Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền chứng khoán chuyển dịch dưới ’hiệu ứng FLC’

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường chứng khoán bất ngờ tăng mạnh trong phiên thứ Sáu, đẩy chỉ số tăng điểm dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong tuần qua, sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin” đã khiến thị trường chứng khoán dậy sóng ngay từ phiên đầu tuần. Theo đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chịu áp lực bán mạnh, nhiều mã trong nhóm này đã giảm sàn kéo theo VN-Index rời xa mốc 1.500 về 1.483 điểm.

Tuy nhiên, sau đó thị trường trở nên “bình tĩnh” hơn, giúp chỉ số hồi phục trong 3 phiên tiếp theo, trước khi bứt phá mạnh, tăng đến hơn 24 điểm trong phiên ngày thứ Sáu. Kết quả, chỉ số VN-Index đóng cửa mức 1.516,44, tăng 17,94 điểm, tương ứng tăng 1,20% so với tuần trước đó, đồng thời thiết lập mức đóng cửa cao nhất từ sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch đến nay.

Thị trường bất ngờ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch hôm thứ 6. Nguồn: Vietstock.

Việc chỉ số tăng điểm mạnh như vậy được đánh giá là khá bất ngờ, trong bối cảnh thị trường có nhiều thông tin được cho là khá tiêu cực. Đồng thời, có thể thấy rõ đà tăng diễn ra chủ yếu tại các phiên giao dịch cuối tuần, đi cùng là vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Điều này cũng có thể được xem là "hiệu ứng" sau sự kiện cổ phiếu FLC. Theo đó, dòng tiền đã có sự dịch chuyển đáng kể và nhóm cổ phiếu bluechip trở thành điểm tựa quan trọng cho thị trường. Thống kê chỉ số VN30 tăng đến 2,94% trong tuần, là chỉ số tăng duy nhất giữa các chỉ số tính theo nhóm vốn hóa.

Thậm chí, tâm điểm trong tuần qua còn là cổ phiếu VNM (công ty Vinamilk) với mức tăng 8,6% trong tuần. Cổ phiếu này còn nằm trong nhóm tăng mạnh nhất trong 10 mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng.

Theo thống kê của Fiintrade, trong tuần qua, tỷ trọng giá trị giao dịch trung bình của các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 là 30,11%, tăng từ mức 27,88% trong tuần trước đó. Còn tỷ lệ này ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa giảm xuống 43,69%, cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm còn 19,33% (trước đó là 20,97%).

Thống kê cũng cho thấy nhóm các cổ phiếu trong tuần tăng giá mạnh nhất có thể kể đến FPT, MWG, VNM, BVH, PNJ mức tăng từ 8,3-16%. Phía ngược lại, các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là STB, POW, PLX, DPR, HPG với mức giảm từ 1,5-4,3%.

Nhóm ngân hàng cũng trở thành tâm điểm với dòng tiền chảy mạnh hơn. Theo đó, dòng tiền chảy vào nhóm này có sự cải thiện mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 11,73%, mức cao nhất trong 4 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, có sự phân hóa mạnh giữa các cố phiếu ngân hàng.

Với "hiệu ứng FLC", nhiều mã bất động sản cũng giảm mạnh. Trong số đó, cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất là ROS, PGI, HQC, LDG, PSH liên quan đến nhóm bất động sản và họ nhà FLC.

Theo đánh giá về mặt kỹ thuật, nhiều công ty chứng khoán tỏ ra khá lạc quan với diễn biến hiện nay. Theo SSI, sau phiên tăng hôm thứ Sáu, chỉ số VN-Index hiện đang đối diện với vùng kháng cự 1.515-1.520 điểm, đi cùng khối lượng giao dịch tăng lên cho thấy khả năng chỉ số vượt vùng kháng cự này và hướng đến thử thách vùng kháng cự tiếp theo tại 1.537 điểm. Tương tự, Mirae Asset cho rằng việc vượt ngưỡng 1.500 điểm giúp xu hướng ngắn hạn và trung hạn cùng có trạng thái tăng.

“Tâm lý của nhà đầu tư nhìn chung đang ở trạng thái khá hưng phấn, thể hiện qua khối lượng giao dịch khớp lệnh trong phiên được cải thiện rõ rệt so với giai đoạn trước. Tuy nhiên nhìn dài hơn thì thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ”, báo cáo của VCBS nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới