(KTSG) - Sau chuỗi phiên tăng liên tục, chỉ số VN-Index đối diện với áp lực bán gia tăng khiến chỉ số quay đầu điều chỉnh trong tuần cuối cùng của tháng 6-2023. Tính chung trong tuần qua, VN-Index giảm 9,2 điểm, tương đương giảm 0,81% xuống mức 1.120 điểm. Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên dè dặt hơn sau khi những số liệu vĩ mô quí 2-2023 được công bố.
Giao dịch khối ngoại trong tuần qua cũng không có nhiều khởi sắc khi khối này bán ròng 189 tỉ đồng. Tính chung trong sáu tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 2.200 tỉ đồng, trong đó mua ròng khớp lệnh hơn 3.600 tỉ đồng.
Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng trung bình gần 9% toàn thị trường. Xét riêng trên từng sàn, khối ngoại bán ròng nhẹ 85 tỉ đồng trên sàn HOSE, mua ròng 1.429 tỉ đồng trên HNX và mua ròng 831 tỉ đồng trên UpCom.
Ngoài ra, nửa đầu năm 2023 cũng ghi nhận một số giao dịch thỏa thuận đột biến của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị hàng ngàn tỉ đồng. Có thể kể tới như giao dịch mua ròng hơn 5,3 triệu cổ phiếu IDP từ Quỹ Daytona Investments Pte. Ltd, tương ứng 8,99% vốn điều lệ IDP, giá trị hơn 1.300 tỉ đồng. Hay hai giao dịch bán ròng hàng chục triệu cổ phiếu Eximbank (EIB) xuất phát từ cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) với giá trị lên đến gần 4.000 tỉ đồng.
Trên thị trường tài chính thế giới, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối tuần trước, khép lại tháng 6 trong sắc xanh lan tỏa khi dữ liệu về lạm phát “hạ nhiệt” giúp các nhà đầu tư bớt lo lắng về các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30-6, chỉ số Dow Jones bật tăng 285 điểm tương đương 0,8%, tiến lên đóng cửa vượt ngưỡng 34.400 điểm.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite thậm chí giao dịch có phần khởi sắc hơn, lần lượt ghi nhận mức tăng 1,2% và 1,5%. Về mặt thông tin, lạm phát PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tăng 0,3% trong tháng 5-2023, phù hợp với dự báo. Ngoài ra, mức tăng so với cùng kỳ của lạm phát lõi cũng giảm xuống còn 4,6% và tỷ lệ PCE toàn phần đạt mức thấp nhất trong gần hai năm.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 15,9% - kết quả tốt nhất kể từ năm 2019. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite tăng vọt 31,7%, ghi nhận mức tăng trong nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 1983. Chỉ số Dow Jones có mức tăng khiêm tốn hơn với 3,8%.
Trong sáu tháng vừa qua, những cổ phiếu tăng trưởng bị mất giá trong nửa cuối năm 2022 đã quay trở lại mạnh mẽ. Kỳ vọng về làn sóng mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và hy vọng về việc Fed kết thúc chiến dịch tăng lãi suất đã đưa những cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ lớn lên đỉnh.
Về tin tức trong nước, các số liệu kinh tế vĩ mô trong sáu tháng đầu năm nay cho thấy bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn. Các động cơ chính của nền kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo hay bán lẻ đều có mức tăng thấp so với cùng kỳ, phản ánh sức cầu tiêu thụ yếu cả trong và ngoài nước.
Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global cho thấy các nhà sản xuất ở Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong khoảng thời gian cuối quí 2 do nhu cầu thị trường yếu.
Cụ thể, chỉ số PMI tháng 6 của Việt Nam đạt 46,2 điểm, tăng so với mức 45,3 điểm của tháng 5 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ 4 liên tiếp (mức dưới 50 điểm phản ánh trạng thái suy giảm). Báo cáo cho biết trong kỳ khảo sát mới nhất, các doanh nghiệp đề cập nhiều nhất đến tình trạng nhu cầu thị trường yếu.
Tổng số lượng đơn đặt hàng mới cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp, với tốc độ giảm mạnh nhưng chậm hơn so với tháng 5. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới khi nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm.
Trước tình hình trên, các nhà sản xuất đã giảm số lượng việc làm và hoạt động mua hàng. Theo đó, việc làm đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp với tốc độ giảm mạnh hơn so với tháng 5.
Nhìn chung, các số liệu kinh tế vĩ mô chưa có nhiều khởi sắc được công bố trong tuần qua đã khiến dòng tiền vào TTCK có phần e ngại sau giai đoạn tăng liên tiếp. Tâm lý nhà đầu tư từ trạng thái hào hứng với thị trường đã chuyển sang trạng thái thận trọng nhằm chờ đón mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 sắp được công bố.
Trong ngắn hạn, nhiều khả năng VN-Index sẽ quay trở lại tích lũy trong khu vực 1.100-1.125 điểm. Trong bối cảnh dòng tiền có dấu hiệu tạm “nghỉ ngơi” thì các hoạt động mua mới, đưa tỷ trọng cổ phiếu lên mức quá cao cần hết sức thận trọng.