Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dự án luật phải tính đến tác động chính sách một cách khoa học, hiệu quả

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các dự án luật phải hàm chứa được tác động chính sách một cách khoa học, hiệu quả nhằm bảo đảm quyền con người và quyền công dân, giảm thủ tục hành chính và giảm chi phí cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề phápluật tháng 12. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra các nội dung kể trên khi ông chủ trì chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12, tập trung góp ý một số dự án luật sửa đổi, bổ sung và đề nghị xây dựng các luật: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo Baochinhphu.vn, năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề pháp luật; cho ý kiến, thông qua đối với 39 dự án, đề nghị xây dựng luật. Chính phủ đã trình Quốc hội 19 dự án luật, trong đó 12 dự án luật đã được Quốc hội thông qua và 7 dự án luật đang được Quốc hội cho ý kiến với chất lượng xây dựng luật đã nâng lên một bước.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả rất cơ bản, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập cần phải cố gắng trong việc sửa đổi quy trình xây dựng, ban hành văn bản; nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ trình; tăng cường năng lực phản ứng chính sách, phát hiện, xử lý và tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật…

Đáng chú ý với xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phải thiết kế công cụ để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, minh bạch hóa thị trường, chống sở hữu chéo, lợi ích nhóm qua đó phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm và phòng ngừa rủi ro của các tổ chức tín dụng một cách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh theo đúng quy luật của thị trường.

Với đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Thủ tướng lưu ý quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, mang tính ổn định, đồng bộ, có tính dự báo cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài, không ảnh hưởng tới môi trường, tránh quy hoạch treo, kết nối hợp lý giữa đô thị và nông thôn, quy hoạch khả thi, thực hiện hiệu quả.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số quan điểm, yêu cầu, nguyên tắc chung trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các dự án luật, như kịp thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Bên cạnh đó, các dự án luật phải hàm chứa được tác động chính sách một cách khoa học, bài bản, khả thi, hiệu quả nhất, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xử lý hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính và giảm chi phí cho người dân. Theo TTXVN.

Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức, nguồn lực, có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của một đột phá chiến lược. Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2023 phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Rà soát các công việc đã triển khai, rút kinh nghiệm với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội. Bám sát tình hình thực tế, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thủ tướng nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới