Du lịch Campuchia: Nơi ở và phương tiện đi lại
Bài: Mai Lĩnh - Ảnh: Bảo Thư
My Home - Tropical Garden Villa ở Siem Reap |
(TBKTSG Online) - Phnom Penh, Siem Reap và Sihanouk Ville là những thành phố có rất nhiều khách sạn, nhà khách đủ loại, với giá phòng khá chênh lệch khá lớn. Trước khi lên đường, bạn nên tìm thông tin liên quan trên internet, để chọn nơi nghỉ lại hợp ý, vừa túi tiền và đặt phòng trước. Nếu có thời gian, cũng nên đọc lại bài viết trên các báo, diễn đàn hay blog... để biết nhận xét của những người đã đi trước. Việc đặt phòng trước rất có lợi, không phải chỉ cần vào mùa cao điểm.
Khi đến một thành phố lạ, sẽ bất lợi nếu bạn phải dựa vào sự tốt bụng, thành thật của lái xe taxi hay tuk tuk khi đưa ra những yêu cầu về khách sạn theo ý bạn và để họ tìm nơi đưa bạn đến. Nhất là khi bạn đến một thành phố mới vào giữa trưa hoặc sau 7g tối mà còn phải tìm chỗ nghỉ thì rất vất vả.
Một trong 4 nhà nghỉ GBT ở bờ biển TP Sihanouk Ville. Giá phòng từ 5-20 USD. ĐT: 097.334.2268. Chúng tôi đã ở chung phòng 4 người giá 17 đô la Mỹ/ngày |
Giới lái xe luôn luôn có mối riêng, đưa khách đến sẽ nhận tiền “cò” nên dù bạn có nói gì họ cũng sẽ đưa bạn đến những nơi đó. Nếu lỡ gặp hoàn cảnh này, bạn chỉ nên nêu ra mức giá vừa túi tiền để họ chọn chỗ nghỉ cho bạn. Giá phòng là điều duy nhất bạn biết được có đúng ý mình muốn hay không khi vừa đến nơi, còn những yếu tố khác (như yên tĩnh, thoáng mát, an ninh tốt, gần chợ ...) thì sau khi vào ở mới biết được. Dù có được vừa ý về phòng trọ, bạn cũng có thể bị tính cước cuốc xe đắt hơn bình thường vì trước đó không thể trả giá trước.
Xe bus dừng tại bến, nếu có sẵn một tài xế xe tuk tuk cầm trên tay tấm bìa ghi tên mình chờ đón, bạn có thể yên tâm về nhiều thứ: an ninh, khỏi trả giá (xe tuk tuk lúc nào cũng nói thách và bạn làm sao trả giá khi chưa biết sẽ về đâu nếu chưa đặt phòng?!). Nếu là người kỹ tính, bạn chỉ cần hỏi lái xe sẽ đưa mình về khách sạn, nhà nghỉ nào; nếu anh ta nói đúng tên nơi bạn đã đặt phòng thì không phải băn khoăn gì nữa, xách hành lý lên xe đi thôi. Đến nơi, cứ việc vào nhận phòng nghỉ, tiền xe do khách sạn thanh toán. Hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn ở Campuchia có dịch vụ miễn phí đón khách. Tuy nhiên, trước khi đặt phòng, bạn cũng nên hỏi lại cho chắc nếu trên trang web của họ không ghi rõ: Free Pick-up Service.
Xin giới thiệu ba địa chỉ sau đây, các bạn có thể vào trang web để tìm hiểu thêm chi tiết và đặt phòng trước:
|
Các phương tiện đi lại
Tuk tuk ở Sihanouk Ville chạy với động cơ 175cc trở lên. |
Nói về những phương tiện bình dân dành cho khách du lịch tự túc, có lẽ ai cũng nghĩ ngay đến xe tuk tuk, loại phương tiện hữu dụng và rất phổ biến ở những nước nghèo và những nước đang phát triển, trừ Việt Nam!
Tuk tuk có nhiều kiểu dáng, dùng nhiều động cơ khác nhau nhưng tựu trung, đó là loại xe nhỏ chở khách (tối đa 4 người), hoạt động như taxi (nghĩa là không có tuyến cố định như xy buýt mà đón và thả khách bất kỳ ở đâu theo ý khách). Một số tuk tuk có ba bánh, chạy bằng động cơ mô tô phân khối lớn; nửa trước chiếc mô tô được gắn vào thùng xe (hai bánh sau); đôi khi chỗ ngồi của lái xe cũng có cabin, nhìn khá đẹp.
Một số khác có 4 bánh, y như xe lôi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ở nước ta, nhưng thùng xe trông đẹp hơn thôi. Đó là một thùng xe được nối vào chiếc xe hai bánh gắn máy. Ở Phnom Penh và Siem Reap, thường dùng xe máy từ 100 đến 125cc; còn ở Sihanouk Ville, thành phố sát biển nhưng địa hình đồi dốc (như các thành phố Tây nguyên ở Việt Nam) nên xe máy có phân khối lớn hơn (175cc) mới kéo nổi.
Loại tuk tuk chở học sinh, hoặc người dân ngoại ô đi chợ, không phù hợp với du khách |
Ra vùng ngoại ô, đôi khi bạn sẽ thấy những chiếc tuk tuk có thùng xe khá dài, để băng gỗ ngang cho khách ngồi với sức chứa hàng chục người; đó là loại xe chuyên chở khách theo tuyến cố định, hoặc dành cho học sinh, không phù hợp cho khách du lịch.
Cũng như ở Thái Lan, mỗi khi gọi xe tuk tuk ở Campchia, điều đầu tiên là du khách cần nói rõ nơi mình muốn đến và hỏi lại lái xe có biết chỗ đó không để tránh trường hợp hiểu nhầm (hoặc cố ý nghe nhầm) để tránh chuyện đôi co tiền bạc khi đến không đúng chỗ, phải đi tiếp. Mặc dù hầu hết lái xe tuk tuk có thể nghe và nói tiếng Anh (hơn hẳn các lái xe taxi ở TPHCM và Hà Nội); nhưng không có nghĩa là chắc chắn họ hiểu hết những điều bạn nói bằng tiếng Anh.
Tiếp theo, phải hỏi giá và bạn luôn luôn phải mặc cả (trả giá) vì lúc nào cánh lái xe cũng “hét” giá để dò xét cái ví tiền và “bản lĩnh tiêu tiền” của khách mới. Nếu bạn chưa quen “trò chơi” trả giá, hãy tập, trước khi đi bụi sang các nước láng giềng nếu không muốn “cháy túi” trước ngày về. Ngay cả với nhà nghỉ, khách sạn; nếu không đặt trước mà đến tận nơi hỏi thuê phòng, bạn cần biết trả giá để khỏi hớ.
Cưỡi voi dạo quanh đền Bayon là thú hấp dẫn nhiều du khách |
Vả lại, ông bà ta đã dạy: “Ăn cho, buôn so”. Bạn có thể vui vẻ mời anh chàng tuk tuk cùng ăn trưa ở điểm du lịch nào đó (thường không rẻ) nhưng khi thuê xe thì nên so đo, tính toán sao cho hợp lý. Nếu thấy lái xe thật thà, nhiệt tình mà có thiện cảm, bạn hãy thuê xe anh ta suốt những ngày lưu trú (cũng phải trả giá), để đến khi chia tay, bạn có thể tặng anh ta một số tiền “tùy hỷ” thì hay hơn là chấp nhận đi xe giá cao (hoặc bị hớ).
Ở Phnom Penh cũng có xe lam chở khách. Tuy nhiên, loại xe này chỉ phù hợp với người địa phương; không an toàn đối với khách nước ngoài.
Cả ở Phnom Penh, Siem Reap và Sihanouk Ville, chúng tôi không thấy xe buýt công cộng. Còn taxi, có lẽ do bị tuk tuk lấn lướt nên cả Siem Reap và Sihanouk Ville cũng không thấy xuất hiện. Riêng Phnom Penh thì có taxi nhưng số lượng cũng không nhiều.
Chiếc taxi duy nhất chúng tôi gặp ở đền Ta Prohm, Siem Reap chở một nhóm khách du lịch đi theo hợp đồng |
Taxi tại Phnompenh có 2 loại: có bộ đồng hồ tính tiền theo km (meter taxi) và loại taxi không có đồng hồ tính tiền (chiếm phần lớn tại Phnompenh). Nếu gọi trúng một chiếc taxi không có đồng hồ tính tiền, bạn phải thỏa thuận giá cả rõ ràng như khi thuê xe tuk tuk trước khi lên xe. Nếu cần, bạn có thể nhờ nhân viên khách sạn giúp đỡ. Đi vòng vèo khắp hai thành phố Sihanouk Ville và Siem Reap (kể cả ba ngày quanh Angkor Wat, Angkor Thom) chúng tôi không thấy bóng dáng chiếc taxi nào. Nhưng lúc đến đền Ta Prohm, lại thấy một chiếc xe 10 chỗ ngồi gắn bảng Taxi meter, bên hông có chữ Angkor Taxi và hộp đèn trên mui ghi Taxi meter.
