Du lịch Bến Tre bàn chuyện thu hút khách
Trung Chánh
Một góc khu resort Forever Green, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre- nơi diễn ra sự kiện chiều nay, 11-5. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) – Du lịch tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 22-25%/năm và lượng du khách đến tăng 12-15%/năm, trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là làm gì để Bến Tre đạt được mục tiêu tham vọng này?
Tại hội thảo “Liên kết xúc tiến thương mại-du lịch tỉnh Bến Tre gắn với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” tổ chức vào chiều nay, 11-5 tại địa phương này trong khuôn khổ “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp TP.HCM năm 2017”, ông Trần Duy Phương, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, cho biết năm 2017 địa phương phấn đấu thu hút 1,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 550.000 khách quốc tế. Doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt khoảng 1.000 tỉ đồng.
Với mục tiêu như trên, lượng khách du lịch đến Bến Tre dự kiến tăng 50.000 lượt với tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 240 tỉ đồng so với năm 2016.
Trong khi đó, theo ông Phương, mục tiêu dài hạn của địa phương trong cả giai đoạn 2016-2020, có tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng trưởng bình quân 22-25%/năm và lượng khách du lịch đến địa phương tăng 12-15%/năm.
Để đạt được mục tiêu như nêu trên, theo ông Phương, địa phương sẽ đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch để đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất cho du lịch, nhất là du lịch biển và du lịch trên các cồn; phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Thảo luận về giải pháp đưa du lịch Bến Tre phát triển, ông Nguyễn Minh Quyền, Giám đốc phát triển Công ty cổ phần du lịch Bến Thành, cho biết các sản phẩm du lịch của Bến Tre, đơn vị ông đã đưa vào khai thác từ rất nhiều năm nay.
Tuy nhiên, theo ông, muốn du lịch phát triển nhất thiết phải có phân khúc thị trường theo hướng: có dòng sản phẩm cho khách quốc tế và dòng sản phẩm cho khách nội địa và trong đó phân khúc cho khách nội địa phải xây thêm một sản phẩm về nguồn cho giới sinh viên. “Đó là ba phân khúc phải xây dựng”, ông Quyền nhấn mạnh.
“Vậy liên kết thế nào để ra ba sản phẩm đó?”, ông Quyền nêu câu hỏi và gợi ý phải kết nối với các doanh nghiệp TPHCM vì họ là cầu nối đưa khách đến; họ nắm bắt được tâm lý của khách hàng, nhu cầu của đối tác nước ngoài. “Chúng ta không bán cái mình có, mà phải bán cái gì khách cần”, ông nhấn mạnh.
Trên cơ sở biết được tâm lý của khách du lịch, theo ông Quyền, tỉnh Bến Tre phải làm sao chọn được các doanh nghiệp và các điểm du lịch của địa phương phù hợp với khách quốc tế để liệt kê thành một nhóm; các điểm du lịch phù hợp khách nội địa liệt kê thành một nhóm. “Sau đó, làm từng sự kiện, từng điểm phù hợp với khách quốc tế (cũng như sự kiện cho khách trong nước) để thu hút du khách về với địa phương nhiều hơn”, ông gợi ý.
Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Phó trưởng khoa Văn hóa học thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, đề xuất bảy nhóm giải pháp giúp du lịch tỉnh Bến Tre phát triển. Trong đó, có nhóm giải pháp về quảng bá, tiếp thị, tạo bộ nhận dạng thương hiệu; nhóm giải pháp về sản phẩm du lịch mới; nhóm giải pháp về đầu tư hạ tầng giao thông; nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường; nhóm giải pháp về quản trị công và hợp tác…