(KTSG Online) - Đã có những phân tích cho rằng du lịch tuy là ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng sẽ là ngành bật dậy nhanh nhất sau dịch, như một chiếc lò xo bị nén lại sẽ bung ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều ý kiến lo ngại với tình hình hiện tại, ngành du lịch không thể tự phục hồi vì "lò xo đang bị liệt".
- TPHCM đã sẵn sàng để đón du khách quốc tế trở lại
- Vietravel Airlines bay nội địa hàng ngày trở lại sau sáu tháng tạm dừng
Liên quan đến mục tiêu mở cửa, phục hồi du lịch, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, Việt Nam nên mở cửa mạnh mẽ hơn nữa, không áp dụng cách ly y tế với du khách quốc tế.
Thêm vào đó, cần phải nhanh chóng mở hàng không quốc tế, cho phép người lao động nước ngoài cùng người Việt ở nước ngoài về nước dễ dàng vì hiện tại chi phí để về nước quá cao.
Phải gấp rút cho "con bệnh" uống thuốc
Nhận định về mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế, ông Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu còn chần chừ có những giải pháp mạnh để phục hồi kinh tế thì sẽ bị lỡ đò, như việc lúc "con bệnh" đang cần thuốc mà lại chần chừ không cho uống thì sau đó thuốc sẽ vô hiệu.
Chuyên gia này đã có chuyến đi thực tế tại một số tỉnh miền Trung cách đây hơn một tháng, thời điểm cả nước nắt đầu áp dụng Nghị quyết 128 về sống chung với dịch, phục hồi kinh tế và thấy, du lịch rất tiêu điều.
"Ngành du lịch có thể tự phục hồi không? Không vì lò xo đang bị liệt, không thể tự phục hồi", ông nói tại tọa đàm "Mở cửa du lịch phục hồi kinh tế" do báo Thanh Niên tổ chức vào sáng nay (7-12).
Theo đó, với Nghị quyết 08 do Bộ Chính trị ban hành vào năm 2017 về mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã kích hoạt du lịch phát triển rất mạnh mẽ.
Trong ba lĩnh vực gồm lưu trú, lữ hành và vận tải thì lưu trú, trong đó bất động sản du lịch phát triển rất mạnh mẽ nhưng lĩnh vực này đang đứng trước nguy cơ lớn. Covid-19 làm hàng loạt công trình xây khách sạn phải đứng yên. "Nếu những doanh nghiệp này chết thì ngân hàng có yên không", TS. Trần Du Lịch đặt câu hỏi.
Về thực trạng của doanh nghiệp du lịch, chuyên gia kinh tế này cho rằng có ba nhóm. Nhóm đầu tiên là những công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch, phải tạm dừng hoạt động nhưng vẫn giữ được người lao động và dòng tiền nên có thể hoạt động ngay khi điều kiện cho phép.
Nhóm thứ hai tuy bị ảnh hưởng, chưa có lao động nhưng lại thiếu tiền và nếu được bơm dòng tiền tín dụng thì có thể hoạt động. Đây là nhóm phải bơm tiền ngay, nếu không sẽ không kịp giúp doanh nghiệp và du lịch phục hồi.
Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp không còn năng lực thỏa các điều kiện đi vay vốn. Với nhóm này phải có chế độ vay tín chấp để doanh nghiệp có thể "đứng" lên được. "Phần lớn, doanh nghiệp ngành du lịch đang ở nhóm 2, nhóm 3 còn nhóm có thể tự đứng lên là rất ít", ông nói và đề nghị ưu tiên phục hồi du lịch, nếu chậm là ngành này không thể hồi phục được.
Về việc mở cửa du lịch, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, nếu như hàng không vẫn tiếp tục tập trung vào các chuyến bay thuê bao thì không thể phục hồi. Cần phục hồi cả dịch vụ lưu trú, lữ hành và vận tải hàng không ngay trong mùa Tết sắp đến, nếu không khi lò xo đã "liệt" rồi thì không thể bật lên được.
"Nếu chúng ta đã quyết phục hồi du lịch thì không sợ hãi, phải mở hàng không", ông Lịch nói.
Ngăn chặn trục lợi trong chống dịch, mở rộng cửa cho du lịch
Ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia về du lịch và hàng không, chia sẻ các doanh nghiệp có quan điểm chống dịch là quan trọng nhưng phải xóa bỏ tình trạng gây khó khăn cho quá trình làm ăn, đi lại vì thiếu cơ sở khoa học, vì sợ trách nhiệm.
Chuyên gia này nêu câu chuyện người Việt ở nước ngoài đang phải mua những gói hồi hương với giá rất cao để về nước để dẫn chứng cho nhận định rằng đang có những vấn đề trong phòng, chống dịch gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và người dân. Thậm chí, có tình trạng trục lợi trong việc này.
Theo đó, hầu hết các gói hồi hương về Việt Nam đều có phí từ 80 triệu đồng trở lên. Ông Nam kể một người bạn của mình đã phải chi đến gần 200 triệu đồng để có thể về nước.
Trong khi trước đó, để về Việt Nam, du khách chỉ phải chi cho giá vé cùng chi phí cách ly y tế. Có giai đoạn, vé từ châu Âu về Việt Nam chỉ khoảng 1.200 đô la Mỹ, từ Mỹ là 1.600 và chi phí cách ly y tế (ở các cơ sở của quân đội) không cao.
"Tôi không biết ngành hàng không, lưu trú nhận được là bao nhiêu nhưng với gói dịch vụ này thì ai là bên trục lợi?" Vị chuyên gia này đặt câu hỏi và cho rằng đây là những biểu hiện của việc "tàn phá" hàng không, du lịch và chặn đường mở cửa. Ông kể thêm rằng nhiều người đang chia sẻ cho nhau cách về Việt Nam bằng cách đi qua Campuchia.
Ông khuyến nghị ngay lập tức cho công dân ở nước ngoài về mà không phải qua bất cứ thủ tục nào hết. Việc này cần được làm sớm vì sắp đến Tết Nguyên đán, nhiều người muốn về nhà..
Về mở cửa du lịch, vị chuyên gia này cho rằng, không nên chần chừ vì tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam đã rất cao. Đơn cử, tỷ lệ tiêm chủng tại Hà Nội và TPHCM đã cao hơn một số khu vực tại Mỹ, châu Âu, gần bằng Singapore.
Theo ông Nam, đã mở mở cửa với khách quốc tế thì không nên yêu cầu du khách phải cách ly y tế. Việt Nam nên mở cửa như cách Thái Lan đang làm, là mở cửa cho rất nhiều quốc gia và không đưa ra các yêu cầu kiểm soát quá ngặt nghèo với khách du lịch quốc tế.
Thêm vào đó, cần phục hồi các chính sách miễn thị thực cho khách du lịch như trước khi Covid-19, không yêu cầu khách phải mua tour trọn gói vì nhiều khách không muốn mua nên doanh nghiệp rất khó bán vé cho đủ một chuyến bay. Khi đã được nhập cảnh thì nên cho du khách đến những điểm du lịch khác trong nước chứ không bó buộc tại một số điểm như hiện nay.
Mỗi ngày, giữa Hà Nội và TPHCM có hàng chục chuyến bay, khách trong nước không phải cách ly nên quy định cách ly “người xanh” (người đáp ứng các điều kiện an toàn - PV) từ nước ngoài là không logic.
Theo đó, nên để cho khách từ nước ngoài về được đi lại như khách nội địa, tức là nếu khách đáp ứng các điều kiện về an toàn, phòng chống dịch bệnh thì được đi lại, điểm đến nào trong nội địa được mở cửa thì khách được đến.
Đúng là khó vô cùng, khó nhất là doanh nghiệp du lịch nào đã lỡ vay vốn đầu tư vào cơ sở lưu trú và phương tiện vận chuyển, vì sau hai năm không hoạt động, cơ sở vật chất và xe – tàu xuống cấp hết rồi nhưng nợ thì ngày càng phình to. Nhân sự nay đã ly tán khắp nơi, biết ai quay về nghề cũ, ai “một đi không trở lại”? Các gói cứu trợ mới ở “trên TV”, còn chính sách ban ra thì mỗi nơi áp dụng một khác và có thể thay đổi trong “một nốt nhạc”. Như vậy nếu không có sự hỗ trợ thực chất của nhà nước, ngành du lịch rất khó phục hồi.
Lò xo không thể “bị liệt”, vì bị liệt thì không phải là lò xo! Lò xo bị “chốt”, rút một rừng “chốt” ra thì nó bung thôi. Hội với thảo làm gì.
Tự cứu mình thôi. Thế giới cũng vậy. Nhưng chắc chắn phải thay đổi nhiều nếu muốn tồn tại phát triển lâu dài. VN ta tự hào có nhiều cảnh quan du lịch nổi tiếng, nhưng tư duy “mạnh ai nấy làm/ tưởng bở dễ ăn” nên cách làm du lịch tự phát, mỗi nơi mỗi kiểu, chụp giựt, thiếu chiều sâu, và quan trọng nhất là không bảo tồn được vẻ đẹp tự nhiên của bản sắc du lịch riêng có. Khách đến hay chưa chưa quan trọng, điều cốt lõi là trong tâm trí khách hàng lúc nào cũng lưu luyến đến VN.