Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Du lịch miền Tây – 10 năm… vẫn như cũ

Gia Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Du lịch phát triển sẽ kéo theo sự ra đời của rất nhiều ngành dịch vụ, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng hiểu điều này, nhưng du lịch tại miền Tây dường như cứ mãi giậm chân tại chỗ, trừ đảo Phú Quốc.

Cống thủy lợi Cái Lớn (Kiên Giang): một điểm ngắm cảnh và chụp hình đẹp nhưng vẫn chưa được nhiều người tìm đến. Ảnh: N.K

Lần đầu tôi đi về miền Tây để thăm một người họ hàng ở Bến Tre vào khoảng 10 năm trước.Vì từ bé đến lớn, tôi được sống trong thành phố với đầy ánh đèn và xe cộ nên được về miền sông nước như Bến Tre là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Chúng tôi được mời đi thăm Cồn Phụng, một địa điểm tham quan nổi tiếng nằm giữa sông Tiền. Lúc đó, những hoạt động chúng tôi đã tham gia như đi ghe, làm kẹo dừa, nghe ca cổ đều khiến cho tôi cảm thấy hứng thú, mới lạ… Nhưng gần đây, quay trở lại Cồn Phụng, tất cả những hoạt động ấy đều lặp lại y hệt như 10 năm trước, một màu và đơn điệu.

Doanh thu từ du lịch rất thấp dù có lượng khách rất lớn

Nếu loại trừ hai năm 2020 và 2021 ngành du lịch bị suy giảm do đại dịch Covid-19, thì năm 2019 là bức tranh khá trung thực về hiện trạng ngành du lịch ở miền Tây.

Theo thống kê, năm 2019 miền Tây đón 47 triệu lượt du khách. Đây là con số rất đáng kể của 13 tỉnh ĐBSCL, chiếm tới gần một nửa so với tổng lượng khách du lịch hơn 103 triệu lượt của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Nhưng khi nhìn vào doanh thu từ du lịch, một trong những thước đo của sức hấp dẫn của du lịch các địa phương, thì lại là con số đáng thất vọng. Tổng doanh thu từ du lịch của miền Tây năm 2019 chỉ có 29.800 tỉ đồng, trong khi của cả nước lên đến 720.000 tỉ đồng.

Như vậy, dù chiếm đến 47% tổng số du khách, nhưng doanh thu từ du lịch của 13 tỉnh miền Tây chỉ chiếm 4,1%. Nếu tách phần doanh thu du lịch của huyện đảo Phú Quốc, một địa danh du lịch nổi tiếng hiếm hoi ở miền Tây, với khoảng 15.000 tỉ đồng, thì số du khách đến các tỉnh miền Tây năm 2019 vẫn chiếm gần 41% nhưng doanh thu chỉ còn vỏn vẹn 2% so với cả nước.

Là một vùng đất trù phú, cảnh quan sông nước không đâu sánh bằng, nhưng miền Tây mãi vẫn chỉ là nơi du khách “ghé qua”, chứ chưa thể “níu chân” du khách ở lại để tận hưởng rồi chi tiêu như nhiều tỉnh thành ở miền Trung và khu vực phía Bắc đã làm được.

Thiếu vắng sự đầu tư, lạc hậu so với nhu cầu của du khách

Vùng ĐBSCL không có những bãi biển đẹp như các tỉnh miền Trung hay Bà Rịa - Vũng Tàu; cũng không có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ như vùng Tây Bắc; nhưng nơi đây có nét đẹp của miền đồng bằng sông nước mà không đâu sánh bằng. Điểm khác biệt duy nhất khiến cho du lịch miền sông nước này ngày càng tụt hậu so với nhiều vùng khác là sự thiếu vắng đầu tư, của cả nhà nước và doanh nghiệp. Vì thế, miền Tây ngày càng trở nên lạc hậu trước nhu cầu đã thay đổi nhiều của du khách.

Nếu ngày trước, khách du lịch đi để khám phá và trải nghiệm những vùng đất mới thì ngày nay khách du lịch còn đòi hỏi nhiều hơn thế, đặc biệt là ở giới trẻ, những người sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho du lịch. Người trẻ hiện nay, như tôi, không chỉ cần một điểm đến để khám phá mà còn phải là một điểm đến đẹp, sạch sẽ và có nhiều góc để check in cho những bức hình trên mạng xã hội.

Lấy một ví dụ điển hình ở miền Trung là Đà Nẵng, những năm gần đây thành phố biển này dần chuyển mình thành một điểm du lịch hấp dẫn với sự đầu tư bài bản và chỉn chu. Không chỉ cung cấp những dịch vụ như ăn, ở tốt mà những tệ nạn thường gặp trong du lịch như chèo kéo khách, cướp giật cũng dần bị loại bỏ.

Tại Đà Nẵng, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều địa điểm để check in, sống ảo, ngay cả một cơ sở hạ tầng như Cầu Rồng cũng trở thành một điểm đến nổi tiếng với du khách. Tận dụng vẻ đẹp của sông Hàn, chính quyền Đà Nẵng xây thêm những công trình mang tính biểu tượng “nhìn là biết” như cầu Tình yêu, Tượng cá chép hóa rồng; hay xa hơn nữa là Cầu vàng ở Bà Nà Hill với tượng bàn tay nổi tiếng thế giới. Từ sự sáng tạo cùng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, những điểm check in nói trên giúp Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch thu hút lòng người. Những người trẻ như tôi luôn muốn quay trở lại.

Điều đáng nói là nhu cầu check in, sống ảo không chỉ có ở người trẻ, mà còn ngày càng phổ biến ở người lớn tuổi hơn khi mạng xã hội và điện thoại thông minh đã trở nên phổ cập.

Mong một miền Tây sáng tạo

Vậy miền Tây thì sao? ĐBSCL vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp sông nước, những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay”. Thậm chí thời tiết ở miền Tây còn thuận lợi rất nhiều so với các tỉnh ven biển miền Trung và đặc biệt là gần TPHCM. Nhưng sự khác biệt khiến cho hai điểm du lịch cách xa nhau nằm ở sự thiếu đầu tư, đổi mới sáng tạo của du lịch miền Tây.

Tư duy ít sáng tạo dẫn tới những trải nghiệm nhạt nhòa và sự tụt hậu về cơ sở vật chất cản trở rất nhiều tới sự phát triển của du lịch miền Tây. Dẫu gia đình tôi đã thuê một khách sạn nằm ngay bến Ninh Kiều nhưng chúng tôi phải đi rất xa để có thể tìm một chỗ ăn uống ưng ý. Nằm ở trung tâm thành phố nhưng gần bến Ninh Kiều chẳng có nổi một cửa hàng tiện lợi để tôi có thể mua đồ ăn, vì sau 8 giờ tối gần như chẳng mấy quán ăn mở cửa.

Khi bước chân tới Cần Thơ, tôi luôn băn khoăn rằng cùng là thành phố trực thuộc trung ương nhưng tại sao Cần Thơ lại không thể xây dựng một con phố đi bộ sầm uất như Bùi Viện để phát triển du lịch? Trong ngành du lịch hiện nay, tư duy hiện đại, cởi mở và sự đầu tư kỹ lưỡng là hai yếu tố cần thiết nhất nếu muốn phát triển. Vì thế, trước hết, chính quyền các địa phương nên tham khảo, cập nhật nhu cầu, thị hiếu của du khách hiện nay để tạo dựng những điểm tham quan, check in cho khách du lịch.

Thứ hai, chính quyền địa phương các tỉnh nên hợp tác với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để tạo ra những điểm tham quan mang dấu ấn đặc trưng như Đà Lạt có chợ đêm hay Đà Nẵng với cầu Rồng. Việc tạo ra những điểm check in để thu hút du khách nên được quan tâm, nghiên cứu và đầu tư lồng ghép vào ngay những công trình cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư xây dựng như những điểm ngắm cảnh và chụp hình trên những cây cầu, những điểm để du khách dừng chụp ảnh và ngắm cảnh trên các tuyến đường cao tốc hay các cống thủy lợi…; hoặc cho phép xây dựng nhà hàng, quán ăn giữa cánh đồng lúa; thu hút đầu tư để hình thành những khu nghĩ dưỡng ven sông…

Thứ ba, các địa phương nên khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tân trang, đổi mới các cơ sở vật chất, dịch vụ và nhân viên phục vụ nên trau dồi thêm ngoại ngữ để phục vụ du khách tốt hơn.

3 BÌNH LUẬN

  1. Cũ không có gì phải sợ, hoặc đáng chê trách. Sợ nhất vẫn là bảo thủ, lạc hậu, giáo điều. Biết bao nhiêu cái cũ, từ văn hóa vật thể cho đến phi vật thể, bây giờ đã và đang trở thành cái “cổ”, có giá, được trong nước và quốc tế vinh danh. Kể cả có những cái cũ từng bị đánh mất vô tình hay cố ý, nay đang tìm mọi cách để khôi phục lại ? Điều này thực tế đã chứng minh rất rõ. Do vậy, sứ mệnh quan trọng nhất của nhà quản lý và nhà kinh doanh là phải luôn luôn biết “LÀM MỚI NHỮNG CÁI CŨ”.

  2. Phú Quốc không phải là mô hình hoàn hảo. Nếu không muốn nói là rất đáng tiếc cho môi trường kinh doanh bền vững về sinh thái. Miền Tây phải lựa chọn hướng đi của riêng mình. Phải biết lưu giữ được hồn cốt cũ, nhưng đồng thời biết phát triển trên một nền tảng Sạch/ Xanh/ Đẹp/ Chuẩn.

  3. Những luận điểm của tác giả đưa ra chưa thuyết phục người đọc. Bạn không thể đòi hỏi việc Miền Tây phải xây dựng các công trình checkin hùng vĩ như những hub khác. Và cũng không thể dùng trải nghiệm của bản thân tại một vài điểm để nói bao quát về hoạt động du lịch của toàn vùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới