(KTSG online) – Trong bối cảnh dòng tiền chứng khoán giảm mạnh cùng đà giảm của chỉ số VN-Index thời gian gần đây, dòng tiền chảy vào các hợp đồng phái sinh lại tăng mạnh khi chỉ số VN30-Index điều chỉnh về vùng thấp nhất trong vòng hơn một năm vừa qua.
Trong tuần trước, thị trường chứng kiến tuần giảm điểm mạnh, tâm lý tiêu cực và bi quan bao phủ khi hầu như toàn bộ nhóm ngành đều giảm mạnh, lực bán tăng mạnh trong khi lực cầu gần như không xuất hiện.
Mặc dù có nhịp hồi ngắn trong hai ngày, nhưng việc bán tháo đã khiến cho VN-Index rớt mốc 1.200 điểm, lùi sâu về 1.182, tương tự chỉ số HNX-Index cũng giảm mạnh.
Trong số này, các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng bị bán tháo liên tục. Chẳng hạn như chỉ số VN30 (top 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường) có 3 phiên giảm điểm mạnh lên đến 56 điểm, hơn 70 điểm và 59,17 điểm. Chỉ số có 2 phiên tăng nhưng so với giảm thì rõ ràng không đáng kể.
Tuy nhiên, dù cổ phiếu rớt giá, chỉ số giảm điểm nhưng nhiều nhà đầu tư lại ghi nhận “lãi khủng” khi "bán khống" chỉ số VN30. Theo đó, dòng tiền, thanh khoản giao dịch tại các hợp đồng tương lai cũng ghi nhận tăng mạnh.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cuối tuần trước, bốn hợp đồng tương lai đều đóng cửa với mức giảm từ 45-57 điểm. Khối lượng giao dịch trên VN30F2205 (kết thúc vào ngày 19-5) giảm 39% so với phiên liền trước, còn hợp đồng VN30F2206 (hợp đồng tháng 6) tăng 105%, VN30F2209 tăng 93% và VN30F2212 tăng 82%.
Theo thống kê của Vietstock, khối lượng và giá trị giao dịch của thị trường phái sinh lần lượt tăng gần 26,69% và 22,82% so với phiên trước đó. Còn tính chung cả tuần, khối lượng và giá trị giao dịch tăng lần lượt 43,88% và 34,75% so với tuần trước.
Như vậy, trong tuần trước, chỉ số VN30 điều chỉnh về vùng thấp nhất trong vòng hơn một năm vừa qua. "Thị trường phái sinh tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch "Big Short" khi áp lực bán tháo diễn ra trong xuyên suốt phiên giao dịch", báo cáo VCBS nhận định.
Đáng chú ý trong tuần trước, rộ lên thông tin công ty chứng khoán khuyến khích khách hàng giao dịch phái sinh để “bù lỗ” cho giá cổ phiếu giảm. Trong tuần qua, việc chứng khoán phái sinh "lên ngôi" cũng được nhiều nhà đầu tư lấy làm lý do giải thích cho việc thị trường giảm mạnh.
Trong diễn biến có liên quan gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.
Trên thị trường, nhà đầu tư có thể bán khống rổ chỉ số VN30 (top 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường). Một trong những mục tiêu quan trọng của việc bán khống là để “phòng hộ” cho danh mục đầu tư trước biến động giá cổ phiếu. Khi rổ chỉ số cổ phiếu cơ bản giảm, thì người bán khống có lãi và ngược lại.
Hợp đồng phái sinh có giá trị lớn nên các nhà đầu tư đa phần vay vốn để mở vị thế. Tỷ suất lợi nhuận vì thế có thể lên rất cao nhưng cũng có thể mất rất nhiều. Thực tế cho thấy thị trường phái sinh là không hề “dễ ăn”, số nhà đầu tư thua lỗ cũng không ít.