(KTSG) - Dịp Tết Nguyên đán thường được coi là cơ hội kinh doanh thuận lợi đối với ngành du lịch Trung Quốc nói riêng và các nước châu Á nói chung. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron đang tạo ra những thách thức lớn buộc ngành du lịch phải tìm cách thích ứng trong dịp Tết năm nay.
Du lịch Trung Quốc gặp khó
Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2019 - trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có tới 415 triệu người Trung Quốc đi du lịch nội địa trong dịp Tết Nguyên đán, mang lại doanh thu 76,4 tỉ đô la Mỹ.
Trong bối cảnh hoạt động đi lại quốc tế vẫn gần như bị đóng băng, du khách nội địa hiện đang là niềm hy vọng của ngành du lịch Trung Quốc trong dịp Tết. Tuy nhiên, những kỳ vọng này đang phải đối mặt với nhiều thác thức khi giới chức Trung Quốc vừa thắt chặt các biện pháp kiểm soát hoạt động đi lại, nhằm ứng phó với dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.
Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt này được dự báo sẽ khiến nhu cầu đi du lịch của người dân Trung Quốc trong dịp Tết năm nay giảm mạnh, buộc các công ty phải thực hiện nhiều điều chỉnh nhằm thích ứng với tình hình mới.
Các chuyến du lịch gần, du lịch tại chỗ (staycation) được dự báo sẽ trở thành xu hướng chính trong kỳ nghỉ Tết năm nay, tương tự như những gì đã xảy ra trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch và các kỳ nghỉ lễ khác trong thời kỳ đại dịch. Các số liệu từ Công ty Du lịch trực tuyến Trip.com cho thấy, trong kỳ nghỉ đầu năm nay, khoảng 60% số lượng đặt phòng là của các chuyến du lịch trong địa bàn tỉnh, tăng đáng kể so với tỷ lệ 50% của năm ngoái.
Một sự thay đổi đáng chú ý khác là việc ngày càng nhiều khách du lịch nội địa có xu hướng chuyển từ hình thức du lịch nhóm theo kiểu truyền thống, quy mô lớn sang hình thức du lịch nhóm nhỏ hoặc độc lập. Sienna Parulis Cook, Giám đốc tiếp thị và truyền thông tại Công ty Dragon Trail International, nhận định: “Du lịch theo nhóm nhỏ đang ngày càng được ưa chuộng tại Trung Quốc”. Loại hình du lịch được ưa thích năm nay là các tour trượt tuyết, khám phá nông thôn hoang dã, tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương.
Học viện du lịch Trung Quốc dự báo, trong năm 2022, ngành du lịch Trung Quốc có thể đón khoảng 3,98 tỉ lượt khách nội địa, với doanh thu cả năm đạt 3.810 tỉ nhân dân tệ (598 tỉ đô la) tăng hơn 27% so với năm ngoái.
Ngành du lịch châu Á trong “nỗi nhớ” du khách Trung Quốc
Trước khi đại dịch bùng phát hồi năm 2020, Trung Quốc là thị trường đi du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới và rất nhiều điểm đến coi trọng nguồn khách này. Các số liệu thống kê cho thấy, du khách Trung Quốc chi tiêu gần 255 tỉ đô la vào năm 2019, chiếm khoảng một phần năm tổng chi tiêu du lịch toàn cầu.
Riêng tại Đông Nam Á, trong năm 2019 lượng khách Trung Quốc chiếm 21% với 32 triệu lượt. Do vậy, việc vắng bóng nguồn du khách hàng đầu này, ít nhất là trong dịp Tết năm nay, càng khiến các quốc gia Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình mở cửa du lịch quốc tế.
Thái Lan là quốc gia phải gặp nhiều thách thức hơn cả. Hồi năm 2019, nước này đón 39 triệu lượt du khách quốc tế, trong đó gần một phần ba (khoảng 12 triệu du khách) tới từ Trung Quốc. Thế nhưng giờ đây, khi mà kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - cơ hội kinh doanh thuận lợi trong quá khứ, đang đến gần, các khu nghỉ dưỡng tại Phuket, vẫn chưa thể khôi phục lại sự nhộn nhịp vốn có, trong khi tại khu chợ Or Tor Kor ở thủ đô Bangkok, những chủ vựa sầu riêng đang phải cố gắng vay nợ để trụ vững, khi mất đi nguồn khách hàng lớn nhất.
