Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Du lịch ĐBSCL: đào tạo nhân lực ‘khác biệt’ để khai thác tiềm năng ‘khác biệt’

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thế mạnh về du lịch sông nước miệt vườn, du lịch nông nghiệp nông thôn. Do đó, để tận dụng được thế mạnh này, cái gốc vấn đề cần giải quyết đó là thay đổi chương trình đào tạo nhân lực để phù hợp với đặc thù của vùng này…

Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) hiện đang cung cấp dịch vụ tham quan vườn và ngắm chim cò. Ảnh: Trung Chánh

Du khách trong và ngoài nước nghĩ đến ĐBSCL, thì hình tượng hiện ra là vùng sông nước, đồng lúa và vườn cây ăn trái. Đây là điểm chung của toàn vùng về mặt tài nguyên và văn hoá, cho nên, thường "không phân biệt" giữa các địa phương hay nói cách khác tài nguyên và văn hoá giữa các địa phương trong vùng có sự khác biệt khá nhỏ.

Trao đổi với KTSG Online bên lề hội nghị chuyên đề “Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Sóc Trăng” diễn ra ở địa phương này mới đây, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt cũng là một chuyên gia du lịch ở ĐBSCL cho biết, để tạo ra “sự khác biệt” cho sản phẩm từ nguồn tài nguyên du lịch “ít khác biệt” của ĐBSCL, thì cần phải có kiến thức. “Về mặt nguyên tắc, sản phẩm du lịch muốn cạnh tranh được là phải có giá trị trải nghiệm khác nhau”, ông nói.

Tạo trải nghiệm “khác biệt” trên nền tảng trùng lắp

Cùng là vườn cam, nhưng để thu hút được khách du lịch, đòi hỏi việc tổ chức trải nghiệm ở vườn cam này phải khác vườn cam kia; hoặc cùng là đồng lúa, nhưng phải có sự khác nhau về giá trị trải nghiệm và dịch vụ cung cấp, thì mới thu hút được du khách.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, đó là sản phẩm du lịch của ĐBSCL hiện nay lại “na ná” nhau hay nói cách khác ít có sự khác biệt. Nguyên nhân của điều này được xác định do kiến thức về sản phẩm không tốt, không có chuyên sâu, cho nên, các địa phương thường “copy” lẫn nhau. “Ông A làm cái này, thì ông B qua thăm về làm y chang như vậy”, ông Huê nói.

Trao đổi với KTSG Online, lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt hoạt động trong lĩnh vực du lịch (xin không nêu tên) dẫn chứng, khi Cần Thơ tổ chức thành công lễ hội bánh dân gian Nam bộ, thì nhiều địa phương khác cũng “coppy”, đem về địa phương mình tổ chức; hoặc địa phương này làm lễ hội áo bà ba, thì hai ba địa phương khác cũng tổ chức. “Sản phẩm không khác biệt, không hấp dẫn thì làm sao thu hút được du khách?”, vị này đặt câu hỏi.

Đối với mảng du lịch vùng nông thôn, gồm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…, ông Huê cho rằng, ĐBSCL có tài nguyên “mênh mông”, bao gồm sông nước, vườn cây, ruộng lúa, thậm chí khí hậu của vùng cũng rất tốt để khai thác du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Huê, chỉ người nông dân tham gia làm du lịch, thì bức tranh lĩnh vực này của ĐBSCL sẽ rất khó có sự thay đổi. Bởi lẽ, thứ nhất, trình độ nông dân thấp; thứ hai, họ chỉ biết sản xuất, thiếu kỹ năng làm dịch vụ.

“Chẳng hạn, làm du lịch cộng đồng là phải nhiều nhà và phải có người điều phối chung để cùng nhau thống nhất hướng đi, không bị trùng và để kiểm soát được chất lượng sản phẩm”, ông Huê dẫn chứng và cho rằng, ý chí hợp tác của người nông dân không cao cũng là một rào cản.

Trong khi đó, nhìn vào một điển hình của tỉnh Đồng Tháp, từ làng nghề dệt chiếu truyền thống và “chợ ma” mang giá trị lịch sử- văn hoá ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, lãnh đạo tỉnh đã mời chuyên gia đến nghiên cứu, khôi phục và xây dựng thành công sản phẩm du lịch tham quan- trải nghiệm đình, làng nghề dệt chiếu truyền thống và xem show diễn thực cảnh “chợ ma” Định Yên.

Tại buổi họp báo công bố sản phẩm du lịch nêu trên diễn ra gần đây tại Định Yên, ông Nguyễn Sự, Nguyên bí thư Thành uỷ thành phố Hội An- người được xem là “cha đẻ” của sản phẩm du lịch nêu trên cho biết, để xây dựng được sản phẩm như hiện nay, từ năm 2017, sau lời mời của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông đã tìm hiểu rất kỹ về lịch sử, nguồn gốc của làng nghề dệt chiếu và “chợ ma” ở Định Yên.

Theo ông, việc tái hiện làng nghề dệt chiếu, show diễn thực cảnh “chợ ma” và các giá trị trải nghiệm liên quan cũng là tái hiện văn hoá làng nghề đã nuôi sống con người ở vùng đất này; là mồ hôi, xương máu do người dân Định Yên xưa đã tạo dựng.

Ông Sự cho biết, câu chuyện được xây dựng qua show diễn thực cảnh “chợ ma” do chính quần chúng, những người thợ của địa phương là diễn viên. “Ở đây là thực cảnh nên tất cả mọi thứ đều thật, bao gồm người thật, sông thật, múa thật, cây thật… Chúng tôi chỉ thêm vào nghệ thuật từ cái thật đó”, ông cho biết.

Chính giá trị nêu trên đã tạo ra sự thích thú, ham muốn được trải nghiệm của du khách. “Thật ra, du lịch là cảm giác”, ông Sự nói và cho rằng, du khách đến với “chợ ma” Định Yên sẽ cảm nhận được cảm giác về không khí, về người dân nơi đây thân thiện. “Khi khách đến, thì bản thân người dân ở đây sẽ có thêm thu nhập”, ông nói.

Rõ ràng, để xây dựng thành công sản phẩm du lịch như trường hợp “chợ ma” Định Yên của tỉnh Đồng Tháp là nhờ có sự hỗ trợ rất lớn của chuyên gia- người am hiểu, có kiến thức chuyên sâu về sản phẩm cùng sự đòng lòng của người dân và chính quyền địa phương.

“Xây dựng được sản phẩm này là nhờ có sự tư vấn, định hướng của chuyên gia Nguyễn Sự đến từ Hội An cũng như sự tham gia định hướng của lãnh đạo các cấp cho một sản phẩm mới”, bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Một góc trong show diễn thực cảnh "chợ ma" Định Yên. Ảnh: Ban tổ chức du lịch Định Yên

Thay đổi chương trình đào tạo để có nhân lực phù hợp

Muốn sản phẩm du lịch có giá trị trải nghiệm khác biệt cho du khách từ tài nguyên của ĐBSCL, thì một trong những vấn đề quan trọng là cần phải có kiến thức về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.

Muốn vậy, theo chuyên gia du lịch Phan Đình Huê, không còn cách nào khác, cần phải đào tạo một thế hệ trẻ cho ngành du lịch ĐBSCL. “Việc đào tạo nhân lực, các trường đại học, cao đẳng trong khu vực phải có chương trình khác biệt, chứ không thể “coppy” như ở các thành phố lớn được vì du lịch của ĐBSCL là khác biệt so với các thành phố lớn trong cả nước”, ông cho biết.

Cụ thể, đặc điểm của thành phố lớn là nơi tập trung các công ty lữ hành, khách sạn, tức học chuyên ngành lữ hành, nhà hàng khách sạn sẽ dễ tìm việc làm. Trong khi đó, ở ĐBSCL, chủ yếu là du lịch nông nghiệp nông thôn nên phải có chương trình giảng dạy riêng, phù hợp cho vùng này.

“Đặc điểm là vậy, nhưng ĐBSCL đã có chương trình đào tạo, tập huấn nào hay không?”, ông Huê đặt câu hỏi và gợi ý, nên có một dự án đào tạo du lịch nông nghiệp do các chuyên gia từ những nước phát triển thành công du lịch nông nghiệp nông thôn đảm nhận như: Áo, Hà Lan, Đài Loan...

Theo ông Huê, trên cơ sở định vị loại hình phát triển du lịch ở vùng này sẽ biết được cần những con người phục vụ, quản lý như thế nào nhằm xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với định vị về điểm đến, định vị về sản phẩm của ĐBSCL.

Song song đó, có thể phát triển hoặc chuyển một số Trung tâm khuyến nông, một số điểm vườn hoặc trang trại thành nơi dạy về thực hành. “Thậm chí, cần phải có chương trình giảng dạy về nghiệp vụ phát triển sản phẩm du lịch”, ông Huê cho biết và dẫn chứng, ở Áo, môn dạy quan trọng nhất trong tất cả các môn về du lịch, đó là nghiệp vụ phát triển sản phẩm.

Theo đó, qua môn học này, người thiết kế sản phẩm du lịch sẽ biết được một sản phẩm có đặc điểm cấu thành là gì? Phần lõi là cái gì, phần cộng thêm là cái gì?...

Rõ ràng, khi có nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về phát triển du lịch, thì việc tạo ra được một sản phẩm mang giá trị trải nghiệm khác biệt trên nền nguồn tài nguyên được xem là “na ná” nhau của ĐBSCL sẽ được giải quyết.

Lễ hội đua ghe ngo của đồng bào khmer tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Bảo Kỳ

Chẳng hạn, đối với tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh khai thác sản phẩm trên nền văn hoá khmer hay việc "làm mới" lễ hội Oóc Om Bóc- đua ghe ngo, thì một trong những điểm nhấn đặc biệt của địa phương này có thể khai thác thành sản phẩm du lịch có giá trị trải nghiệm khác biệt, đó là cù lao Dung- cù lao lớn nhất trên sông Mekong với khoảng 253 km2

Ông Huê gọi cù lao Dung là viên ngọc trên sông Mekong, nhưng hiện nay gần như không có sản phẩm du lịch nào để khai thác, nhất là sản phẩm trên sông nối từ thành phố Cần Thơ xuống bằng du thuyền.

Còn đối với vùng biển của tỉnh Sóc Trăng, vị chuyên gia Công ty du lịch Vòng Tròn Việt cho rằng, nếu nhìn theo lăng kính bãi tắm như của miền Trung sẽ không hấp dẫn. Thế nhưng, khi nhìn theo lăng kính trải nghiệm trong rừng ngập mặn trên bãi bồi kết hợp xây dựng bãi tắm nhân tạo ven biển, thì sẽ là một vùng khá thú vị.

Một điểm quan trọng khác cho Sóc Trăng, đó là địa phương có cơ hội “vẽ lại” bản đồ du lịch khi các tuyến cao tốc được hình thành cộng với cầu Rạch Miễu 2 và cầu Đại Ngãi hoàn thành, tạo thành tuyến di chuyển thuận lợi từ TPHCM về Sóc Trăng theo trục quốc lộ 60. “Trường hợp này cũng giống như Phan Thiết, khi có cao tốc du khách đã bỏ Vũng Tàu để ra đây”, ông Huê cho biết và nói rằng, vấn đề bây giờ của Sóc Trăng là địa phương sẽ làm gì để đón đầu cơ hội đó, khách đến Sóc Trăng sẽ được trải nghiệm những gì?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới