Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Drone cứu nguy giao hàng thời Covid

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Drone cứu nguy giao hàng thời Covid

Song Hảo – Trí Dũng

(KTSG) – Máy bay không người lái (drone) chưa bao giờ phát huy vai trò người giao hàng trên không tốt như trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành. Người ta dùng drone để giao hàng đặt mua qua mạng, từ ly cà phê cho đến các bộ kit dùng xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Nhưng đó là chuyện ở nước ngoài.

Drone cứu nguy giao hàng thời Covid
Trong phòng kỹ thuật của Real Time Robotics ở đường Khổng Tử, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Trí Dũng

Quy mô của thị trường drone thương mại trên toàn thế giới trong năm 2020 chỉ đạt 13,44 tỉ đô la với gần 700.000 sản phẩm. Thị trường này được dự đoán sẽ đạt giá trị trên 500 tỉ đô la vào năm 2028 tới, theo số liệu của hãng Grand View Research.

Cuộc đua hoàn thiện hệ thống giao hàng

Từ năm 2018, Wing, thuộc tập đoàn Alphabet, đã bắt tay cùng chuỗi thức ăn nhanh để giao bánh burrito và một cửa hàng dược phẩm để giao thuốc ở ngoại ô Canberra tại Úc. Các khó khăn ban đầu của Wing như máy bay phải phát hiện được cây cối, hàng rào và dây điện trước khi hạ các gói hàng xuống mặt đất bằng hệ thống dây tời… cuối cùng đã đượcWing giải quyết dứt điểm. Từ tháng 4-2019, Wing bắt đầu hoạt động thương mại, mở rộng sang các khu vực khác ở thành phố Brisbane thuộc tiểu bang Queensland của Úc, theo tạp chí Australian Aviation.

Các nhà bán lẻ sử dụng drone của Wing để giao các lô hàng có trọng lượng dưới 3,3 pound, khoảng 1,5 ki lô gam. Terrance Bouldin-Johnson, người phụ trách thị trường Úc của Wing, nói rằng cà phê là mặt hàng bán chạy nhất trên app của Wing từ giữa năm 2020 đến nay.

Cuộc đua hoàn thiện một hệ thống giao hàng tức thì khi khách vừa nhấp chuột mua hàng trên mạng như nói trên cũng đang diễn ra ở Mỹ, Anh. Alphabet đã thực hiện giao bánh burrito bằng drone trong khuôn viên của Đại học Virginia Tech từ năm 2017. Trang Amazon.com từ tháng 12-2016 đã cho giao bắp rang và thiết bị Fire TV đến người tiêu dùng Anh. Khắp nơi, từ công ty khởi nghiệp Flirtey Inc. cho đến nhà bán lẻ khổng lồ Walmart cũng bắt đầu thử hình thức giao hàng bằng máy bay không người lái…

Tham gia chương trình y tế cộng đồng, chống Covid-19

Business Insider cho biết các nhà khoa học thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) thử nghiệm sử dụng drone cho các chương trình y tế cộng đồng từ năm 2017. Họ sử dụng máy bay không người lái kỹ thuật cao (super hybrid) có thể bay quãng đường xa lên đến 250 ki lô mét qua sa mạc Arizona có nhiệt độ 40-50 độ C.

Khoang chứa hàng của drone có thể tự điều chỉnh nhiệt độ để bảo đảm sự nguyên vẹn cho thuốc và mẫu máu hay mẫu vật y tế không bị hư hại trong điều kiện nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Máy bay khi đi mang theo dược phẩm, khi về mang theo mẫu vật y tế. Điều này rất thuận tiện cho chẩn đoán và điều trị từ xa, thích hợp cho những vùng hẻo lánh xa các trung tâm y tế.

Mùa dịch 2020, nhiều doanh nghiệp drone đã ký các thỏa thuận vận chuyển vật phẩm y tế với các hãng dược và nhà bán lẻ.

