(KTSG Online) - Đông Nam Á đã bãi bỏ hầu hết các quy định phòng chống Covid, mở rộng cửa đón du khách. Tuy nhiên, ASEAN vẫn rất thận trọng khi mở cửa đón khách bởi Singapore đã ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên. Còn Indonesia đã cảnh báo về khả năng những đợt bùng phát Covid mới trong vài tuần tới.
- Chiến lược zero Covid bị lung lay vì Omicron nhưng Trung Quốc chưa dám từ bỏ
- Việt Nam và châu Á tăng cường quảng bá, đẩy mạnh du lịch hậu Covid-19
Dù đã nỗ lực hướng tới những thị trường khách mới như Ấn Độ và Trung Đông, các nước Đông Nam Á vẫn mong chờ từng ngày du khách từ Trung Quốc với sức chi hào phóng. Nhưng lúc này chính là thời điểm không chỉ riêng ASEAN cần sớm “cắt cơn” để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn khách đại lục bởi nền kinh tế thực sự khỏe khoắn thì phải được đa dạng hóa – Bloomberg nhận định.
Gỡ bỏ mọi hàng rào phòng dịch
Theo Bangkok Post, chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ bỏ quy định người nhập cảnh cần phải đăng ký thẻ thông hành Thailand Pass từ ngày 1-7 sắp tới. Điều này có nghĩa là tất cả các rào cản nhập cảnh của Thái Lan sẽ được dỡ bỏ ngay trước mùa cao điểm hè đối với khách du lịch Ấn Độ và Trung Đông – đối tượng khách mà nội các của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha hy vọng sẽ bù đắp cho sự vắng bóng của du khách Trung Quốc, cả về số lượng lẫn chi tiêu.
Chính phủ đang dựa vào du lịch để thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan, khi các dấu hiệu đình lạm (stagflation – lạm phát và đình trệ diễn ra song song) ở Mỹ và châu Âu làm mờ triển vọng đối với các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao của nước này.
Chính quyền Thái Lan cũng đang nới lỏng hơn nữa các quy tắc phòng chống dịch. Chẳng hạn, người dân và du khách không cần đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngoài trời. Quán bar, nhà hàng, khách sạn có thể bán rượu trước 5 giờ chiều. Các địa điểm giải trí sẽ có thể mở cửa cho đến 2 giờ sáng, thay vì phải đóng cửa lúc nửa đêm như hiện nay. Tuy vậy, khách và nhân viên phục vụ vẫn phải đeo khẩu trang tại các sự kiện có hơn 2.000 người tham dự.
Với việc bỏ các hạn chế, Bộ trưởng Du lịch Phiphat Ratchakitprakarn dự đoán rằng lượng khách nước ngoài sẽ tăng lên 25.000 - 30.000 lượt mỗi ngày, tức khoảng 7,5 - 10 triệu lượt khách trong năm nay.
Du lịch là một nguồn thu nhập và việc làm chính ở Đông Nam Á với hơn 140 triệu du khách đến khu vực trước năm 2019. Các quốc gia đang cạnh tranh để thu hút khách, hồi phục nền kinh tế.
Từ tháng 4, một số quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa đón du khách đã tiêm chủng đầy đủ mà không cách ly và xét nghiệm PCR trước khi khởi hành hay nhập cảnh. Hầu hết đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời. Tại Việt Nam, nhiều người cũng đã không đeo khẩu trang mặc dù chính phủ chưa chính thức bãi bỏ quy định.
Hồi tháng 5, chính phủ đã gỡ bỏ yêu cầu rằng khách phải xuất trình xét nghiệm PCR âm tính. Từ đầu tháng 6, Indonesia cũng bỏ quy định buộc khách phải mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khách du lịch nước ngoài vẫn cần tải ứng dụng theo dõi PeduliLindungi để vào các nơi đông người như trung tâm mua sắm.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang đặt mục tiêu thu hút 1,8 - 3,6 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay, với hầu hết trong số này đến từ Úc, Singapore và Malaysia.
Indonesia đón 1,56 triệu du khách nước ngoài vào năm 2021, giảm mạnh so với 4,02 triệu vào năm 2020. Nhưng du lịch ở đất nước này đang khởi sắc trở lại. Trong tháng 4, Indonesia đã đón hơn 11.000 du khách nước ngoài, tăng gấp 5 lần so với năm trước.
Quần thể kiến trúc Angkor Wat của Campuchia cũng đã đón hơn 45.000 khách du lịch nước ngoài trong năm tháng đầu năm nay, tăng 859% so với cùng kỳ năm 2021. Campuchia đã mở cửa du lịch hồi tháng 11 năm ngoái với những khách đã tiêm đầy đủ nhằm khởi động trở lại nền kinh tế địa phương.
Một số hạn chế vẫn còn trong khu vực. Ví dụ, Philippines - nơi du lịch chiếm 20% GDP trước đại dịch - vẫn yêu cầu khách du lịch nội địa đăng ký trực tuyến với Cục Kiểm dịch, tương tự như Thailand Pass. Sự thận trọng này là có lý do vì các ca bệnh đậu mùa khỉ (monkey box) có thể thâm nhập vào ASEAN và có thể có nguy cơ bùng phát Covid mới.
Hôm 21-6, ngành y tế Singapore đã cho cách ly một nam tiếp viên hàng không đến từ Anh sau khi anh này làm thủ tục xuất cảnh thì phát hiện dương tính với monkey box. Hàn Quốc hôm 22-6 cũng đã công bố ca đậu mùa khỉ đầu tiên. Indonesia cũng dự báo các đợt bùng phát Covid mới có thể xảy ra trong hai tháng tới.
“Cắt nghiện” du khách Trung Quốc đại lục
Đông Nam Á cũng như các khu vực khác trên thế giới đã phó thác “sinh mệnh kinh tế” của mình cho 150 triệu du khách đại lục với sức chi tiêu khổng lồ đến 255 tỉ đô la trước dịch. Khả năng nguồn khách đại lục không sớm quay trở lại đã khiến hành trình hồi phục kinh tế của ASEAN trở nên khó nhọc hơn.
“Mặt trận chính” vẫn là Thái Lan – điểm đến được ưa chuộng nhất của du khách Trung Quốc với 11 triệu lượt trong năm 2019. Khi Covid ập đến, con số này giảm gần 90%. Quận Chaweng trên đảo nghỉ dưỡng Koh Samui có vô số các cửa hàng có bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc đã rất vắng lặng. Cổng chào của khu phố Tàu phủ đầy rêu xanh và cỏ dại. Hầu hết các khách sạn năm sao tốt nhất ở Koh Samui đã trống đến một nửa.
Lượng khách Trung Quốc đã đóng góp 25% cho nguồn thu khổng lồ 60 tỉ đô la của du lịch Thái Lan trước dịch. Thái Lan là một trong các nước mong mỏi chính quyền Bắc Kinh sớm chấm dứt chính sách “zero Covid”, để khách đại lục tiếp tục là nguồn thu chính của xứ chùa vàng. The Economist Intelligence Unit dự đoán du lịch nước ngoài của người Trung Quốc sẽ không trở lại mức tiềm năng trước đại dịch cho đến cuối năm 2025, bởi các chuyến du lịch nước ngoài của công dân đại lục giờ đây cần có sự phê duyệt của chính quyền địa phương.
Du lịch giống như ngành khai thác dầu mỏ hay khoáng sản, bởi tất cả đều khai thác tài nguyên thiên nhiên. Bloomberg bình luận rằng Bắc Kinh cũng đang sử dụng nguồn tài nguyên du khách khổng lồ như một sức ép với các nước khác bởi các nước đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài nguyên của đại lục.
Thái Lan là minh chứng mới cho sự nỗ lực tìm kiếm nguồn khách mới. Hợp pháp hóa cần sa kể từ hôm 9-6 rồi sẽ thu hút một lượng du khách mới đến nước này, nhưng điều này lại không đem lại nhiều lợi ích trong các lĩnh vực khác.
Ngay cả khi các nước chọn hướng đi khác, theo hướng phát triển bền vững và bớt phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên thì cũng không phải là lựa chọn dễ dàng.
Arab Saudi đang nỗ lực trong chương trình đa dạng hóa nền kinh tế theo tầm nhìn 2030 với hàm lượng chất xám và công nghệ cao hơn. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy liên quan đến các khoản đầu tư lớn cho hệ thống giáo dục. Quá trình cải cách chắc chắn sẽ rất “đau đớn”. Ngay cả khi nguồn du khách từ Trung Quốc đại lục sẽ quay trở lại đông đảo như trước, thì thời điểm này vẫn là cơ hội để cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn tiền của du khách Trung Quốc vốn đã biến nhiều nước thành con nghiện trong thời gian qua.