Đối với các nền kinh tế giàu có hơn, tác động từ sự thiếu vắng du khách Trung Quốc ít nghiêm trọng hơn. Tại Nhật Bản, khách du lịch nội địa đã chi tiêu nhiều gấp 4 lần số tiền 192 tỉ đô la mà các du khách nước ngoài đã bỏ ra hồi năm 2019. Còn tại Hàn Quốc, các du khách nội địa đã thay thế những đoàn khách Trung Quốc tại các khu nghỉ mát trên đảo Jeju. Tuy nhiên, những dấu hiệu của sự khó khăn vẫn có thể được cảm nhận rõ nét, thông qua việc hàng chục cửa hàng tại khu thương mại Ginza, Tokyo phải đóng cửa, hay tình trạng vắng vẻ ở khu phố mua sắm Myeongdong, Seoul.
Mới đây, tổ chức ForwardKeys ước tính phải đến năm 2025 hoạt động đi du lịch nước ngoài của Trung Quốc mới có thể trở lại mức trước đại dịch, đồng nghĩa với một sự chờ đợi dài hơn dành cho các điểm đến du lịch tại châu Á.
Thị trường nội địa - chỗ dựa cho ngành du lịch châu Á
Trong bối cảnh hoạt động du lịch quốc tế vẫn bị gián đoạn bởi biến thể Omicron, các chủ khách sạn tại Đông Nam Á sẽ trông cậy vào lượng khách nội địa để đảm bảo doanh thu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tổng giám đốc John Rice của khách sạn Shangri-La Singapore cho biết, khách sạn của ông dự kiến sẽ hoạt động với công suất cao trong dịp Tết, với phần lớn khách hàng là người dân Singapore, chủ yếu là các cặp vợ chồng và gia đình.
Tại Malaysia, các chủ khách sạn từng chứng kiến lượng đặt phòng tăng cao trong các dịp Tết Nguyên đán trước đây cho biết, hoạt động kinh doanh thường sẽ đạt mức đỉnh vài ngày trước Tết, do thói quen đặt phòng vào phút chót của du khách trong nước. Caemen Phoon, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của khách sạn Zenith Putrajaya, kỳ vọng lượng đặt phòng trong dịp Tết năm nay sẽ khả quan hơn năm 2020.
Mặc dù đánh giá triển vọng kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán năm nay là tích cực, các chủ khách sạn cũng thừa nhận rằng lượng đặt phòng vẫn còn kém mức trước đại dịch một khoảng cách khá xa. Christina Tan, người phát ngôn của khách sạn G Hotel Gurney ở Penang, Malaysia cho biết, trong các mùa du lịch trước đây, khách sạn thường xuyên lấp đầy phòng nhờ vị trí thuận lợi ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên, trong dịp Tết năm nay, tỷ lệ đặt phòng được dự báo chỉ ở mức 50%, hoặc cao nhất là 70%.
Tại Thái Lan, bà Magdalena Martorell, Tổng giám đốc khách sạn Melia Phuket Mai Khai, nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tiềm năng kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán đã không còn như trước. “Covid-19 đã phá vỡ mô hình du lịch của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với du khách Trung Quốc. Nếu du khách Trung Quốc không thể thoải mái xuất nhập cảnh trở lại trong tương lai gần, các khách sạn trên toàn thế giới sẽ khó có thể coi Tết Nguyên đán là thời điểm kinh doanh tốt như trước đây”.
Bên cạnh việc thu hút khách nội địa thuê phòng, các khách sạn cũng tìm cách tăng cường doanh thu bằng các dịch vụ khác, chẳng hạn như cung cấp những bữa ăn phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán như tại Singapore.
Còn tại Malaysia, bà Christina Tan, phát ngôn viên khách sạn G Hotel Gurney, cho biết các bữa tiệc ăn tự chọn (buffet) đoàn viên đêm giao thừa đã được đặt hết, trong khi các bữa trưa và bữa tối của ngày mùng 1 Tết cũng đã gần như kín chỗ.
Nguồn: ttgasia, Economist, China Daily, SCMP, Global Times