Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền tiếp tục do dự!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch từ ngày 8 đến 12-7-2024 với diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index nỗ lực tiếp cận lại khu vực 1.280-1.290 điểm trước khi áp lực bán mạnh dần khiến đà tăng chững lại.

Đóng cửa tuần, VN-Index giảm 2,29 điểm (tương đương 0,18%), lùi về mốc 1.280 điểm. Thanh khoản toàn thị trường được cải thiện đáng kể khi gia tăng 34% so với tuần trước đó, lên mức trung bình 19.436 tỉ đồng/phiên.

Trong quí 2 vừa qua, VN-Index đã nhiều lần ngấp nghé, thậm chí có lúc đóng cửa trên mốc 1.300 điểm. Ảnh minh họa: LÊ VŨ

Như vậy, lại thêm một lần nữa VN-Index chưa thể thành công trong việc chinh phục ngưỡng 1.300 điểm. Đây không phải lần đầu chỉ số này thất bại trước mốc điểm này. Trong quí 2 vừa qua, VN-Index đã nhiều lần ngấp nghé, thậm chí có lúc đóng cửa trên mốc 1.300 điểm như hồi trung tuần tháng 6 nhưng sau đó lại tuột mất thành quả một cách chóng vánh.

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường thiếu động lực để vượt qua vùng cản trên. Sau giai đoạn đi lên đồng loạt trong quí đầu năm nhờ môi trường lãi suất thấp kỷ lục và tăng trưởng lợi nhuận từ nền thấp của năm ngoái, tình hình đã khó khăn hơn từ đầu quí 2 vừa qua với những biến động từ môi trường vĩ mô nói chung, điển hình là vấn đề tỷ giá và lãi suất. Trong bối cảnh đó, diễn biến phân hóa diễn ra rất rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu.

Trong khi nhóm ngân hàng, bất động sản gặp nhiều khó khăn thì ở chiều ngược lại, điểm sáng đến từ nhóm công nghệ, viễn thông, bán lẻ… với những câu chuyện riêng hấp dẫn. Tuy vậy, việc tăng giá mạnh giai đoạn trước đã khiến nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này chịu áp lực điều chỉnh gần đây.

Bên cạnh yếu tố phân hóa, áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và kìm hãm đà đi lên của thị trường. Trong tháng 6, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục gần 16.600 tỉ đồng trên HOSE. Xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 6.800 tỉ đồng từ đầu tháng 7, đưa giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm đến nay lên đến gần 59.000 tỉ đồng (tương đương 2,3 tỉ đô la Mỹ).

Tuần qua, tâm điểm bán ròng ghi nhận tại cổ phiếu FPT với giá trị bán ròng lên tới 1.334 tỉ đồng, tiếp đến là hai cổ phiếu MWG và VHM với giá trị bán ròng lần lượt là 551 tỉ đồng và 467 tỉ đồng.

Trên TTCK Mỹ, các chỉ số chính tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (12-7), với việc Dow Jones lập kỷ lục mới tại mốc 40.000 điểm. Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất đã khuyến khích nhà đầu tư mua vào những nhóm cổ phiếu ngoài cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Tính chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 1,6%, S&P 500 tăng 0,9% và Nasdaq tăng 0,2%.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cuối tuần trước cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) – thước đo lạm phát bán buôn – tăng 0,2% trong tháng 6 so với tháng trước, cao hơn mức dự báo tăng 0,1% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Trong tháng 5, chỉ số này đi ngang so với tháng 4.

Dù báo cáo PPI “nóng” hơn kỳ vọng, thị trường hầu như “phớt lờ” chuyện này. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược khả năng hơn 90% Fed sẽ hạ lãi suất vào cuộc họp tháng 9 tới.

Triển vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất sẽ mang đến kỳ vọng cho dòng tiền vào TTCK tại các nước mới nổi – nơi đã chịu nhiều áp lực từ động thái bán ròng triền miên của nhà đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm tới nay. Cùng với đó, sức ép lên đồng nội tệ của các nước này cũng sẽ phần nào được giải tỏa, khiến dòng tiền vào TTCK của các nhà đầu tư nội cũng sẽ tự tin hơn.

Với TTCK Việt Nam, việc chưa công phá thành công vùng kháng cự quanh 1.300 điểm đang khiến nhiều nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn, đẩy lực cung gia tăng tại một số thời điểm. Ngược lại, ở phía cầu, kỳ vọng về mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 sắp được công bố có thể giúp kích thích lực mua lên tại các cổ phiếu triển vọng.

Trong bối cảnh đó, diễn biến giằng co biên độ hẹp đi kèm thanh khoản thấp và phân hóa mạnh nhiều khả năng vẫn sẽ diễn ra với TTCK Việt Nam trong ngắn hạn. Do vậy, các nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng, quản trị chặt rủi ro và tận dụng các phiên tăng điểm để cơ cấu danh mục sang các mã tiềm năng nhằm đón sóng kết quả kinh doanh. Các nhóm ngành đáng chú ý trong giai đoạn này là bán lẻ, vận tải biển, công nghệ thông tin, phân bón – hóa chất…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới