Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng yen mất giá do doanh nghiệp Nhật Bản không muốn chuyển ngoại tệ về nước

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đồng yen tiếp tục giảm giá so với đô la Mỹ và các đồng ngoại tệ chính khác. Một trong các nguyên nhân chính là bởi các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng miễn cưỡng chuyển ngoại tệ trở về xứ sở.

Hăm hở mở rộng ra nước ngoài, nhà xuất khẩu Nhật Bản trở nên miễn cưỡng hơn trong việc chuyển đổi doanh thu ở nước ngoài sang đồng yen, khiến các giao dịch mua yen “vắng bóng” trong các phiên giao dịch ban ngày. Ảnh: Nikkei Asia

Nhiều nhà xuất khẩu Nhật hiện muốn sử dụng nguồn ngoại tệ thu được để mở rộng kinh doanh ở nước ngoài. Vì thế, việc mua đồng yen thường ít nổi bật trong các phiên giao dịch hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều tại Tokyo. Năm 2023, được ghi nhận là năm thứ ba liên tiếp tỷ lệ đồng yen bị bán vượt qua việc mua vào. Điều này khiến đồng nội tệ Nhật Bản giảm giá và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay 2024.

Lệnh mua đồng yen yếu đi

Hôm 19-3, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã chấm dứt chính sách lãi suất âm, loại bỏ điều mà nhiều người coi là nguyên nhân chính khiến đồng yen mất giá. Tuy vậy, đồng yen vẫn yếu, chạm mức trên 151 so với đồng đô la.

Trên thực tế, các nhà giao dịch tiền tệ tại các ngân hàng Nhật Bản cho biết họ nhận thấy lệnh mua đồng yen yếu bất thường từ các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Trước đây, nhiều công ty đã chuyển đổi một phần thu nhập ngoại tệ của họ sang đồng yen vào cuối năm tài chính (kết thúc cuối tháng 3), nhưng nhu cầu đối với đồng nội tệ Nhật Bản đã giảm rõ rệt. Hiện nhiều người chọn giữ ngoại tệ, đồng thời phòng ngừa rủi ro bằng các hợp đồng kỳ hạn.

Tại Nhật Bản, phần lớn giao dịch tiền tệ diễn ra vào ban ngày. Điều này tạo ra nhu cầu về đồng yen, thường tạo ra một đối trọng cho việc bán ra của các nhà đầu cơ nước ngoài. Dựa trên sự thay đổi giá trung bình hàng ngày trong giờ giao dịch ở Tokyo, đồng yen đã tăng so với đồng đô la hàng năm từ năm 2006 đến năm 2016.

Ngay cả trong năm 2000 và 2013, khi đồng yen giảm giá trong suốt cả năm, lượng mua vào của đồng yen vẫn cao hơn lượng bán ra nhờ thặng dư tài khoản vãng lai lớn của Nhật Bản. Nhưng lực bán đã vượt lực mua kể từ năm 2021, khi các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu ưu tiên mở rộng ra nước ngoài. Điều này khiến việc chuyển đổi thu nhập từ nước ngoài của họ sang đồng yen ít thường xuyên hơn.

Chẳng hạn, Tập đoàn Sony đã hợp nhất các giao dịch ngoại hối toàn tập đoàn thông qua hãng con ở Anh để cân bằng việc bán và mua ngoại tệ. Thay vì chuyển đổi ngoại tệ thành yen, Sony cố gắng giảm chi phí bằng cách sử dụng những đồng tiền đó để thanh toán cho các dự án vốn và các giao dịch mua bán kinh doanh khác ở nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Daisuke Karakama thuộc Ngân hàng Mizuho cho rằng: “Do tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng ở Nhật Bản, các công ty Nhật Bản nhận thấy có rất ít động lực để đưa doanh nghiệp trở về nước. Thu nhập ở nước ngoài đang tăng dần tại các hãng con ở nước ngoài, dưới dạng dự trữ nội bộ, mà không có mục tiêu rõ ràng là để chi tiêu”.

Tiếp tục thâm hụt cán cân thanh toán

Sử dụng dữ liệu cán cân thanh toán của Nhật Bản, Karakama đã ước tính số dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản dựa trên dòng tiền vào và ra có thể ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường đối với đồng yen. Karakama giả định rằng các công ty Nhật Bản không mang thu nhập bằng ngoại tệ ở nước ngoài trở về.

Ước tính này cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản không tạo ra nhiều nhu cầu về đồng yen như số liệu chính thức chỉ ra. Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai 10.700 tỉ yen (70,68 tỉ đô la) trong năm 2022, nhưng nếu thu nhập từ nước ngoài không được chuyển về nước mà thay vào đó được tái đầu tư ra nước ngoài, thì Nhật Bản sẽ thâm hụt 10.200 tỉ yen trong năm 2022 và 1.800 tỉ yen trong năm 2023.

Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản đẩy nhanh quá trình bán tháo đồng yen. Việc mở rộng chương trình đầu tư miễn thuế mang tên Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (NISA) đã làm tăng đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư cá nhân tại Nhật Bản. Một số hoạt động bán đồng yen, chẳng hạn như thanh toán cho các dịch vụ công nghệ thông tin ở nước ngoài có tính cơ cấu và ngày càng tăng. Vì thế, nhiều người lo ngại về tác động bất lợi của việc đồng yen mất giá, bao gồm cả giá nhập khẩu cao hơn.

Nhà kinh tế trưởng Hideo Kumano của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định: “Để ngăn chặn đồng yen mất giá mạnh, chính phủ có thể xem xét cắt giảm thuế đối với việc đưa đồng yen về nước để khuyến khích lợi nhuận ở nước ngoài quay trở lại Nhật Bản”.

Năm 2005, cựu Tổng thống George W. Bush đã cho các doanh nghiệp Mỹ được miễn thuế hồi hương lợi nhuận ở nước ngoài nếu thực hiện việc hồi hương này chỉ trong một lần. Điều này khiến dòng vốn đổ vào Mỹ tăng mạnh và đồng đô la tăng giá so với các loại tiền tệ chính khác.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI), các công ty con ở nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản có dự trữ ngoại tệ trị giá 48.000 tỉ yen (320 tỉ đô la). Nếu 20% số này hồi hương, Nhật Bản sẽ sở hữu số tiền tương đương với số chi của ngân hàng trung ương BOJ cho các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ năm 2022. Tuy nhiên, tác động việc hồi hương với mua đồng yen chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn.

Giáo sư kinh tế học Kiyotaka Sato tại Đại học Quốc gia Yokoham cho rằng hỗ trợ chính sách nhằm khuyến khích đầu tư trong nước bền vững là không thể thiếu được. “Nếu không có phối hợp đối tác công tư đủ mạnh, đồng yen khó có thể thấy ánh mặt trời ở Tokyo”, ông Sato kết luận bằng câu nói đầy ám thị.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới