(KTSG Online) - Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (du lịch Vietravel), công ty sở hữu 100% vốn điều lệ của Vietravel Airlines đã thông qua chủ trương chuyển nhượng 55,58% cổ phần tại hãng hàng không này sang cho công ty mẹ là Vietravel Holdings.
- Vietravel Airlines bay nội địa hàng ngày trở lại sau sáu tháng tạm dừng
- Bỏ cách ly y tế tập trung với người nhập cảnh từ 1-1-2022
Trao đổi với KTSG Online vào hôm nay (17-12), ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, cho biết hồi cuối tháng 11 Vietravel Airlines có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng. Việc du lịch Vietravel chuyển nhượng 55,58% cổ phần tại Vietravel Airlines cho công ty mẹ là Vietravel Holdings không làm thay đổi định hướng và chiến lược kinh doanh của hãng hàng không.
"Mục tiêu của việc này chỉ là để tái cấu trúc lại hệ thống kinh doanh của Vietravel theo hướng tập đoàn", ông Kỳ nói.
Với việc tái cấu trúc, tập đoàn sẽ làm rõ từng mảng chuyên doanh theo từng ngành (công ty thành viên) dưới sự quản lý, điều phối và điều hành của Vietravel Holdings (giữ vai trò công ty mẹ theo định hướng chiến lược phát triển 2021-2025 và 2026-2030 đã được Đại hội cổ đông thông qua).
Vì vậy, Vietravel và Vietravel Airlines vẫn thuộc hệ sinh thái chung của tập đoàn, cùng hỗ trợ cho sự phát triển của Vietravel theo mô hình hàng không lữ hành theo định hướng ban đầu khi thành lập Vietravel Airlines.
Hôm 6-12, Vietravel Airlines đã bắt đầu mở bán vé cho các chuyến bay thường nhật trên tuyến TPHCM – Hà Nội và TPHCM – Phú Quốc để chính thức bay nội địa hàng ngày trở lại từ ngày 19-12 tới, sau 6 tháng phải dừng vì dịch.
Trong thời gian đầu, hãng sẽ bay với tần suất 1 chuyến/chặng/ngày, kỳ vọng đến cuối tháng 12 sẽ tăng thêm 1 chuyến/ngày cho chặng TPHCM – Hà Nội để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao hơn vào dịp cuối năm.
Cùng với đường bay thường nhật trong nước, Vietravel vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay thuê bao nội địa và quốc tế theo yêu cầu của khách hàng.
Theo ông Kỳ, cũng như tất cả các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không, Vietravel gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19 nhưng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn từ tháng 6-2022.
Trong những sự kiện về hồi phục du lịch gần đây, ông Kỳ đã nhiều lần đề nghị về việc Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và liên quan đến du lịch.
Theo đó, chính phủ nên bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng… vay với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động cũng như bảo trì, sửa chữa cơ sở vật chất đã xuống cấp vì không hoạt động trong thời gian dài.
Các cơ quan liên quan cần ban hành các chính sách với chế tài cụ thể cho việc khoanh nợ, giãn nợ hoặc hạ bậc tín dụng liên ngân hàng để các doanh nghiệp có thể “sống sót”.
Thêm vào đó là gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất đến hết năm 2022; giảm thuế giá trị gia tăng còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 16% trong vòng ba năm.
Với khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, nên gia hạn thời gian giãn nộp đến tháng 6-2022.