Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền chảy mạnh vào các quỹ chứng khoán trên toàn cầu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tuần tính đến ngày 13-11, các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu đón nhận ​​lượng mua ròng hàng tuần lớn nhất trong hơn một thập niên. Trong đó, các quỹ đầu tư chứng khoán Mỹ ghi nhận lượng tiền chảy ròng vào lớn nhất. Giới đầu tư lạc quan rằng, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy thu nhập của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Với tâm lý lạc quan tràn ngập sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhà đầu tư đã rót ròng 49,3 tỉ đô la Mỹ vào các quỹ cổ phiếu trên toàn cầu trong tuần tính đến ngày 13-11. Ảnh: Financial Express

Chiến thắng của ông Trump thúc đẩy dòng tiền đầu tư cổ phiếu

Theo dữ liệu của LSEG Lipper, nhà đầu tư đã rót ròng 49,3 tỉ đô la Mỹ vào các quỹ cổ phiếu trên toàn cầu trong tuần tính đến ngày 13-11. Đây là số tiền rót ròng cao nhất vào các quỹ này kể từ tháng 1-2014.

Đáng chú ý, nhà đầu tư đổ xô vào các quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ, chi 37,37 tỉ đô la trong đợt mua ròng hàng tuần lớn nhất trong ít nhất một thập niên. Họ cũng rót 11,28 tỉ đô la vào các quỹ cổ phiếu châu Âu, trong khi chỉ rút ròng 305 triệu ra khỏi các quỹ cổ phiếu châu Á. Các quỹ đầu tư cổ phiếu tài chính thu hút 4,68 tỉ đô la, cao nhất trong ít nhất một thập niên.

Các quỹ đầu tư trái phiếu toàn cầu tiếp tục được mua ròng trong tuần thứ 47 liên tiếp, với khoảng 5,37 tỉ đô la chảy vào trong tuần gần nhất. Nhà đầu tư cũng bơm khoảng 73,61 tỉ đô la vào các quỹ thị trường tiền tệ toàn cầu trong tuần vừa qua sau khi mua ròng 127,11 tỉ đô la trong tuần trước đó. Tuy nhiên, quỹ đầu tư vàng và kim loại quí chịu tổn thất, với ​​dòng tiền chảy ròng ra khoảng 950 triệu đô la trong tuần thứ hai liên tiếp.

Trong khi đó, dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường EPFR Global cho thấy, các quỹ hoán đổi danh mục và quỹ tương hỗ đầu tư cổ phiếu ở Mỹ thu hút gần 56 tỉ đô la trong tuần kết thúc vào ngày 14-11. Đây là lượng tiền hút ròng hàng tuần lớn thứ hai của các quỹ này kể từ năm 2008.

Chỉ số MSCI World, theo dõi cổ phiếu của 1.500 doanh nghiệp vốn hóa lớn và vừa ở 23 thị trường phát triển, đạt mức cao kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tuần trước.

Với tâm lý lạc quan, nhà đầu tư đã ồ ạt mua cổ phiếu ở Mỹ, đưa chỉ số S&P 500, theo dõi cổ phiếu của 500 công ty vốn hóa lớn tiêu biểu ở Mỹ, lần đầu tiên vượt 6.000 điểm vào ngày 8-11.

Động lực thúc đẩy sự lạc quan là sự kỳ vọng của nhà đầu tư rằng, trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Donald Trump sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và nới lỏng các quy định quản lý, đồng thời áp thuế nhập khẩu với hàng hóa nước ngoài.

Dominic Rizzo, nhà quản lý danh mục đầu tư công nghệ của T. Rowe Price nhận định, chính sách tăng thuế nhập khẩu có thể thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ cũng như chi tiêu và đầu tư trong nước.

“Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm tích cực về cổ phiếu toàn cầu và ở Mỹ. Chúng tôi tin rằng bối cảnh vĩ mô đang thuận lợi để đà tăng giá cổ phiếu trong năm nay tiếp tục duy trì”, Mark Haefele, giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management nói.

Thị trường đang “lạc quan một cách nguy hiểm”?

Một số nhà quan sát thị trường cảnh báo, nhà đầu tư đã quá lạc quan với niềm tin rằng, các chính sách của chính quyền mới có thể thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ, trong khi bỏ qua các kế hoạch có thể gây ra lạm phát và biến động thị trường.

Thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo vào cuối tuần qua. Việc ông Trump đề cử Robert F. Kennedy Jr., người hoài nghi về vắc-xin, làm Bộ trưởng y tế và dịch vụ nhân sinh, đã gây áp lực lên một số cổ phiếu dược phẩm bao gồm Moderna và Pfizer. Giá cổ phiếu của hãng xe điện Tesla tăng vọt sau cuộc bầu cử tổng thống, đẩy vốn hóa thị trường của công ty lên mức trên 1 nghìn tỉ đô la. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này lao dốc trong các phiên gần đây. Tỉ phú Elon Musk, CEO của Tesla, là người hậu thuẫn mạnh mẽ ông Trump trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức điểm chỉ thấp hơn 3,2% so với mức cao kỷ lục gần đây. Chỉ số này đang trên đà tăng hơn 20% trong năm nay, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp đạt mức tăng trưởng như vậy.

Theo ngân hàng Deutsche Bank, mức tăng hơn 20% trong 2 năm liên tiếp của chỉ số S&P 500 chỉ mới diễn ra ​​3 lần trong thế kỷ qua.

Mức định giá cổ phiếu bluechip ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trở nên đắt đỏ. Chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở mức 22 lần thu nhập dự kiến trong 12 tháng tới, cao hơn mức trung bình 20 lần trong 5 năm qua.

Trong báo cáo gửi khách hàng, Savita Subramanian, nhà chiến lược của ngân hàng Bank of America cảnh báo, tâm lý thị trường đang “lạc quan một cách nguy hiểm”.

Theo Reuters, Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới