Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Du lịch giúp hồi sinh kinh tế Hy Lạp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch giúp hồi sinh kinh tế Hy Lạp

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Cuộc khủng hoảng nợ công cách đây 10 năm đã nhấn chìm nền kinh tế Hy Lạp, khiến nước này suýt phải bị ép rời khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) để ngăn chặn hiệu ứng lan tràn.

Sau đó, nhờ gói giải cứu trị giá tổng cộng 320 tỉ euro, kết thúc vào năm 2018 từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Hy Lạp đã trụ lại được nhưng chính ngành du lịch mới là động lực giúp Hy Lạp hồi sinh.

Hy Lạp: cơn đau chưa dứt

Du lịch giúp hồi sinh kinh tế Hy Lạp
Argiro Fouraci, một giáo viên bị mất việc, đang có thu nhập tốt nhờ cho du khách thuê năm căn hộ gần thành cổ Acropolis ở Athens. Ảnh: NY Times

Cỗ máy thúc đẩy nền kinh tế hồi phục

Theo tờ New York Times, chỉ chưa đầy một năm sau khi Hy Lạp thoát ra khỏi chương trình cứu trợ tài chính quốc tế, đất nước với nền văn minh cổ đại rực rỡ này đang chứng kiến cơn bùng nổ đầu tư bất động sản bắt nguồn từ du lịch và nhu cầu định cư của người nước ngoài.

Tại thủ đô Athens, những khách sạn hiện đại nhìn ra thành cổ Acropolis hiện lên lấm tấm ở đường chân trời. Các công nhân xây dựng tất bật phá bỏ những ngôi nhà cũ để sửa sang thành những nơi lưu trú ngắn hạn phục vụ khách thuê từ nền tảng đặt phòng trực tuyến Airbnb hoặc những căn nhà mới sang trọng để bán cho người nước ngoài.

Cảnh tượng này là một sự thay đổi lớn so với cách đây bốn năm. Gánh nặng nợ công khiến Hy Lạp suýt bị buộc phải rời khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) vào năm 2015 nhưng sau đó nền kinh tế dần ổn định trở lại nhờ các gói giải cứu tài chính quốc tế và chính sách thắt lưng buộc bụng.

Trong những năm gần đây, kinh tế Hy Lạp bắt đầu hồi sinh vững chắc hơn nhờ sự tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch. Có thể ví ngành du lịch giống như cỗ máy thúc đẩy đà hồi phục của Hy Lạp. Năm ngoái, Hy Lạp tiếp đón lượng du khách quốc tế kỷ lục 33 triệu người, một con số ấn tượng đối với một đất nước chỉ có vỏn vẹn 11 triệu dân và diện tích 132.000km2.

Các nhà đầu tư lớn như công ty lữ hành Thomas Cook (Anh) và chuỗi khách sạn Wyndham Hotels (Mỹ), đang rót hàng tỉ đô la vào ngành du lịch Hy Lạp với hàng chục dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang khai trương hoặc đang xây dựng, theo Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hy Lạp Enterprise Greece.

Grigoris Stergioulis, Giám đốc Enterprise Greece, hồ hởi nói: “Chúng tôi đang chứng kiến niềm tin của giới đầu tư quay trở lại ở Hy Lạp”.

Giá bất động sản ở Hy Lạp đang hồi phục nhanh sau cú sụt giảm 40% kể từ năm 2010, thời điểm nước này bắt đầu chìm vào cuộc khủng hoảng nợ.

Năm ngoái, giá bất động sản ở Hy Lạp tăng gần 2%, lần đầu tiên tăng trong 9 năm qua, trong khi đó, lượng giấy phép xây dựng cũng tăng hơn 10%, đảo ngược đà suy giảm kéo dài bảy năm.

Gần đây, Argiro Fouraci, 29 tuổi, một giáo viên mất việc khi Hy Lạp lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công, đã cho khách đặt phòng từ nền tảng Airbnb thuê năm căn hộ của gia đình cô ở khu Koukaki, gần thành cổ Acropolis. Cô cho biết giờ đây cô kiếm được 400 euro  từ mỗi căn hộ cho thuê sau khi trừ chi phí thuế và quản lý.

Khoản thu nhập này giúp cô chăm sóc bố mẹ già sau khi họ bị cắt giảm lương hưu, một phần từ chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ Hy Lạp.

Những vị khách lưu trú của Airbnb cũng giúp các tiệm tạp hóa địa phương kinh doanh khởi sắc hơn. Ông Stavros Siempos, 53 tuổi, chủ một tiệm tạp hóa ở Koukaki chuyên bán phô mai feta (làm từ sữa cừu hoặc hỗn hợp sữa cừu và dê), dầu ôliu và các đặc sản truyền thống khác của Hy Lạp, nói: “Chúng tôi giờ đây khấm khá hơn nhờ những du khách rủng rỉnh tiền”.

Chương trình thị thực vàng thu hút đầu tư

Hàng ngàn người nước ngoài, phần lớn đến từ Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông đang đến Athens và các đảo du lịch nổi tiếng của Hy Lạp như Santorini, Corfu để tìm kiếm mua những ngôi nhà cho phép họ có một nơi cư trú dài hạn tại châu Âu.

Họ là những người săn lùng thị thực vàng (golden visa) của Hy Lạp. Chỉ cần mua một căn nhà có giá trị tối thiểu 250.000 euro ở Hy Lạp, người nước ngoài sẽ được cấp thị thực vàng có thời hạn năm năm và có thể gia hạn.

Chương trình thị thực vàng đã thu hút khoảng 10.000 nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nga và các nước khác bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) rót khoảng 1,5 tỉ euro vào bất động sản Hy Lạp trong 5 năm qua. Người Trung Quốc chiếm khoảng 40% trong số những nhà đầu tư này.

Các nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào bất động sản ở nước này một phần vì muốn tu bổ chúng thành những nơi lưu trú ngắn hạn cho du khách. Trong năm qua, số lượng các cơ sở lưu trú ngắn hạn đã tăng gấp bốn lần ở Hy Lạp.

Các công ty đầu tư Trung Quốc cũng lùng mua các căn hộ khắp Athens. Yannis Anastassiadis, Giám đốc điều hành Công ty bất động sản Anastassiadis Group, cho biết các công ty Trung Quốc thường sẽ sửa sang các căn hộ này và bán chúng lại cho các khách hàng muốn tìm kiếm thị thực vàng. Anastassiadis cho biết, sau khi mua căn hộ ở Hy Lạp các chủ nhân người nước ngoài có thể cho khách du lịch thuê lưu trú.

Song sự chuyển mình trên của Hy Lạp cũng kèm theo một cái giá. Thị trường bất động sản khởi sắc giúp các chủ nhà hưởng lợi nhưng lại choàng thêm gánh nặng chi phí thuê nhà của những người dân địa phương.

Maria Dolores, một họa sĩ trẻ cùng ba người bạn khác thuê một ngôi nhà ở Athens với giá thuê 400 euro/tháng (khoảng 10 triệu đồng). Hồi cuối năm ngoái, chủ nhà yêu cầu họ dọn đi để sửa sang ngôi nhà cho khách đặt phòng từ Airbnb thuê hoặc bán cho người nước ngoài.

Hôm 13-3, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) công bố báo cáo cho biết ngành du lịch tạo ra gần 1 triệu việc làm ở Hy Lạp, chiếm 25% lực lượng lao động ở nước này. Báo cáo dự báo con số này sẽ vượt 1 triệu trong năm 2019.

Theo WTTC, năm 2018 ngành du lịch đóng góp 20,6% GDP của Hy Lạp. Năm ngoái, nước này thu được 18,5 tỉ euro từ du khách quốc tế. Con số này tương đương 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hy Lạp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới