Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch Sumatra – Đôi điều chia sẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch Sumatra – Đôi điều chia sẻ

Bài: Nguyễn Kim Oanh – Ảnh: Lệ Huyền

Các loại bánh phồng, khoai chiên được ưa thích từ thành thị đến nông thôn. Ảnh chụp ở Toba.

(TBKTSG Online) – Ngày nay, mọi người muốn tự túc thực hiện du lịch các nước Đông Nam Á cũng không khó mấy nếu trước khi đi chịu khó tìm hiểu kỹ thông tin lộ trình, địa lý, nhân văn các nơi đến; đặc biệt là nắm rõ thông tin chuyến bay hay xe, tàu… Kỳ cuối trong loạt bài 'Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia', chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc một số thông tin thiết thực và rất mong sẽ hữu ích với những ai đang có dự định lần đầu tự túc đến đảo quốc Indonesia.

Kỳ 1: >>> Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia.
Kỳ 2: >>> Một vòng quanh hồ núi lửa Toba.
Kỳ 3: >>> Lên cao nguyên Minangkabau.
Kỳ 4: >>> Mininjau – Viên ngọc bích trên đỉnh núi.
Kỳ trước: >>> Padang – thủ phủ Tây Sumatra.

Lần này chúng tôi đi Indonesia cũng vậy, qua Internet chúng tôi tìm được các thông tin chuyến bay như sau:
Từ TPHCM có nhiều hãng hàng không như Lion, Tiger Airways có đường bay trực tiếp từ TPHCM sang Jakata của Indonesia. Từ Jakata bay sang Medan, Padang, ngoài Lion, Tiger Airways còn có nhiều hãng hàng không khác như Batavia Air, Sriwijaya Air, Mandala Air, Garuda Indonesia… Những hãng hàng không này, hàng năm cũng có các đợt bán vé khuyến mãi.

* Công dân Việt Nam được miễn visa khi đến Indonesia và được ở lại trong vòng 30 ngày. Khu vực Đông Nam Á (khối ASEAN) có 11 quốc gia. Hiện chỉ còn 1 nước yêu cầu khách du lịch Việt Nam nhập cảnh phải xin visa là Timor Leste (Đông Timo).

* Đơn vị tiền tệ được sử dụng là đồng Rupiah (IDR). 1USD ≈ 9748 IDR. Theo trang coinmill.com (http://vi.coinmill.com/IDR_VND.html), ngày 04-12-2013: 10.000 IDR = 17.800 VND = 0,85 USD.

* Phương tiện đi lại tại Padang bao gồm: máy bay, tàu lửa, xe ô tô, xe buýt, xe taxi.

* Ngôn ngữ sử dụng là Bahasa Minangkabau, tiếng Minangkabau.

* Thời điểm tốt nhất đi du lịch Padang: từ tháng 4 đến tháng 10.

Hãng hàng không giá rẻ Air Asia có đợt bán vé khuyến mãi đi Indonesia trước 6 tháng cho tới một năm. Nhưng không có đường bay trực tiếp từ TPHCM sang Jakata hay các thành phố khác ở Indonesia mà hành khách phải quá cảnh ở Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), rồi từ đây có nhiều chuyến bay đi Medan, Padang…

Ngoài ra các bạn có thể bay trực tiếp từ Singapore hay từ  Bangkok (Thái Lan) sang Medan với hãng hàng không Tiger Airways.

Indonesia bao gồm hơn 13.000 hòn đảo, trong đó có hơn 6.000 đảo có người sinh sống, cho nên ẩm thực ở đất nước này rất đa dạng phong phú. Ẩm thực của Indonesia được phát triển dựa theo nét độc đáo riêng, dựa vào nguồn tài nguyên của từng vùng miền và chịu ít nhiều ảnh hưởng từ các nước xung quanh như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước cai trị trước đây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan.

Do chúng tôi đi du lịch ‘bụi’, tiết kiệm chi tiêu, nên thường chỉ ăn ở các hàng quán nhỏ, bình dân chứ không vào nhà hàng sang trọng nên chỉ  nói sơ qua một chút cảm nhận về món ăn bình dân và khẩu vị ở hòn đảo này. Còn rất nhiều món chúng tôi chưa có dịp thử qua nên cũng không thể đánh gía về ẩm thực của Indonesia. Nói cách khác, ‘biết tới đâu nói tới đó’ thôi.

Các món ăn ở Sumatra

Có vẻ như lối ăn uống của người dân Sumatra chịu ảnh hưởng bởi vùng Trung Đông, Ấn Độ với các loại rau và thịt nấu với cà ri như Gulai và cà ri Indonesia thường nấu với nước cốt dừa béo, Trung Quốc có món cơm chiên Nasi Goreng, là  món cơm chiên được bán khắp đảo Sumatra, thường chiên với trứng và ăn kèm với rau xà lách mà tôi có dịp ăn ở Bukittinggi.

Gà là món đặc sản của đảo này, do gà nuôi thả vườn nên thịt chắc thịt, nhưng đa phần ở quán ăn nào tôi cũng gặp mỗi món gà chiên sả. Kế tiếp là món bakso, một loại hủ tiếu bò viên giống ở Việt Nam, được bán hầu hết ở các thành phố Medan, Bukittinggi, hay Padang. Họ bán  thức ăn này bằng xe đẩy, hay bán trong quán, bán gánh đều có.

Món điểm tâm, mì Spaghetti kiểu Indo: ăn với mít non xào và trứng vịt bọc thịt chiên.
Món ca ri nấu mít non ở Toba.
Bakso (hoặc Baso) là món thịt bò viên hoặc làm từ thịt gà, cá, tôm vò viên. Bakso ăn với mì sợi, hoặc bihun (bún), rau muối, tàu hũ, trứng (bọc thịt bò), hoặc hoành thánh chiên.

Do đảo Sumatra là vùng tập trung dân số theo đạo Hồi, cho nên hầu như mọi người ở đây không ăn thịt heo. Chỉ có những khu người Hoa sinh sống thì mới có thịt heo. Và hầu hết người Indonesia không dùng đũa, chỉ ăn bốc bằng tay, kèm theo chén nước để rửa tay trước và sau khi ăn.

Món ớt sa tế xào với các loại rau củ.
Ớt xanh xào rau củ.
Một suất cơm đĩa gồm cá chiên sốt sa tế, ớt xanh xào, cà tím và cải xào.

Indonesia là quê hương của sate làm bằng ớt đỏ, vài món ăn bắt nguồn từ Indonesia ngày nay đã phổ biến khắp Đông Nam Á như các món như sa tế (satay), bò (rendang), và sambal (một loại tương ớt). Các món làm từ đậu nành, như đậu hũ (tahu) và tempeh (đậu nành lên men đóng thành miếng) cũng rất phổ biến ở Indo, nhưng chúng có vị chua khi ăn vào miệng và không được mịn màng như miếng đậu hũ ở Sài Gòn.

Tuy người Hoa chiếm thiểu số ở Indonesia, nhưng họ cũng góp phần làm cho ẩm thực nơi này thêm phong phú. Khi đi du lịch, nếu ăn món địa phương hoài nên chúng tôi đâm ra ngán, lúc đó chúng tôi thường hay vào khu người Hoa để ăn. Với những món như hủ tiếu, cơm, rau cải xào phần nào cũng dễ ăn vì khẩu vị nêm nếm vừa miệng.

Cà tím xào ớt sa tế.

Ở đảo Sumatra, các quán cơm bán cho người dân hay khách đi đường, hầu như mở cửa suốt ngày. Các món ăn bán ở quán cơm trên đảo này thường giống nhau, so với các nước trong khu vực thì khẩu vị của người Indo có vẻ ăn lạt (nhạt) hơn một chút, nên phải kèm theo nước chấm, nhưng họ rất thích ăn cay. Các quán ăn nào cũng có bán những món như ớt đỏ xào chung với các loại củ quả với cá, hay ớt đỏ sốt cá chiên, trứng chiên, cà tím xào sa tế… hoặc món cary, có khi là cary nấu mít non, ăn vào cũng lạ miệng như khi tôi ăn món này ở hồ Toba, người vùng này ít ăn rau xanh nhưng ăn nhiều loại củ, quả.

Indonesia là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới. Tầm quan trọng của lúa gạo trong văn hóa Indonesia được thể hiện qua lòng tôn kính Dewi Sri, nữ thần lúa ở Java và Bali.

Gạo là lương thực chính dùng trong mỗi bữa ăn quanh năm của người Indo. Món phổ biến nhất của gạo là nấu cơm trắng ăn kèm với các món ăn. Gạo còn được chế biến cho cả món mặn lẫn món ngọt. Như gói thành khối hình hộp tết bằng lá dừa gọi là món Ketupat; hoặc Lontong là món bánh gạo gói lá chuối, loại bánh này vỏ áo làm bằng bột gạo xoay nhuyễn, giống vỏ áo của bánh giò ở Việt Nam nhưng khi nấu chín bánh lớp vỏ ngoải không trong và mịn như vỏ bánh giò mà màu bột màu trắng sữa, ăn có vị lạt.

Một sạp bán các loại nông sản chiên, bánh phồng tôm chiên ở Bukittinggi.

Tuy nằm trong khu vực nhiệt đới, nhưng khí hậu Sumatra quanh năm mát mẻ, có nhiều cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ, thích hợp cho việc trồng cây ăn quả nhiệt đới như sầu riêng, bơ, quýt, bòn bon, ca cao, café, sắn, chuối xoài, cam hay trái mây… được trồng khắp nơi trên quần đảo Sumatra với chất lượng và giá cả ổn định nên khi qua đây, ngày nào chúng tôi cũng ăn những loại trái cây này. Và cũng giống như nhiều nước Đông Nam Á khác, trái sầu riêng là loại trái cây rất được người dân nơi này ưa thích, chúng được chế biến ra rất nhiều loại bánh, nhưng tôi chưa có dịp thử qua vì chỉ toàn ăn trái sầu riêng cũng cảm thấy hài lòng rồi.

Còn các mặt hàng nông sản cũng vậy, tươi tốt, dạo quanh các chợ ở mỗi thành phố chúng tôi không thấy thiếu món gì, các mặt hàng nào loại nào cũng tươi xanh. Và họ còn  dùng các loại nông sản này chế biến các loại bánh sấy khô, bánh phồng tôm chiên được bày bán rất nhiều tại các bến xe, các chợ và ăn rất vừa miệng. Đây là những món ăn vặt mà người Indo rất thích.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới