(KTSG) - Có thể hiểu được khi dòng tiền sớm rót vào nhóm cổ phiếu dịch vụ du lịch; để đón đầu sự phục hồi, nhất là khi nhiều cổ phiếu trong nhóm này đang ở vùng đáy, trong bối cảnh thị trường chung cũng như nhiều cổ phiếu khác đã tăng mạnh trong hơn một năm qua.
Từ cổ phiếu du lịch
Trong khi chỉ số VN-Index trong tuần qua tiếp tục tích lũy trong biên độ chật hẹp 1.330-1.350 điểm, với kỳ vọng đang củng cố để sớm có thể vượt qua mốc kháng cự ở 1.350 điểm, thì nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) và nhỏ (penny) đang thể hiện mức tăng trưởng tốt hơn chỉ số chung. Trong số các nhóm ngành hút dòng tiền đầu tư, nhóm dịch vụ du lịch bất ngờ có diễn biến lạc quan trở lại, bất chấp chính sách giãn cách xã hội vẫn đang khiến hoạt động du lịch bị đóng băng.
Nhóm cổ phiếu du lịch hồi giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 năm nay cũng có một đợt sóng tăng khá mạnh, trước câu chuyện vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu được tiêm ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng chậm chạp do nguồn cung thiếu hụt và các đợt dịch bệnh bùng phát sau đó đã khiến nhóm cổ phiếu này lao dốc trở lại trong hơn năm tháng qua do là nhóm tiếp tục bị thiệt hại nặng nề.
Đơn cử như cổ phiếu VTD của Công ty cổ phần (CTCP) Du lịch Vietourist trong giai đoạn đầu năm nay đã tăng gấp 2,6 lần, từ mức đáy quanh 8.000 đồng/cổ phiếu lên đỉnh gần 21.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu này đã điều chỉnh mạnh mẽ và có lúc rớt về lại tận vùng 11.000 đồng/cổ phiếu, khi thực tế cho thấy du lịch vẫn là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều. Nhưng tính từ đầu tháng 9 đến phiên cuối tuần qua, cổ phiếu VTD có dấu hiệu hút tiền trở lại khi đã phục hồi gần 30% cùng với thanh khoản gia tăng.
Tương tự, cổ phiếu TCT của CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh cũng đã tăng xấp xỉ 15% trong nửa tháng qua, sau khi thiết lập đáy ở vùng 25.000 đồng/cổ phiếu. Công ty này lãi gần 13,8 tỉ đồng trong quí 1 năm nay nhờ hoạt động du lịch nội địa sôi động thời điểm đó, trong quí 2 lỗ hơn 2,2 tỉ đồng và quí 3 này khả năng kết quả kinh doanh cũng không mấy tích cực. Dù vậy, nội lực tài chính của công ty vẫn khá tốt với nguồn lợi nhuận chưa phân phối hiện có hơn 133 tỉ đồng, cao hơn cả vốn đầu tư của chủ sở hữu, từ đó có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để có cơ hội phục hồi nhanh trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, cổ phiếu VTR của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam cũng tăng 15% trong cùng khoảng thời gian, cổ phiếu OCH của CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH tăng gần 13%, cổ phiếu VNG của CTCP Du lịch Thành Thành Công tăng hơn 10%, trong khi các cổ phiếu như DSN của CTCP Công viên nước Đầm Sen, CTC của CTCP Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên... cũng có dấu hiệu hút tiền.
Đón đầu với kỳ vọng gì?
Theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 5-2021 do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện, được công bố mới đây, du lịch là ngành có tỷ lệ mất việc lớn nhất. Theo đó, chỉ còn khoảng 4% doanh nghiệp duy trì được hoạt động.
Nhà đầu tư có lẽ cũng không nên lạc quan quá mức và đua mua bằng mọi giá, vì bất kỳ đợt tăng nóng nào của cổ phiếu cũng sẽ kích thích dòng tiền đánh ngắn hạn chốt lời. Ngoài ra, cần có thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của các chính sách mở cửa và kích cầu du lịch trong giai đoạn tới...
Vì vậy, nếu như câu chuyện Việt Nam sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã là động lực cho đợt sóng tăng đầu năm nay của nhóm cổ phiếu dịch vụ du lịch, thì đợt sóng tăng lần này liên quan đến việc tình trạng giãn cách xã hội kéo dài suốt thời gian qua tại các thành phố lớn sắp được gỡ bỏ, đặc biệt là chính sách mở cửa du lịch quốc tế trở lại và hộ chiếu vaccine sắp được áp dụng.
Trong cuộc họp thường trực Chính phủ diễn ra hôm 6-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra yêu cầu từ nay đến cuối năm nhanh chóng thí điểm việc mở cửa, thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Ngay sau đó, ngày 7-9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Theo kế hoạch này, bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine, phù hợp với hệ thống công nhận của quốc tế. Địa phương đầu tiên thí điểm đón khách quốc tế vào tháng 10 tới sẽ là Phú Quốc (Kiên Giang), sau đó sẽ mở rộng tới Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Trước đó, từ hồi tháng 7, Phú Quốc đã chủ động ưu tiên tiêm chủng vaccine cho hàng chục ngàn lao động trong các khu du lịch, giải trí,... để đảm bảo đủ điều kiện cho việc thí điểm đón khách quốc tế. Được biết, hôm 10-9 Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Với du lịch nội địa, hiện cũng có đề xuất thí điểm “thẻ thông hành xanh” - chứng nhận tiêm chủng, như là giải pháp chứng nhận an toàn dịch bệnh để phục vụ kinh doanh, đi lại...
Song song với các chiến dịch kích cầu du lịch và triển khai những sản phẩm gắn với xu hướng hậu Covid-19 như du lịch bền vững, du lịch với thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe, du lịch an toàn, các cơ quan quản lý cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bằng các chương trình miễn, giảm thuế, phí, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo nghề. Ngoài ra, nhóm ngành này cũng có cơ hội tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hoạt động khôi phục kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp.
Có thể thấy nhóm du lịch đang bắt đầu nhận được nhiều chính sách hỗ trợ có tính đột phá hơn sau giai đoạn khó khăn và thiệt hại nặng nề trong hơn một năm qua. Do đó, nhóm này được kỳ vọng sẽ bật lại nhanh hơn và bứt phá mạnh hơn so với các nhóm khác trong giai đoạn tới.
Nhóm cổ phiếu ăn theo
Bên cạnh nhóm cổ phiếu du lịch, cổ phiếu thuộc các ngành nghề, doanh nghiệp hưởng lợi theo chính sách mở cửa du lịch trở lại cũng đang thu hút dòng tiền và tăng khá tốt từ đầu tháng 9 đến nay. Đầu tiên là nhóm hàng không, vốn đã bắt đầu phục hồi sớm hơn từ cuối tháng 7, với cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tăng hơn 20% tính từ đầu tháng 9 đến phiên cuối tuần qua, còn nếu tính từ mức đáy quanh 19.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 7 thì đã tăng hơn 30%.
Các cổ phiếu như VJC của CTCP Hàng không Vietjet, ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, MAS của CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng, NAS của CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài... cũng có diễn biến khá tốt.
Nhóm kế tiếp là cổ phiếu bất động sản du lịch, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn ở các địa phương như Phú Quốc, Quảng Ninh, Nha Trang... Có thể kể đến cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O (HNX), vốn có dự án tại Phú Quốc lẫn Quảng Ninh, đã tăng 25% trong hai tuần qua. Cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay cũng có dấu hiệu bật tăng lại cuối tuần qua.
Dù triển vọng phục hồi của các nhóm này về dài hạn là khá tích cực, nhưng nhà đầu tư có lẽ cũng không nên lạc quan quá mức và đua mua bằng mọi giá, vì bất kỳ đợt tăng nóng nào của cổ phiếu cũng sẽ kích thích dòng tiền đánh ngắn hạn chốt lời. Ngoài ra, có lẽ cần có thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của các chính sách mở cửa và kích cầu du lịch trong giai đoạn tới, từ đó mới có thể xem xét khả năng phục hồi trở lại của từng doanh nghiệp.