưa quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp

Ông Nguyễn Phước Tuyên, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh An Điền, thành phố Cao Lãnh, cho rằng chuyển đổi trồng cây ăn trái trên đất lúa kém hiệu quả là hướng đi giúp nông dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, để tránh bị động trong sản xuất và thị trường tiêu thụ thì bản thân người nông dân phải tự thay đổi tư duy làm nông nghiệp của mình.

Bởi vì, từ sản xuất lúa chuyển sang canh tác cây trồng khác là điều không dễ dàng. Để phát huy hiệu quả kinh tế tối đa, người nông dân cần có kiến thức về đặc tính từng loại cây, đất trồng, cũng như có những nghiên cứu về thị trường.

Để thoát khỏi điệp khúc “trồng - chặt”, thời gian qua một số nông dân ở Đồng Tháp có những cách làm như xuất khẩu nông sản tại chỗ thông qua mô hình du lịch nông nghiệp hay mô hình rủ nhau sản xuất nông sản sạch với diện tích lớn và cung cấp cho hệ thống các siêu thị.

Một trong những nông dân thành công với mô hình du lịch nông nghiệp - anh Võ Dương Khương - chủ điểm tham quan vườn trái cây, ẩm thực Minh Phát ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, nói: “So với làm vườn thuần túy thì việc phát triển mô hình du lịch song song là giải pháp ‘nhất tiễn song điêu’, giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế tối đa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất”.

Từ ngày làm thêm mô hình du lịch, sản phẩm măng cụt của gia đình anh không chỉ bán cho thương lái mà còn được bán cho khách du lịch. Từ cách làm này, anh cho rằng vừa có thể gia tăng hiệu quả kinh tế vừa tạo cơ hội quảng bá thế mạnh địa phương hiệu quả hơn.

Tại huyện Lai Vung, cách đây khoảng năm năm, ông Tống Văn Phong, hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Vĩnh Thới, chắc không dám nghĩ sẽ có ngày ông trở thành đối tác cung cấp sản phẩm trái cây tươi cho tập đoàn Vingroup. Hiện tại, trung bình mỗi năm HTX của ông Phong cung cấp khoảng 800-900 tấn trái cây các loại cho hệ thống siêu thị Vinmart.

Các mặt hàng trái cây chủ yếu được bán tại siêu thị là những những nông sản thế mạnh và chủ lực của huyện Lai Vung như quýt đường, cam xoàn, mận, vú sữa... Tuy nhiên, để có được những đơn hàng ổn định như hiện tại, ông Phong và những thành viên cốt cán trong ban quản trị HTX cũng bao phen “nằm gai nếm mật” mới có được “quả ngọt”.

Ông Phong nhớ lại: “Sau chuyến đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan cùng đoàn công tác ở tỉnh về tôi đã cảm thấy rất chạnh lòng. Bởi Thái Lan cũng có cùng điều kiện tự nhiên như Việt Nam nhưng nền nông nghiệp của họ tiến bộ hơn chúng ta rất nhiều. Điều tôi nể phục nhất chính là nhận thức và tư duy về sản xuất của nông dân Thái Lan, họ tự giác liên kết, tự giác sản xuất nông sản sạch và có tinh thần tập thể”.

Sau chuyến đi, về nước ông Phong rủ những anh em trồng quýt đường ở địa phương để liên kết sản xuất theo chuẩn GlobalGAP. Năm 2013, tổ hợp tác quýt đường xã Vĩnh Thới (tiền thân của HTX Nông sản sạch) chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, sau đó quýt đường GlobalGAP của tổ hợp tác hầu như chỉ bán đồng giá với quýt thường.

Mãi đến năm 2016, sản phẩm quýt đường của nhóm ông Phong mới được bày bán ở siêu thị Vinmart. “Với kết quả hiện tại, dù chưa thành công rực rỡ nhưng với tôi và bà con xã viên, thì đây thực sự là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Chúng tôi dám đổi mới tư duy làm nông nghiệp, dám đối mặt với thách thức và trả giá với nó”, ông Phong nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới