(KTSG Online) – Tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ có năng lực vận hành tương đương một tuyến đường bộ cao tốc 10 làn xe và 2 sân bay, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa giữa khu vực miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, đang được gấp rút hoàn thiện hồ sơ dự án để khởi công vào năm 2025.
- Chính phủ quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới trong 10 năm tới
- Đề xuất đầu tư đường sắt TPHCM - Cần Thơ trước năm 2030
Hôm nay (17-6), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc với các tỉnh, thành để thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ.
Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ được thiết kế có chiều dài khoảng 174 km, điểm đầu ở ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và điểm cuối ở ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Tuyến đường sắt đi qua 6 địa phương, gồm Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, có tổng cộng 13 ga.
Các khu vực nhà ga được định hướng phát triển theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) gồm phát triển hệ thống giao thông công cộng và quy hoạch phát triển đô thị.
Đây là tuyến đường sắt có đường ray khổ đôi 1.435 mm (có năng lực vận hành tương đương một tuyến đường bộ cao tốc 10 làn xe và 2 sân bay) với tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng. Nhờ đó, thời gian di chuyển từ TPHCM – Cần Thơ và ngược lại sẽ rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút, thay vì mất từ 3 đến 4 giờ đi đường bộ như hiện nay.
Đại diện liên danh tư vấn (gồm TEDI SOUTH - Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam, TRICC - Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải, TEDI - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải) cho biết mục tiêu là sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm nay để Bộ GTVT trình Chính phủ thông qua, và xin chủ trương đầu tư vào kỳ họp Quốc hội năm 2024.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng khi thực hiện dự án có thể phân làm 3 nhóm gồm chuẩn bị mặt bằng, đầu tư đường ray, toa tàu và xây dựng các ga đô thị. Đồng thời, nghiên cứu nguồn vốn, kêu gọi vốn và tận dụng nguồn tiền từ việc khai thác quỹ đất quanh nhà ga để chủ động về nguồn vốn.
Theo ông Mãi, cần gấp rút triển khai sớm, hoàn thành cơ bản hồ sơ trước năm 2025, và thực hiện dự án trong giai đoạn 2025 - 2030.
Về đoạn đường sắt qua TPHCM, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, đề xuất được triển khai theo hình thức trên cao nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Đoạn qua địa phận TPHCM này có chiều dài hơn 33 km, gồm đoạn đi qua địa phận TP Thủ Đức dài 3,26 km (đoạn tuyến đi trên cao); đoạn đi qua quận 12, huyện Hóc Môn; quận Bình Tân và huyện Bình Chánh dài 29,97 km (trong đó đoạn đi bằng 21,30 km và đoạn đi cầu cạn 8,67 km).
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng cần kết nối vị trí các nhà ga hàng hóa gần khu vực kho hàng hóa, các trung tâm logistics để tận dụng tối đa khả năng vận chuyển hàng hóa của loại hình vận tải này.
Song song đó, các địa phương có tuyến đường sắt đi qua cần nhanh chóng đưa dự án vào quy hoạch chung để có cơ sở pháp lý thỏa thuận về ranh giới, hướng tuyến.