(KTSG Online) - Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022. Các doanh nghiệp trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục dịch chuyển vị thế, chủ động tham gia vào các giao dịch ở vị thế bên mua thay vì phần lớn trước đây là bên bán.
Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo "M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cũng chuỗi giá trị” do báo Đầu tư và NovaGroup phối hợp tổ chức vào ngày 15-10.
Giao dịch M&A sẽ tăng mạnh năm sau
Nói về thị trường M&A tại Việt Nam, từ góc nhìn của một nhà tư vấn, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, cho biết trong năm 2020 đội ngũ tư vấn M&A nơi ông làm việc tương đối nhàn bởi số thương vụ M&A bị giảm đáng kể. Nguyên nhân là dù năm 2020 Việt Nam chống dịch rất tốt nhưng một số nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn, họ không thể đến được Việt Nam nên các thương vụ bị giảm.
Tuy nhiên, bước sang năm 2021, trong khi Việt Nam gặp khó khăn do đợt bùng dịch lần thứ tư thì các nước khác đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch, các nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị nguồn nhân lực, nguồn tiền cho làn sóng M&A mới.
Theo đại diện KPMG Việt Nam, trên thực tế, từ cuối năm 2020, thị trường châu Âu và châu Á đã bắt đầu phát triển rất mạnh, một số doanh nghiệp ở Mỹ khi IPO thành công sẽ bắt đầu rót tiền vào một số nước, nên thời điển này, giá trị thương vụ M&A ở Mỹ đã tăng 60%. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế ở Mỹ.
Với thị trường Việt Nam, trong thời gian qua, KPMG đã thực hiện thành công các thương vụ M&A qua hình thức trực tuyến. Năm 2021 dù thị trường khó khăn, nhưng vẫn có những thương vụ lớn như thời điểm tháng 9-2021, Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh đại siêu thị Emart tại TPHCM.
Với những chỉ số khả quan, KPMG tin tưởng kể từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, khi Việt Nam tiêm vaccine đầy đủ, hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với năm 2021.
Ông Ái nhấn mạnh, bây giờ đang là cơ hội vàng cho thị trường M&A. Ví dụ, một ngành khó khăn lớn trong đại dịch là F&B, doanh nghiệp phục vụ dịch vụ, nhà hàng, nhưng khi nghiên cứu thị trường này, có khả năng 30% các nhà hàng độc lập biến mất sau đại dịch vì thời gian dài chịu không nổi chi phí mặt bằng, trừ phi người kinh doanh tại nhà của họ. Nhưng có một loại doanh nghiệp khác có thể phát triển mạnh, đó chính là các chuỗi cà phê, nhà hàng… với khách hàng quay lại sau đại dịch.
Cũng bàn về cơ hội M&A, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đây là thời điểm hợp lý, “dọn dẹp” lại các doanh nghiệp sau khi bị “bão” Covid-19 quét qua. Theo ông, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp. “M&A là phương thức giúp các doanh nghiệp tâp trung vốn, và thời điểm này là cơ hội để các doanh nghiệp làm được các việc đó một cách quyết liệt”, ông Thiên nói.
Doanh nghiệp Việt Nam gia tăng ở vị thế bên mua
Một điểm đáng chú ý mà theo các diễn giả, giới phân tích nhận định là trong các giao dịch M&A, doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây đang gia tăng vị thế chủ động ở vị trí bên mua thay vì “bán mình” là chủ yếu. Không chỉ gia tăng làm chủ cuộc chơi ở vị thế bên mua mà các doanh nghiệp còn chủ động tìm kiếm cơ hội, mở rộng hệ sinh thái và nâng cao chuỗi giá trị.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng từng có thời gian nhiều ý kiến lo lắng doanh nghiệp nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí một số ý kiến đặt ra như cần có những chính sách cấm đoán khối ngoại, nhưng bây giờ những nghi ngại này không còn nhiều.
Số liệu từ ông Hiếu cho thấy, nếu như trong năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam ở vị trí bên mua chỉ chiếm 18% thì trong 3 năm qua (2019-2020), tỷ lệ này tăng lên 30%. Đáng chú ý, ở giai đoạn 7-2019 - 7-2021, khoảng 49% doanh nghiệp Việt Nam tham gia M&A ở vị thế bên mua.
Các giao dịch M&A cũng đang dần thay đổi. Đó là sự hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay vì M&A mang tính thôn tính. Cụ thể ở giai đoạn 2019 - 2021 chỉ còn 11% giao dịch M&A là sáp nhập - tức triệt tiêu một bên. Còn lại 80% mua lại cổ phần chiếm tỷ lệ đa số để kiểm soát, và 9% là liên doanh, ông Hiếu chia sẻ.
“Dịch Covid-19 đã thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Việc có nhiều thương vụ M&A thời đại dịch không phải là thôn tính với giá rẻ. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tiếp sức nguồn lực cho nhau, để tăng sức mạnh hơn.
Người đại diện KPMG Việt Nam, ông Nguyễn Công Ái cũng cho rằng giai đoạn vừa qua có khoảng 30% doanh nghiệp trong nước chủ động mua các doanh nghiệp, điều mà trước đây chưa bao giờ làm được.
Điều này cho thấy tình hình đã thay đổi khá nhiều. Nếu trước đây, trong khó khăn rất dễ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp buộc phải bán mình. Thế nhưng ba năm gần nhất, hoạt động M&A đã có sự thay đổi rõ nét, các doanh nghiệp Việt Nam đã dịch chuyển vị thế, chủ động tham gia vào các giao dịch và ở vị thế bên mua.
Theo ông Nguyễn Công Ái, sau khi trải qua giai đoạn tích lũy tư bản, thu hút vốn ngoại và củng cố, tái cấu trúc, các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ sức thực hiện các thương vụ M&A, đưa ra chiến lượng rõ ràng, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị và “ecosystem” (hệ sinh thái doanh nghiệp).
Tuy vậy, theo ông Trần Đình Thiên, cần phải có những cơ chế tốt đẩy mạnh quá trình M&A để kéo doanh nghiệp yếu đứng dậy, kéo nền kinh tế đứng lên sau đại dịch. Đồng thời, tạo thêm áp lực cho Chính phủ trong việc đưa ra các cải cách, cải tiến… thúc đẩy chính sách để đẩy mạnh M&A.
Mặc dù vậy, theo ông Trần Đình Thiên, thực trạng chung của doanh nghiệp hiện nay vô cùng khó khăn, và trong khó khăn này, hoạt động M&A phát triển mạnh sẽ tạo sự phát triển lan tỏa, kéo các doanh nghiệp đang yếu đứng dậy.