Tại Mỹ, gã khổng lồ ngành dược Merck đã hợp tác với Volansi dùng drone đưa thuốc và vaccin từ nơi sản xuất ở bang North Carolina đến một cơ sở thuộc chuỗi bệnh viện Vidant Health gần đó. Drone chạy bằng pin của Volansi có thể đưa kiện hàng gần 2,5 ki lô gam, vật phẩm y tế đến những địa điểm cách đó 80 ki lô mét. Volansi hiện có công nghệ kiểm soát nhiệt độ rất cần thiết cho quá trình vận chuyển vaccin.

Hoặc như hãng DroneUp LLC, hợp tác với siêu thị Walmart và Quest Diagnostic Inc, vận chuyển các bộ kit xét nghiệm Covid-19 đến các hộ ở North Las Vegas và khu vực Buffalo thuộc thành phố New York trong bán kính một dặm của các điểm xét nghiệm cố định. Startup này đã “thắng đậm” nhờ dịch vụ giao vận mùa dịch.

Tại Úc, hãng drone Swoop Aero đã có được các hợp đồng vận chuyển vaccin với các chính phủ Úc, New Zealand và Cộng hòa Congo. Tại Tây Ban Nha và nhiều nước châu Âu trong mùa hè này, drone xuất hiện trên các bãi biển đông người với loa phóng thanh yêu cầu mọi người giải tán, không tụ tập đông khi cần.

Drone ở Việt Nam thì sao?

Thị trường drone tại Việt Nam không đa dạng như nước ngoài bởi nhiều lý do: hạ tầng (dây điện chằng chịt), cùng các quy định liên quan đến an toàn hàng không và an ninh quốc phòng.

Hầu hết drone trên thị trường Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc và giá bán thì “thiên hình vạn trạng”. Từ những chiếc flycam chỉ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng bán trên Lazada, hay những chiếc máy bay phun thuốc trừ sâu có giá từ 36-250 triệu đồng.

Tại Diễn đàn kinh tế Mekong Connect tháng 11-2020 ở thành phố Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp, hai chiếc máy bay không người lái chuyên khám và chữa bệnh cho cây trồng của công ty Real Time Robotics Inc đã được giới thiệu. Máy bay Vian dùng camera đa phổ và công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể chẩn đoán sức khỏe cho 50 héc ta cây trồng trong một giờ và xác định chính xác khu vực nào bị sâu rầy, thiếu phân, thiếu nước, cỏ dại… Còn Thần Nông 16 thì giúp chữa bệnh cây trồng. Tất cả dữ liệu bay gồm: địa điểm bay, thời gian bay, tần suất bay, loại thuốc, phân bón sử dụng, loại cây trồng, thời điểm thu hoạch… đều có trong bộ nhớ của Thần Nông 16 và được gửi về máy chủ do khách hàng chỉ định.

Tiến sĩ Lương Việt Quốc, CEO của Real Time Robotics, nói rằng tất cả các khâu từ thiết kế, chế tạo thân máy bay, bo mạch điện tử… đến các giả thuật điều khiển, kể cả xử lý dữ liệu của Thần Nông 16, Vian đều do kỹ sư người Việt thực hiện. Nhờ đó drone của công ty có hiệu suất hoạt động và chi phí vận hành thấp hơn drone của Trung Quốc khoảng 25% và dữ liệu được bảo mật.

Ông Quốc cho hay, ngoài drone dùng trong ngành nông nghiệp mà những tập đoàn nông nghiệp lớn của Việt Nam như TTC, Lộc Trời hay Hoàng Anh Gia Lai đang dùng cho những cánh đồng lớn, Real Time Robotics cũng cung cấp các dòng drone đặc biệt cho thị trường trong nước, trong đó có bán cho Viettel và Cục Cứu nạn cứu hộ thuộc Bộ Quốc phòng và một số dòng xuất đi Mỹ và Ấn Độ.

Tuy nhiên, drone dùng cho mục đích vận chuyển hàng thương mại điện tử thì không được nhắc đến. Người đứng đầu Real Time Robotics Inc cũng cho biết một nhà máy với vốn đầu tư 13,5 triệu đô la tại Khu công nghệ cao TPHCM đang được xây dựng. Dự kiến khoảng hơn một năm nữa, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động.

Drone “Made in Vietnam” chỉ mới ở điểm khởi đầu về số nhà sản xuất và lĩnh vực được ứng dụng. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới