Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền tháo chạy khỏi cổ phiếu nhỏ, VN-Index giảm sâu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dòng tiền tháo chạy khỏi cổ phiếu nhỏ, VN-Index giảm sâu

VD

(TBKTSG Online) – Phiên giao dịch 19-3 chứng kiến dòng tiền rút lui hàng loạt ở các mã cổ phiếu nhỏ sau chuỗi ngày dài tạo sóng bất chấp dịch bệnh bao trùm thị trường. Trong khi đó lực đỡ từ  các mã lớn gần như không có khiến VN-Index giảm sâu.

Dòng tiền tháo chạy khỏi cổ phiếu nhỏ, VN-Index giảm sâu
Dòng tiền rút khỏi cổ phiếu nhỏ, VN-Index giảm sâu phiên 19-3. Ảnh minh họa: ĐTCK

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhà đầu tư trong nước đã "liếc nhìn" diễn biến tiêu cực từ các thị trường chứng khoán lớn như phố Wall hay châu Âu với tâm lý chán nản. Các thị trường này bị bán tháo trở lại, nhất là tại Mỹ, khi lại diễn ra hiện tượng ngắt giao dịch. Dow Jones lần đầu tiên thủng mốc 20.000 điểm từ năm 2017. Theo đó thị trường trong nước cũng đỏ lửa từ sớm ngay khi mở cửa, với VN-Index lao nhanh về vùng 720 điểm, tương ứng mất gần 27 điểm, và chưa có dấu hiệu hồi phục nào sau hơn một giờ giao dịch sau đó.

Bảng điện tử cho thấy có gần 300 mã giảm trên HOSE, trong đó, 23 mã giảm sàn. Rổ VN30 cũng chỉ còn 1 mã tăng và tăng trần là ROS, còn lại đều mất điểm, trong đó, không ít mã giảm sâu từ 4% đến hơn 6%. VN-Index theo đó đi ngang quanh vùng giá thấp cho đến khi bước vào giờ nghỉ.

Phiên chiều, VN-Index không xấu thêm nhưng nhóm Penny đã có dấu hiệu cạn để tiền kéo lên. Một loạt các mã nhỏ đã quay đầu giảm sàn từ sắc tím đầu phiên như HQC, AMD, HAI, TSC, LHM, QCG… hay từ mức giá xanh như FLC, DLG, HID, SJF… Toàn sàn có tổng cộng 35 mã giảm sàn.

HQC, AMD, HAI, FLC, DLG là 5 mã có thanh khoản cao nhất sàn, lần lượt đạt 36,62 triệu; 35,48 triệu; 23,29 triệu; 19.55 triệu; 15,89 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị.

Trong khi đó, ROS là mã hiếm hoi đi ngược thị trường với sắc tím, thanh khoản mạnh với 13,73 triệu đơn vị. Đây là phiên trần thứ 2 của ROS sau chuỗi 11 phiên giảm liên tục (trong đó có 4 phiên nằm sàn), hiện đứng ở mức giá 5.630 đồng.

Trong rổ VN30, sức ép khiến sắc xanh hiếm hoi của SSI cũng không còn. Ngoại trừ ROS tăng điểm, SSI và NVL đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, nhiều mã giảm sâu như VNM giảm 6,3% về 89.900 đồng, SAB giảm 6,6% về 127.000 đồng, VCB giảm 4,8% về 66.000 đồng; GAS giảm 4,7% về 55.300 đồng, PLX giảm 4,8% về 40.100 đồng, PNJ giảm 5,2% về 54.400 đồng…

Chốt phiên, với 313 mã giảm, gấp gần 5 lần số mã tăng là 69, VN-Index giảm 21,72 điểm (-2,91%) xuống 725,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 353 triệu đơn vị, giá trị 4.218 tỉ đồng, tăng 36% về khối lượng, nhưng giảm nhẹ 1% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 44,46 triệu đơn vị, giá trị 950,7 tỉ đồng.


Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 513 tỉ đồng và đây cũng là phiên bán ròng thứ 28 liên tiếp. Áp lực bán của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như MSN (83,18 tỉ đồng), HPG (78,42 tỉ đồng), VNM (63,39 tỉ đồng)… Trên HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng khá mạnh với 7,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 467,54 tỉ đồng.

Bộ Tài chính miễn, giảm mạnh giá hàng loạt dịch vụ chứng khoán

Để tiếp sức cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, ngày 18-3, Bộ Tài chính đã quyết định giảm giá dịch vụ chứng khoán từ 10 – 50% với 9 dịch vụ và miễn thu hoàn toàn đối với 6 dịch vụ.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký ban hành Thông tư 14/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 127/2018/TT-BTC theo quy trình rút gọn, để điều chỉnh giá dịch vụ hỗ trợ thị trường chứng khoán. Văn bản mới này có hiệu lực từ ngày 19/3/2020. Theo quy định mới tại Thông tư 14/2020/TT-BTC, giảm giá từ 10 – 50% đối với 9 dịch vụ.

Cụ thể, giảm 10% đối với 3 dịch vụ: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán.

Giảm từ 15%-20% đối với 2 dịch vụ: dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh.


Giảm từ 30%-50% đối với 4 dịch vụ gồm: dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Cũng theo quy định mới tại Thông tư 14/2020/TT-BTC, miễn hoàn toàn giá dịch vụ chứng khoán đối với 6 dịch vụ gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua  hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Trên cơ sở mức giảm giá dịch vụ tại sở giao dịch chứng khoán và VSD như trên, các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán thực hiện ngay việc giảm giá dịch vụ tương ứng tại đơn vị mình để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ chứng khoán.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới