Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé kiểm soát mặn, ngọt ra sao?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn- Cái Bé hiện cơ bản đã hoàn thành, nhưng vấn đề nhận được sự quan tâm là dự án này sẽ được vận hành kiểm soát mặn, ngọt ra sao.

Dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lơn- Cái Bé sẽ được vận hành linh hoạt nhằm đảm vừa phát triển nông nghiệp vừa phát triển thuỷ sản. Ảnh: Cửu Long

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - chủ đầu tư - cho biết trong vùng dự án khoảng 384.000 héc ta đã lắp đặt 15 thiết bị quan trắc chất lượng nước, bao gồm nhiều chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu độ mặn. Toàn bộ 15 điểm quan trắc này sẽ tự động truyền dữ liệu về nhà điều hành của công trình.

Theo ông Linh, việc vận hành dự án sẽ được thực hiện linh hoạt nhằm giữ ổn định độ mặn không lên vùng ngọt, trong khi vùng nuôi tôm (thuỷ sản) vẫn đảm bảo độ mặn để phát triển.

“Ví dụ, nuôi tôm yêu cầu độ mặn khoảng 20 phần ngàn, trong khi thực tế độ mặn vượt quá 30 phần ngàn, thì mình phải đóng cống trong một thời gian nhất định nhằm đưa nước ngọt để giảm độ mặn xuống”, ông dẫn chứng. Việc đóng, mở bao nhiêu cống trong thời gian bao lâu đã có hệ thống quan trắc trong khu vực truyền dữ liệu về nhà điều hành để thông qua phần mền phân tích, đưa ra quyết định.

Ông Linh cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chuẩn bị phê duyệt quy trình vận hành tạm thời đối với dự án. Theo ông, do vùng dự án quá rộng lớn, có thể có sai số, đặc biệt, bên trong dự án có rất nhiều hệ thống kèm theo nên bộ duyệt quy trình vận hành tạm thời.

Ông Linh cũng khẳng định dự án không gây bất lợi đến môi trường, bởi mô hình cống có khẩu độ gần bằng lòng sông, tức khi mở cửa cống là trả lại gần như nguyên hiện trạng. Mặt khác, chỉ vận hành để giữ ổn định biên độ dao động mặn, ngọt trong vùng dự án, chứ không phải ở phía trong là ngọt, bên ngoài là mặn. Nếu tương lai nhu cầu phát triển thuỷ sản tăng lên, có thể vận hành (mở cống) nhiều hơn để đẩy độ mặn vào sâu nhằm phục vụ cho phát triển thuỷ sản.

Dự án có mục tiêu kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang.

Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư hợp phần xây dựng công trình. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 3.309 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng trên 2.144 tỉ đồng; chi phí thiết bị trên 223,5 tỉ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 133,7 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án trên 20 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trên 165,5 tỉ đồng; chi phí dự phòng trên 399 tỉ đồng và chi phí khác là trên 221,7 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới