Đột ngột tắt-mở liên tục, bóng đèn cũng sẽ đứt!
Long Châu
(KTSG) - Cho đến giữa năm ngoái, các nước trên thế giới đều lúng túng đối phó với dịch Covid-19. Từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đến các nước châu Âu như Anh, Ý, Đức, Pháp... đều loay hoay trong quá trình ra quyết định. Đóng cửa giao thông hay chỉ hạn chế? Giãn cách xã hội ở mức độ nào và trong bao lâu?
Đây là điều dễ hiểu vì cả thế giới lúc đó bị dịch Covid-19 tấn công bất ngờ mà lại chưa có tiền lệ cũng như không có đủ thông tin để ra quyết định. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng rất quan trọng là chính quyền trung ương và địa phương ở các nước phải cân nhắc hết sức thận trọng, chống dịch ở mức độ nào. Vội vã phong tỏa sẽ giết chết nền kinh tế mà chậm trễ thì thiệt hại nhân mạng có thể tăng cao.
Việt Nam lúc đó đã lựa chọn giải pháp phong tỏa toàn quốc từ 1-4-2020, từ thời hạn dự kiến chỉ 14 ngày lúc đầu đã tăng thêm đến qua đầu tháng sau đó mới chấm dứt. Đến nay, Việt Nam đã trải qua thêm ba đợt bùng dịch nữa, mà đợt thứ tư hiện nay chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trong bối cảnh thế giới và cả Việt Nam đã có thêm nhiều thông tin về dịch Covid-19, chuyện thay đổi cách đối phó với đại dịch đã đến lúc phải làm. Bài toán đau đầu cho chính quyền khắp nơi là làm sao chống được dịch mà không bóp chết nền kinh tế.
Trước thực tế dịch Covid-19 còn kéo dài và chưa thể chấm dứt sớm trong 1-2 năm tới, một số nước như Singapore bắt đầu tính đến việc ngừng đếm số ca nhiễm (*) và xem việc phải sống chung với đại dịch là chuyện đương nhiên (**).
Trong đợt dịch này, có không ít quyết định từ các địa phương được ban hành khiến người dân và doanh nghiệp trở tay không kịp. Đa số theo công thức: Kết luận trong cuộc họp sáng hay trưa, chiều hoặc chiều muộn ban hành quyết định và có hiệu lực ngay trong đêm (thường là 0 giờ ngày hôm sau).
Thử hình dung, trong ngày ra chính quyền ra quyết định yêu cầu đóng cửa, nhà cung cấp, chủ quán ăn, nhà hàng, doanh nghiệp, tiểu thương... đã phải mua hàng, đặt hàng cho ngày hôm sau. Khi họ nhận tin đóng cửa thì đã quá muộn để xử lý số hàng đó. Thiệt hại kép đè nặng vai họ vì vừa lỗ vốn cho số hàng đã mua không tiêu thụ được, vừa mất nguồn doanh thu hàng ngày. Với các thành phần yếu thế hơn như quán cà phê tại nhà, tiệm hớt tóc lề đường, người mua/nhặt phế liệu, bán vé số, xe đẩy hàng rong... nếu ngưng ra đường một ngày là không có nguồn sống một ngày. Người dân không chỉ cần thức ăn mà cuộc sống hàng ngày còn đủ thứ chi tiêu dựa vào quán cà phê, tiệm hớt tóc, xe nhặt phế liệu... của họ.
Đã trải qua bốn đợt bùng dịch nhưng cơ sở ra một số quyết định tạm ngưng hoạt động kinh tế vẫn mang nặng dấu ấn mệnh lệnh hành chính. Người viết bài băn khoăn rằng liệu có phải do “bóng ma trách nhiệm” hay “thành tích chống dịch” đang ám ảnh nhà quản lý dẫn đến việc họ ra những quyết định quá cứng rắn và có thể cả vội vã? Không rõ cơ sở ra quyết định có dựa trên cơ sở khoa học, thống kê về dịch tễ hay không? Ví dụ, khi có bao nhiêu ca nhiễm trên 100.000 dân thì áp dụng đóng cửa kinh tế và thời gian đóng trong bao lâu?
Với mức độ dễ lây nhưng không quá nguy hiểm vì hơn 80% số ca nhiễm Covid-19 triệu chứng bệnh rất nhẹ, thậm chí không có biểu hiện (***), liệu có cần mạnh tay đến mức đóng cửa kinh tế chỉ vì vài ba ca nhiễm được phát hiện?
Đóng cửa kinh tế để chống dịch là điều phải làm. Tuy nhiên, sau khi đóng cửa thì cần những giải pháp mang tính dài hạn hơn và phải dựa trên cơ sở khoa học.
Trong bối cảnh đại dịch kéo dài không sớm chấm dứt cộng với kinh nghiệm chống dịch đã trải qua, đã đến lúc cần cân nhắc giải pháp dung hòa giữa chống dịch và giữ sinh kế cho người dân. Đời sống xã hội, dân sinh cũng như cái bóng đèn, nếu cứ tắt-mở liên tục nhiều lần đột ngột thì bóng đèn sẽ đứt vì sốc điện.
Chống dịch, đó là khoa học, không phải thành tích!
------------
(*) https://edition.cnn.com/travel/article/singapore-covid-plan-intl-hnk/index.html
(**) https://tuoitre.vn/singapore-chung-song-binh-thuong-voi-covid-19-20210626022503699.htm
(***) https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/hon-80-benh-nhan-covid-19-tai-viet-nam-tu-hoi-phuc-sau-1-tuan-715145.html