Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án cảng nước sâu Khe Gà sẽ xong trong quí 2-2009

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án cảng nước sâu Khe Gà sẽ xong trong quí 2-2009

Mũi Khe Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Trung Châu

(TBKTSG Online) – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) dự kiến sẽ lập xong dự án khả thi công trình cảng biển nước sâu Khe Gà tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận trong quí 2 năm 2009.

Ông Dương Văn Hòa, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho biết, tập đoàn này đang khẩn trương lập dự án khả thi công trình cảng biển nước sâu Khe Gà, sau đó sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, để phục vụ cho việc vận chuyển và xuất khẩu alumin – nhôm khai thác ở khu vực Đắk Nông, Lâm Đồng về sau, Vinacomin cũng đang xúc tiến lập dự án tiền khả thi xây dựng tuyến đường sắt Bình Thuận – Đắk Nông, dự kiến dự án sẽ được lập xong vào cuối năm nay.

“Tuy nhiên, dự án tuyến đường sắt là dự án lớn thuộc Quốc hội quản lý nên sau khi lập xong sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét, phê duyệt”, ông Hòa cho hay.

Theo báo cáo quy hoạch của UBND tỉnh Bình Thuận được Chính phủ phê duyệt, cảng nước sâu Khe Gà chia làm 2 khu vực gồm: khu vực cảng tổng hợp và khu vực cảng hàng rời phục vụ cho việc nhập khẩu than và xuất khẩu alumin – nhôm thuộc dự án bô xít khu vực Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Theo dự toán ban đầu, tổng kinh phí toàn bộ dự án cảng nước sâu cả 2 khu vực là trên 250 triệu đô la Mỹ.

Khu vực cảng tổng hợp hiện đang được Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) lập dự án đầu tư theo hình thức BOT, còn khu vực cảng hàng rời đang được Vinacomin lập dự án đầu tư theo hình thức BOO.

Tổng diện tích xây dựng cảng nước sâu Khe Gà được xác định khoảng 315 héc ta với chiều dài 3,7km từ mũi Khe Gà, huyện Hàm Thuận Nam về hướng thành phố Phan Thiết. Cảng có quy mô tiếp nhận tàu từ 50.000 – 80.000 DWT.

Nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, Bình Thuận có nhiều khu vực có thể xây dựng cảng nước sâu như mũi Né (Phan Thiết), mũi Gió (Bắc Bình), Vĩnh Tân (Tuy Phong), Khe Gà (Hàm Thuận Nam)…

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới