(KTSG Online) – Tỷ giá đồng yen của Nhật Bản so với đô la Mỹ giảm xuống mức 34 năm, khiến giới chức trách phát đi thông điệp cảnh báo hành động can thiệp để kìm hãm đà giảm nếu cần thiết.
- Nhật Bản lần đầu tiên can thiệp ngoại hối kể từ năm 1998 để ‘cứu’ đồng yen
- Đô la Mỹ trỗi dậy, châu Á đứng trước áp lực can thiệp tiền tệ
Trong phiên giao dịch sáng nay (27-3), đồng tiền của Nhật Bản giảm 0,3% xuống mức 151,97 yen đổi 1 đô la Mỹ, thấp nhất kể từ giữa thập niên 1990. Tỷ giá này đã vượt qua ngưỡng 151,95 yen đổi 1 đô la vốn khiến chính phủ Nhật Bản đã can thiệp ngoại hối trực tiếp vào tháng 10-2022.
Trước diễn biến trên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cảnh báo sẽ có những hành động can thiệp quyết liệt. “Chúng tôi đang theo dõi các diễn biến của thị trường với thái độ hết sức cấp bách. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ chống lại những diễn biến quá mức của tỷ giá mà không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào”, ông nói.
Việc đề cập đến hành động mạnh mẽ thường được hiểu là can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán ra đồng đô la Mỹ. Trong năm 2022, Nhật Bản đã chi 9,2 nghìn tỉ yen (60,6 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ đồng yen trong ba đợt.
“Thị trường rất nhạy cảm với ngưỡng 152 yen đổi 1 đô la Mỹ. Xét lịch sử gần đây thì việc tỷ giá đồng yen vượt qua ngưỡng đó có thể dẫn đến hành động can thiệp”, Rodrigo Catril, nhà chiến lược ngoại hối cấp cao của ngân hàng National Australia Bank ở Sydney, bình luận.
“Rủi ro là nếu sự can thiệp diễn ra ngay bây giờ, thị trường biết rằng có một ngưỡng tỷ giá cứng mà giới chức trách sẽ bảo vệ. Điều đó có thể mời gọi thị trường kiểm định ngưỡng tỷ giá đó”, Benjamin Shatil, nhà chiến lược ngoại hối của ngân hàng JPMorgan nói.
Shusuke Yamada, người đứng đầu chiến lược ngoại hối Nhật Bản của ngân hàng Bank of America, dự đoán nếu Nhật Bản quyết định can thiệp, quy mô can thiệp ban đầu có thể bị giới hạn ở mức 2-4 nghìn tỉ yen (13-26 tỉ đô la), nhưng cuối cùng, có thể lên tới tổng cộng 12 nghìn tỉ yen.
“Can thiệp ngoại hối là một lựa chọn thực tế để chính phủ Nhật Bản chống lại sự suy yếu của đồng yen”, Yamada nhận định.
Cùng ngày, Naoki Tamura, thành viên hội đồng thống đốc của BOJ, cho biết BoJ cần tiến hành chậm nhưng kiên định hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo. Quan điểm này cho thấy BoJ sẽ không tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới. Các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo có thể chờ đợi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất rồi mới cân nhắc hành động mạnh mẽ hơn.
Trao đổi riêng với giới phân tích, các quan chức tài chính Nhật Bản cho rằng sự suy yếu gần đây của đồng yen là do do hành động đầu cơ. Đồng yen yếu hơn sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản nhưng có thể gây áp lực lên các hộ gia đình do chi phí nhập khẩu tăng.
Các nhà đầu tư dự đoán, chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển khác, đặc biệt là Mỹ, vẫn còn lớn ngay cả sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) chấm dứt chính sách lãi suất âm hồi tuần trước. Điều đó đang làm suy yếu đồng yen khi nhà đầu tư ưa chuộng các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn ở các nước khác.
Theo giả định thông thường, đồng tiền của Nhật Bản sẽ tăng giá khi BoJ tăng lãi suất. Tuy nhiên, đồng yen giảm giá 1% trong ngày BoJ thông báo tăng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm.
Patrick Hu, một nhà giao dịch tiền tệ của ngân hàng Citi ở Singapore, cho biết sự kiện này đã được dự đoán từ trước và thị trường cũng định giá trước đồng yen dựa theo dự đoán này. Vì vậy, các nhà giao dịch bán đồng yen khi tin tức chính thức về việc chấm dứt lãi suất được đưa ra.
Ngoài ra, các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ tiếp tục áp dụng chiến lược ăn chênh lệch lãi suất (carry trade) giữa đồng yen và các ngoại tệ mạnh khác. Lãi suất của đồng yen đang ở mức yếu nhất trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất thế giới. Điều này khuyến khích nhà đầu tư vay hoặc bán đồng yen để mua vào các đồng tiền khác có lãi suất cao hơn, gây áp lực giảm giá lên đồng yen. Lãi suất của Mỹ đang ở biên độ 5,25-5,5%, còn lãi suất của Nhật Bản nằm dưới mức 0,1%. Thị trường dự đoán BoJ chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong năm nay. Chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Nhật Bản và Mỹ hiện lên tới 350 điểm cơ bản.
Theo Bloomberg, Financial Times