(KTSG Online) - Vận tải đường bộ xuyên biên giới trong khu vực ASEAN, trong đó có các tuyến đến Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh sau dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh cước vận tải biển tăng phi mã thời gian qua.
- Cước vận tải biển tăng cao, mở tuyến vận tải đường sắt từ Việt Nam đi Bỉ
- Cước vận tải biển lại tăng vọt khi tàu hàng châu Á tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ
Đây là nhận định của Công ty DHL Global Forwarding trong sách trắng “hành trình tăng trưởng của vận tải hàng hóa tại Đông Nam Á”, vừa được công ty này công bố.
Nhận định về tình hình vận tải hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, ông Thomas Tieber, Giám đốc điều hành của DHL Global Forwarding tại khu vực Đông Nam Á, cho rằng năm vừa qua khi giá cước đường hàng không và đường biển biến động mạnh giữa đại dịch Covid-19, vận tải đường bộ đã cung cấp mức giá ổn định và khả năng tiếp cận biên giới dễ dàng hơn tại Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, ông Tieber nhận định quy trình thông quan và cơ sở hạ tầng logistics ở Việt Nam đang được thiết lập khá tốt. Kể từ khi Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) ra đời vào năm 2020, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển qua biên giới bằng cách cho phép các nhà khai thác được cấp phép di chuyển hàng hóa qua biên giới bằng một chứng từ duy nhất và không phải nộp các loại thuế khác khi hàng hóa nhập cảnh hoặc xuất cảnh.
Ví dụ, một chiếc xe tải có thể chạy từ Singapore về Việt Nam mà không cần thay đổi phương tiện và dỡ hàng hóa tại cửa khẩu, chỉ sử dụng một giấy tờ duy nhất.
Còn ông Bruno Selmoni, Phó chủ tịch vận tải đa phương thức của DHL Global Forwarding, cho biết trong khu vực Đông Nam Á đã có một mạng lưới đường bộ để cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường bộ quốc tế đầu tiên trên thị trường dành cho doanh nghiệp vận chuyển giữa Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Trung Quốc. Dịch vụ vận tải đường bộ giữa các nước nói trên nhanh hơn vận chuyển đường biển, rẻ hơn vận chuyển đường hàng không.
Ông nhận định rằng Việt Nam là một thị trường rất quan trọng đối với DHL Global Forwarding. “Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng tôi đã thấy các hoạt động sản xuất gia tăng khi các công ty quốc tế bắt tay vào đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam”, ông nói.
Ông dẫn số liệu từ Chính phủ Việt Nam cho thấy, khu vực sản xuất đã tăng 9,9% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Phía DHL Global Forwarding đánh giá lạc quan về sự tăng trưởng của lĩnh vực công nghệ, thời trang và bán lẻ tại Việt Nam với những con số xuất nhập khẩu tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2021.
Do vậy, DHL Global Forwarding đã nhận thấy rất nhiều cơ hội nên đã đầu tư vào số hóa quá trình vận chuyển, đào tạo nhân viên tại Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phòng chống dịch Covid-19 nhưng hoạt động thương mại với các nước không bị đóng mà vẫn diễn ra bình thường. Vì vậy, dịch vụ vận tải đường bộ xuyên biên giới vẫn diễn ra bình thường giữa các nước và được dự báo tăng trưởng mạnh sau dịch Covid-19.