(KTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu cho biết đơn hàng mà họ nhận được tăng cao để thực hiện đến tháng 9 hoặc hết năm 2022 nhưng khép lại quí 1 vừa qua kết quả xuất khẩu chung của toàn ngành chỉ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế quí 1-2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,94 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,97 tỉ đô la, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ..., đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Đây là kết quả khá bất ngờ và được xem là ngược lại với tình hình đơn hàng nhận được tăng cao của các doanh nghiệp xuất khẩu ngành này.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết đơn hàng phía nhập khẩu đến tới tấp. Theo bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần gỗ Minh Dương, đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của công ty đã kín đến hết quí 3 tới và vẫn đang tiếp nhận đơn hàng cho quí 4.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), nhiều doanh nghiệp không chỉ kín đơn hàng đến quí 3-2022 mà một số doanh nghiệp cũng đã chốt xong đơn hàng hết năm 2022.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng sự sụt giảm xuất khẩu đồ gỗ không phải là do thị trường tiêu thụ khó khăn, trái lại, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã nhận được kín đơn đặt hàng đến quí 3-2022, thậm chí hết năm nay.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất cầm chừng, chậm giao hàng, vì giá gỗ nguyên liệu từ đầu năm đến nay tăng rất mạnh, trong khi các hợp đồng đầu ra được ký kết đều đã chốt giá bán.
Giá vận chuyển tàu biển vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn leo thang do khủng hoảng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Với tình hình hiện nay, nếu sản xuất và giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết, nhiều doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ. Vấn đề này khiến các doanh nghiệp phải tính toán lại.
Ông Phương cũng cho rằng cùng với dịch bệnh, những biến động về chính trị thế giới thời gian gần đây đang gây nên xáo trộn đáng kể cho chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu và nhất là tình hình và chi phí logistics.
Trong tình hình hiện tại, mặc dù doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn, như tình hình dịch Covid-19 kéo dài gây thiếu hụt lao động, xung đột giữa Nga và Ukraina đã đẩy giá xăng dầu lên cao, tác động đến chi phí sản xuất tăng, đặc biệt giá nguyên liệu gỗ tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải sản xuất do đơn đặt hàng đã được đặt trước đó.
Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp ngành gỗ đã vượt khó. Với kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2022, dự báo xuất khẩu khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 sẽ tăng từ 5-8% so với cùng kỳ năm 2021.
Những yếu tố chính thúc đẩy ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong thời gian tới như doanh nghiệp gỗ của Việt Nam có nhiều lợi thế so các nước xuất khẩu đồ gỗ, bởi Trung Quốc không khuyến khích phát triển đồ gỗ và chi phí tăng cao. Ý, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao, do nguồn cung gỗ bị hạn chế bởi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina.
Việt Nam cũng đang phát triển trồng rừng, tạo nguồn cung nguyên liệu chủ động, xây dựng mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững…
Bên cạnh đó, việc duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỉ đô la/tháng thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ là khoảng 16,5 tỉ đô la khi kết thúc năm 2022 hoàn toàn khả thi, ông Phương nói.