(KTSG Online) – Qua việc mời gần 100 doanh nghiệp du lịch cả nước tham gia trải nghiệm tại địa phương cũng như đóng góp ý kiến, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang muốn kéo khách đến nhiều hơn và ở lại lâu hơn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần giải quyết nếu muốn đạt được mục tiêu trên.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ hơn 2,1 triệu lượt khách, tăng 58,71% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế khoảng 672.300 lượt, tăng 778,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch khoảng hơn 4.600 tỉ đồng, tăng 61,21% so với cùng kỳ.
Huế hút khách với nhiều trải nghiệm mới
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, đây là kết quả tích cực sau dịch khi ngành du lịch đón nhiều khách nội địa trở lại, đặc biệt từ hai miền đất nước, bên cạnh các thị trường quốc tế, nhiều nhất là Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia và các nước châu Âu.
Kết quả này cũng một phần vì Huế đã có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm mới dựa vào những giá trị di sản lâu nay của mình.
Ông Phúc lấy ví dụ, gần đây đã có những đoàn khách tham gia những trải nghiệm độc đáo như dự dạ yến Hoàng cung, xem biểu diễn nhã nhạc, xem trình diễn cổ phục, xem lễ đổi gác tại Ngọ Môn. Họ cũng được vào sân điện Thái Hòa xem múa lân và đoàn rước cùng các hoạt động làng nghề truyền thống, trải nghiệm các hoạt động làng nghề truyền thống tại sân nhà hát Duyệt Thị Đường...
Qua đó, ngành du lịch kỳ vọng du khách có những ấn tượng đáng nhớ về những giá trị di sản văn hóa cung đình đặc sắc nhất cũng như những dấu ấn mới mẻ trên nền tảng truyền thống của cố đô Huế.
Huế trong thời gian qua cũng “đóng gói” nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm khác nhau dành cho khách nội địa và quốc tế như trải nghiệm ẩm thực cung đình, chăm sóc sức khỏe (tắm suối khoáng nóng, spa, thẩm mỹ, khám chưa bệnh theo hình thức Đông y cổ truyền kết hợp Tây y hiện đại), du lịch mạo hiểm, thể thao (chạy bộ, giải marathon, đua xe đạp, golf) hay chuỗi lễ hội truyền thống và đương đại trong Festival bốn mùa. Tất cả nhằm tăng sự mới mẻ, hấp dẫn của điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế.
Riêng thành phố Huế đang phối hợp với Sở Du lịch và một số ban ngành xây dựng đề án nghiên cứu “Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay đã có bốn phố đêm đi vào hoạt động, tập trung vào các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Việc đưa vào hoạt động nhà ga mới tại Cảng HKQT Phú Bài với công suất 5 triệu hành khách/năm cũng tạo điều kiện để nhiều khách đến Huế hơn.
Lưu khách ở lại để chi tiêu nhiều hơn
“Sân bay thì đẹp rồi, nhưng nếu không thu hút được nhiều khách hơn thì sẽ giảm độ đẹp của sân bay”, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ví von tại hội nghị kết nối du lịch Huế 2023 diễn ra ngày 17-9.
Hội nghị này là một phần trong chương trình famtrip “Huế Kinh đô xưa - trải nghiệm mới” do Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức, thu hút gần 100 doanh nghiệp du lịch cả nước tham gia. Ông Bình cũng cam kết hỗ trợ khi các doanh nghiệp tăng cường hợp tác với các hãng hàng không mở các đường bay du lịch, bao gồm chuyến bay quốc tế, đến Huế.
Chia sẻ tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng Huế có lợi thế phát triển du lịch văn hóa và đã thu hút khách đến nhiều. Bài toàn lúc này là xúc tiến quảng bá để khách du lịch ở lại lâu, chi tiêu nhiều.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc cho hay hiện nay thời gian lưu trú của khách tại Huế là 1,7 ngày, có thấp hơn chút so với trước dịch (1,75 ngày).
Theo ông Phúc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên: hiện nay rất nhiều tỉnh, thành đều đầu tư, phát triển du lịch (nhất là ở khu vực miền Trung) tạo nhiều điểm đến mới; hệ thống cơ sở lưu trú mới; sau dịch có sự bùng nổ về du lịch ở toàn quốc nên sẽ có sự chia sẻ về thời gian lưu trú của khách khi du khách đang có nhu cầu tham quan khám phá được nhiều tỉnh thành hơn.
Mặt khác, chính sách visa lâu nay vẫn là “nút thắt” khiến khách quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu không thể ở lại dài ngày.
Vì vậy tổ chức hội nghị và chương trình famtrip lần này là cơ hội để quảng bá, truyền thông đến cộng đồng du khách trong và ngoài nước và tiếp cận với các đơn vị lữ hành để giới thiệu điểm đến, chuỗi sản phẩm có tính liên kết của Huế.
Ông Trần Lê Bảo Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Quốc Group (TPHCM), cho hay hiện nay có nhiều sự lựa chọn cho du khách khi đi du lịch tại Huế. Những chất liệu đã được đóng gói dành cho các công ty để tư vấn cho khách hàng. “Tuy nhiên, để kéo khách và lưu khách ở lại lâu hơn cần làm nhiều hoạt động cũng như giữ vững chất lượng”, ông Châu – hiện nay là Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lich vừa và nhỏ (VTF) - nói và đưa ra ví dụ tạo ra một trào lưu kiểu như “Về Huế trải nghiệm…”
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Golden Life Travel (Bình Định), cũng đồng ý kiến khi cho rằng Huế hiện nay có rất nhiều sản phẩm trải nghiệm, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, để có thể giữ chân khách, những đơn vị cung cấp các sản phẩm/dịch vụ trải nghiệm cần kể những câu chuyện để khách thấy hết giá trị.
Tạo tour ẩm thực, ngắm bình mình trên biển Thuận An, xây dựng trung tâm hội nghị để đón các đoàn khách MICE, đẩy mạnh làng nghề… là những gợi ý khác của các doanh nghiệp du lịch. Trong đó, cũng có ý kiến Huế cần hợp tác với các địa phương miền Trung để khôi phục lại sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung”.
“Những ý kiến của các doanh nghiệp đưa ra sẽ được chúng tôi ghi nhận và cải thiện”, ông Phúc nói và cho biết thêm đến năm 2025, ngành du lịch bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế, phấn đấu thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 50 - 55%
Huế sẽ mở nhiều chuyến bay quốc tếTrong thời gian gần đây, các thị trường khách quốc tế đến Huế bao gồm Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia, Đài Loan, Pháp, Anh, Úc, Đức, Hàn Quốc và Hà Lan. Hiện nay, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang hướng đến phục hồi thị trường khách Hàn Quốc (trước dịch Covid-19 đây là thị trường khách quốc tế đến Huế hàng đầu) và khách Nhật Bản, tiếp tục duy trì thị trường châu Âu; thu hút phát triển thị trường khách Đài Loan, Úc thông qua chương trình hợp tác với hãng Hàng không Vietjet và một số đơn vị lữ hành tổ chức các chuyến bay thuê nguyên chuyến (charter) từ một số thành phố của các quốc gia trên đến Thừa Thiên Huế.Ngành du lịch tỉnh đang cùng một số đơn vị lữ hành và doanh nghiệp làm việc với các đối tác từ Ấn Độ và khu vực Trung Đông tiếp cận dòng khách du lịch Hồi giáo.