(KTSG Online) – Hội nghị về du lịch của thành phố Đà Nẵng chiều ngày 12-10 gợi mở nhiều vấn đề cần phải giải quyết nếu ngành du lịch của thành phố biển miền Trung này muốn có được sự phát triển đột phá và bền vững trong bối cảnh mới với nhiều thách thức.
- Từ cuối tháng 10 sẽ có tàu chất lượng cao chặng Hà Nội-Đà Nẵng
- Đà Nẵng quảng bá du lịch MICE và golf tại Hàn Quốc
Đây là lần đầu tiên một hội nghị sơ kết 9 tháng của ngành du lịch Đà Nẵng có mặt đầy đủ lãnh đạo thành phố (Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND), giám đốc các sở, ban, ngành và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Vì vậy, dư luận kỳ vọng hội nghị sẽ phần nào giúp giải quyết các thách thức trong bối cảnh hiện nay, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, cạnh tranh điểm đến, sụt giảm khách quốc tế và khó khăn về tài chính của doanh nghiệp, để ngành du lịch Đà Nẵng có thể phát triển tốt trong những năm tiếp theo.
Nỗi lòng doanh nghiệp
Đại diện cho các doanh nghiệp du lịch, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đưa ra nhiều nhóm vấn đề, kiến nghị.
Trong đó, vấn đề tài chính doanh nghiệp được ông Dũng nêu lên đầu tiên vì theo ông – cũng là chủ tịch một doanh nghiệp lớn tại Đà Nẵng – không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp mà còn đến chất lượng dịch vụ.
“Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch gặp khó khăn về dòng tiền hoạt động sau 3 năm chống chọi. Nhiều doanh nghiệp vay vốn lớn đứng trước nguy cơ giải thể”, ông Dũng giãi bày. Ông chia sẻ thêm hiện nay các chi phí đầu vào tăng nhưng các doanh nghiệp du lịch không thể tăng giá sản phẩm/dịch vụ (vì cạnh tranh), do vậy nhiều đơn vị lựa chọn cắt giảm một số chi phí liên quan đến dịch vụ, làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ du khách.
Ông Dũng nhận định khó khăn sẽ chồng chất khó khăn khi năm 2024 chưa thể có sự đột phá trong thu hút các nguồn khách quốc tế. Ông giải thích, các thị trường khách quốc tế truyền thống và lớn nhất như Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ sụt giảm hơn phân nửa (do sự cạnh tranh của các điểm đến khác trong nước, sự phục hồi chậm của các đường bay và chính sách mở cửa thận trọng của các thị trường).
Các thị trường mới được kỳ vọng nhiều như Ấn Độ, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện nay chiếm khoảng 20% thị phần khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong tương lai gần, khách từ những những thị trường này tăng không đáng kể do khó khăn về đường bay và hấp thụ của điểm đến (ẩm thực, dịch vụ đặc thù, kinh tế đêm…). Các thị trường còn lại như Mỹ, Úc, Đài Loan… ổn định với thị phần khiêm tốn.
Chia sẻ chi tiết về một lợi thế du lịch của Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Tâm – Tổng giám đốc Việt An Group – cho rằng cần có cơ chế để phát triển đồng bộ du lịch đường sông và đường biển. “Hiện nay chúng tôi phải gõ nhiều cửa để xin phép khách xuống tàu trải nghiệm các tour đường sông và đường biển như Cảng vụ, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Văn hóa-Thể thao, chính quyền quận, huyện…”, ông Tâm nói và gợi ý cần có tổ công tác một cửa để tháo gỡ du lịch đường thủy, bao gồm cho phép hình thành các dịch vụ trò chơi giải trí và trải nghiệm tắm biển tại các bãi cạn nằm trong vịnh Đà Nẵng.
Bên cạnh du lịch đường thủy, sự kiện, lễ hội là lợi thế lớn của du lịch Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group vùng miền Trung, Đà Nẵng đang thiếu các trung tâm sự kiện, quảng trường đẳng cấp quốc tế để có thể thu hút nhiều sự kiện mang tầm thế giới đến Đà Nẵng, từ đó nâng tính cạnh tranh của điểm đến. “Chúng ta nói nhiều về kinh tế đêm, du lịch đêm và du lịch biển nhưng các hoạt động thực tiễn quy mô vẫn còn thiếu rất nhiều”, ông Bình nói.
Với những thách thức trên, ông Dũng đề nghị cần có nhiều giải pháp đồng bộ để có thể các lượng khách tiếp tục tăng trưởng và không quá thua sút so với năm 2019 (Năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng đạt 8,6 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt. Dự báo hết năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 7,1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,1 triệu lượt).
“Hạ lãi suất, khoanh nợ, giảm nợ, giá điện và thuế phí, xem xét lại giá thuê đất là vấn đề sống còn của doanh nghiệp”, ông Dũng đề nghị. “Tháo gỡ vướng mắc để có các sản phẩm mới, tìm cách hạn chế xả thải ra môi trường biển và đường phố và cần thành lập quỹ tổ chức sự kiện quốc tế nhằm huy động nguồn lực từ xã hội và các doanh nghiệp là những việc cần làm”.
Tính kế phát triển bền vững, lâu dài
Ghi nhận những tâm tư và gợi ý của doanh nghiệp, tại hội nghị, lãnh đạo thành phố cho hay sẽ giải quyết tốt nhất những kiến nghị cụ thể cũng như mang tầm vĩ mô của doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn có được những giải pháp ổn thỏa cần có sự thông hiểu của cả hai bên (sở, ban, ngành và doanh nghiệp).
Cụ thể, vấn đề xả thải từ các cơ sở kinh doanh ra biển, ảnh hưởng đến du khách và môi trường không chỉ là trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường mà còn phải là trách nhiệm của chính doanh nghiệp. Các khách sạn cần có một chính sách thuận lợi để đầu tư hệ thống xử lý nước thải nội bộ đủ tốt để có thể đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố.
Bên cạnh đó, cần có nghị quyết của HĐND thành phố về phát triển kinh tế đêm, từ đó làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào dịch vụ này, bao gồm cân nhắc ưu tiên đầu tư công trong lĩnh vực du lịch.
Ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, cho hay sở sẵn sàng đồng hành cùng ngành du lịch để phát triển điểm đến xanh và bền vững cho Đà Nẵng. “Chúng tôi đang bàn bạc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đồng hành nâng cao ý thức của du khách trong bảo vệ môi trường, cụ thể hạn chế xả rác, xả thải ra môi trường”, ông Chương nói và gợi ý thêm các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội làm việc với đối tác phi chính phủ có ý định đầu tư các dự án có liên quan đến môi trường tại Đà Nẵng để giới thiệu điểm đến.
Được phân công phụ trách mảng du lịch, ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho rằng cần có khoảng thời gian cải thiện điểm đến. “Trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay đầu tư sản phẩm mới sẽ khó. Bên cạnh đó, xoay chuyển tìm thị trường mới cũng cần phải tính toàn kỹ, cần sự tham gia của doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của ngành, định hướng của thành phố”, ông Cường nói.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nói sự bền vững trong chất lượng về khách du lịch chính là lợi thế cạnh tranh của thành phố biển miền Trung này so với các điểm đến khác. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải có những sự chuẩn bị kỹ càng để có thể bắt tay vào thực hiện từ đầu năm sau. Ông đề nghị việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc phải được xác định là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu.
Hợp tác với các hãng hàng không để đẩy mạnh mở đường bay theo hướng các bên cùng có lợi, thực hiện ngay đầu tư quảng trường bắn pháo hoa, hình thành cơ chế đóng góp tài chính và xây dựng văn hóa ứng xử, tuân thủ giao thông, văn hóa môi trường trong cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân là những vấn đề cụ thể mà ông Quảng nêu ra trong hội nghị.
Khách đi tour chỉ chiếm 20%Theo thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, trong 9 tháng qua ngành du lịch ghi nhận việc thay đổi lớn về cơ cấu nguồn khách. Cụ thể, lượng khách du lịch đi lẻ đang chiếm tỷ lệ rất cao với khoảng 80% tổng lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng trong khi khách du lịch đi theo đoàn do lữ hành khai thác chỉ còn chiếm tỷ lệ 15-20% trong tổng khách lưu trú.Dự kiến cả năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 7,1 triệu lượt, tăng 94% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,1 triệu lượt, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2022, khách nội địa 4,9 triệu lượt, tăng 56% so với năm 2022.
Cái gì dễ quá thì trước sau gì cũng trở thành khó quá. Trước đây, có quá nhiều tay chơi amateur nhảy vào tham gia cuộc chơi du lịch. Có ít tiền, vay ít vốn, là mặc nhiên trở thành chủ khách sạn, nhà hàng, resort, làng sinh thái … Sau đại dịch, mọi thứ đã thay đổi. Bây giờ, chỉ những ai biết chơi và dám chơi thì mới có cơ may tồn tại. Quá trình sàng lọc đã và đang bắt đầu. Cần phải chấp nhận thôi.