Cần nói thêm về khái niệm taxi có sự khác biệt ở Việt Nam và Campuchia. Đoạn trên đây, chúng tôi đề cập đến taxi theo cách nhìn, cách nghĩ của người Việt: nghĩa là loại ô tô từ 4 đến 7 chỗ ngồi, có hộp đèn, có ghi tên hãng xe và luôn có đồng hồ tính tiền. Ngoài việc gọi xe đi theo ‘cuốc’ và trả tiền theo đồng hồ (km), khách đi đường xa có thể thỏa thuận với hãng xe về giá cả và thời gian xe chờ; nói cách khác là hợp đồng thuê xe theo yêu cầu.
Xích lô đạp chờ khách ở chợ Phnom Penh |
Còn ở Campuchia, taxi không nhất thiết là ô tô hoặc phải gắn bảng, ghi tên như kiểu ở Việt Nam. Taxi có thể là xe tuk tuk (gọi đâu đi đó), hoặc ô tô 4 chỗ, 7 chỗ (nhìn hoàn toàn giống xe du lịch tư nhân, không có bất kỳ hình thức quảng cáo nào cho biết đó là taxi) chỉ chạy theo hợp đồng với công ty chứ không rảo quanh đón khách.
Nói một cách khác, đó là dạng xe chạy hợp đồng rất phổ biến ở Việt Nam. Vì thế, khi bạn đến Siem Reap, hỏi một người địa phương: ở đây có taxi không? Họ sẽ nó “có nhiều chứ”; nhưng đi khắp thành phố, bạn sẽ chẳng thấy chiếc taxi nào, mà toàn tuk tuk chạy giăng khắp phố phường!
Ở Siem Reap và Sihanouk Ville không có xích lô đạp, nhưng Phnompenh thì có, tuy không nhều lắm; chủ yếu chở mấy bà già đi chợ.
Xe ôm thì ở đâu cũng có nhưng không cạnh tranh nổi với tuk tuk. Nhưng nếu du khách đi một mình thì xe ôm sẽ là lựa chọn hợp lý nhất về mặt chi phí. Tất nhiên, bạn chớ quên thỏa thuận giá trước khi lên xe và yêu cầu phải có nón bảo hiểm. Ở Campuchia, chuyện xe máy chở hai người ngồi sau và không đội nón bảo hiểm khá phổ biến; nhưng rõ ràng đó là điều không tốt.
Xe đạp là phương tiện gọn nhẹ, tiện lợi cho du khách thích săn ảnh |
Người Âu, Mỹ mới đến Phnompenh cũng rất ngại khi ra đường, nhưng nếu bạn sống tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm rồi thì việc đi xe máy tại Phnompenh sẽ rất dễ dàng (Ý tôi là dân Campuchia lái xe rất lịch sự, từ xe máy, tuk tuk cho đến ô tô đều biết nhường đường, không lạm dụng việc bấm còi và không gây gổ khi có va quẹt). Nhưng theo luật của Campuchia, người điều khiển xe gắn máy phải có bằng lái xe được chấp nhận tại Campuchia. Vì thế, nếu tìm được một lái xe ôm hay xe tuk tuk đáng tin cậy, dễ mến là điều tốt hơn là du khách thuê xe gắn máy tự lái.
Tuy nhiên, nếu bạn đi xe đạp thì lại khá phù hợp ở Siem Reap. Phần lớn đường tốt, cây xanh phủ bóng mát. Nhưng đến Sihanouk Ville thì đừng nghĩ đến xe đạp: cả thành phố đều lên xuống dốc!
Ở Siem Reap, thuê xe đạp dễ dàng, nhưng bạn đừng quên là một số khách sạn, nhà nghỉ có xe đạp dành cho khách sử dụng miễn phí, như ở nhà khách My Home (xe xịn không hà).
Cuối cùng, đã là dân đi bụi thì thế nào cũng phải dùng khá nhiều đến cặp giò: chơi theo kiểu trekking tour, đi bộ khám phá những vùng nông thôn, đồi núi hoặc ven biển; hay walking tour, lội bộ loanh quanh một khu vực có nhiều điểm tham quan gần nhau. Đây là hình thức đi lại rẻ nhất (không tốn phí), thú vị nhất và ... mệt nhất. Bạn tha hồ ngắm nghía, quan sát và chụp ảnh.