Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dư địa thị trường BPO Việt Nam còn rất lớn

Hoàng Khang thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Công ty FSI Vietnam là doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO). Kinh tế Sài Gòn đã trò chuyện cùng ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FSI Vietnam, về những nỗ lực của công ty trong thời gian liên quan đến lĩnh vực BPO và những định hướng lớn cho giai đoạn sắp tới.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FSI Vietnam.

KTSG: FSI có tệp khách hàng khá đa dạng, từ các cơ quan chính phủ cho đến khối doanh nghiệp, trong đó có các đơn vị giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng và các đơn vị sản xuất. Từ thực tế hoạt động của mình trong ngành BPO, theo ông lĩnh vực nào sẽ có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất. Tiềm năng kinh tế số của Việt Nam khá lớn, dự kiến đạt 43 tỉ đô la năm 2025 và trên 100 tỉ đô la năm 2030, vậy miếng bánh dành cho BPO dự kiến sẽ tăng trưởng thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Hùng Sơn: Theo thống kê từ các tổ chức kinh tế, lĩnh vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất hiện nay là tài chính - ngân hàng. Bởi ngành này có sức ép cao đến từ nhu cầu sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số của ngân hàng như Internet Banking, ví điện tử, ngân hàng di động… Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều ngân hàng số và công ty fintech cũng thúc đẩy các đơn vị tài chính đầu tư chuyển đổi số nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

Ngoài ra, ngành tài chính - ngân hàng cũng là một trong tám ngành được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với tiềm lực tài chính sẵn có, họ nhanh chóng trở thành “tay đua” dẫn đầu trong hành trình chuyển đổi số.

Về câu hỏi miếng bánh dành cho BPO dự kiến sẽ tăng trưởng như thế nào? Theo một nghiên cứu do Grand View Research, Inc thực hiện, quy mô thị trường BPO toàn cầu được dự kiến ​​sẽ đạt 435,89 tỉ đô la vào năm 2028, CAGR - tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8,5% trong giai đoạn dự báo. Về Việt Nam, BPO là một trong năm lĩnh vực được dự báo là phát triển nhanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

KTSG: Dịch vụ số hóa chiếm một tỷ trọng lớn, trong khi phát triển phần mềm của FSI có vẻ biến động nhiều. Đâu là lĩnh vực FSI tập trung phát triển trong những năm tới, và vì sao? 

- Trong 3-5 năm tới, FSI sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác dịch vụ BPO trong nước và từng bước cung cấp dịch vụ BPO ra thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á. Song song với đó, chúng tôi tiếp tục tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển đa dạng các giải pháp, dịch vụ phục vụ xử lý, lưu trữ, khai phá dữ liệu lớn toàn diện cho khách hàng.

Tiêu biểu như nền tảng số hóa tập trung, nền tảng quản lý tài liệu và phân tích dữ liệu. Đây là hai nền tảng chúng tôi đã và đang nghiên cứu phát triển. Dự kiến các nền tảng này sẽ được phát triển theo mô hình SaaS (Software as a service) và được ra mắt trong năm 2025.

KTSG: Trong tài liệu dành cho đối tác của mình, FSI cho biết đang chuẩn bị tham gia thị trường BPO toàn cầu với quy mô 600 tỉ đô la, và dự kiến ngay trong năm nay sẽ hợp tác chiến lược với một tập đoàn lớn của Nhật. Đâu là các yếu tố quan trọng đằng sau bước đi này, phải chăng là nhằm khai thác thị trường Nhật, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhật, khai thác nguồn vốn của Nhật, hay xem Nhật là cửa ngõ để thâm nhập nhanh vào thị trường thế giới?

- Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, thị trường BPO Nhật cũng là một trong những thị trường BPO lớn nhất thế giới. Đặc biệt khi dân số già đi, tỷ lệ sinh giảm thì nhu cầu dịch vụ BPO càng gia tăng. Đặc biệt một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã tiếp cận thị trường này và có sự thành công rõ rệt, chứng minh đây là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp BPO Việt Nam, do đó Nhật Bản là một thị trường FSI lựa chọn tiếp cận đầu tiên trong chiến lược đi ra toàn cầu của mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy, khi tiếp cận thành công thị trường Nhật thì sẽ dễ tiếp cận các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc và Đông Nam Á vì tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ của Nhật là rất cao, nếu làm tốt đây sẽ là bệ phóng cho FSI trong các thị trường khác.

KTSG: Trong tầm nhìn dài hạn, và với hệ sinh thái tập trung vào mảng dữ liệu, FSI có tính đến kế hoạch tự mình hay liên kết với các đối tác làm chủ công nghệ AI qua việc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) vốn là nền tảng cho AI?

- Chúng tôi muốn đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới để nhanh chóng chiếm lĩnh một phần thị trường về xử lý, khai phá dữ liệu lớn tại Việt Nam. Do đó, FSI đang hướng đến chiến lược liên kết với các đối tác công nghệ AI về xử lý dữ liệu phù hợp để tích hợp vào hệ sinh thái giải pháp của mình. Hiện tại, chúng tôi cũng đã triển khai kết nối và đang trong vòng đàm phán hợp tác với một số đối tác nước ngoài về phân tích dữ liệu.

Nằm trong Chương trình phát triển nguồn nhân lực (human capital), Saigon Times Foundation, ISC (Innovation Services Center) và VNFOCUS sẽ phối hợp tổ chức thực hiện tìm kiếm nhân tài ngành BPO nhằm đưa ra các câu chuyện thành công của một số doanh nghiệp cũng như các quốc gia trong lĩnh vực này, qua đó góp phần khuyến khích và kêu gọi sự chung tay giữa nhà nước, trường học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực trẻ cho lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung và BPO nói riêng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới