(KTSG Online) - Hàng ngàn tỉ đồng từ cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp đã chi ra để xây dựng và sử dụng hệ thống giám sát hành trình theo quy định pháp luật. Nghịch lý là dữ liệu từ hệ thống này trong nhiều năm qua lại chưa được sử dụng hiệu quả cho công tác quản lý và chế tài vi phạm.
- Buộc ô tô cá nhân gắn thiết bị giám sát để quản lý có cần thiết không?
- Sửa quy định thời gian lái xe liên tục qua thiết bị giám sát hành trình
Theo quy định hiện hành, tất cả xe kinh doanh vận tải đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình ghi nhận thông tin về hành trình xe, thời gian, tọa độ, tốc độ, thông tin về lái xe, thông tin về số lần và thời gian dừng, đậu xe... Toàn bộ dữ liệu này được truyền qua kết nối internet di động 4G/5G về Cục Đường bộ Việt Nam để quản lý. Dữ liệu này còn được lưu trữ dài hạn trên máy chủ của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình để cơ quan quản lý nhà nước tra cứu khi cần.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP, từ ngày 1-7-2023, xe ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera gồm xe khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo.
Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cả nước hiện có gần một triệu xe kinh doanh vận tải đã gắn thiết bị giám sát hành trình. Với giá bình quân 3-4 triệu đồng/thiết bị, chỉ riêng khoản chi phí mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã bỏ ra để mua thiết bị gắn cho xe là 3.000-4.000 tỉ đồng. Ngoài ra, từ năm thứ nhì sau khi gắn thiết bị, mỗi năm một triệu xe này còn phải đóng phí sử dụng dịch vụ từ 1 đến 1,5 triệu đồng/thiết bị, tức thêm từ 1.000-1.500 tỉ đồng phải chi ra.
Những con số hàng ngàn tỉ đồng này chưa tính đến chi phí đầu tư xây dựng hệ thống quản lý từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình.
Thế nhưng, dữ liệu giám sát hành trình đã được sử dụng để chế tài vi phạm ra sao trong thời gian qua, mà cụ thể là trong vụ tai nạn thảm khốc làm chết 5 người do tài xế nhà xe Thành Bưởi chạy quá tốc độ và vượt ẩu gây ra sáng 30-9 trên quốc lộ 20?
Sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng cho biết người tài xế gây tai nạn đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái 3 tháng về hành vi điều khiển ô tô khách chạy quá tốc độ(1).
Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu cung cấp dữ liệu giám sát hành trình của tất cả các xe kinh doanh vận tải lưu thông trên quốc lộ 20 cho công an hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.
Cũng sau khi tai nạn xảy ra, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải TPHCM kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải của nhà xe Thành Bưởi.
Tuy nhiên, vấn đề cần làm rõ là tại sao tình trạng vi phạm tương tự kéo dài trong nhiều năm qua, không chỉ trên quốc lộ 20, được thiết bị giám sát hành trình ghi nhận lại không được xử lý nghiêm khắc?
Cục Đường bộ Việt Nam là đầu mối quản lý dữ liệu giám sát hành trình nhưng không rõ đơn vị quản lý này đã có động thái gì trước dữ liệu cho thấy xe vi phạm tốc độ và tài xế bị tước bằng lái mà vẫn tiếp tục lái xe như bình thường?
Từ đầu năm 2018, tài xế lái xe có gắn thiết bị giám sát hành trình còn phải có thẻ định danh. Khi bắt đầu hành trình, tài xế phải đưa thẻ này vào máy đọc để nhận diện. Thế nhưng, dù có tính năng quản lý tài xế này, hệ thống giám sát hành trình đã không phát hiện và báo động về việc người lái xe đã bị tước bằng.
Trong trường hợp vừa nêu, chưa rõ hệ thống không được thiết kế tính năng báo động này hay không được thiết kế để có thể kết nối dữ liệu nhằm cập nhật với hệ thống của cảnh sát giao thông. Dù vì lý do nào, đây vẫn là một lỗ hổng lớn cần sớm khắc phục. Tính năng phải có là một khi bằng lái bị tước, hệ thống phải nhận được dữ liệu để khóa luôn thẻ lái xe cùng thời gian với tước bằng lái, không cho phép tài xế bị tước bằng được điều khiển xe.
Việc chế tài xử phạt các nhà xe vi phạm cũng rất hạn chế. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi trích xuất dữ liệu giám sát hành trình cho thấy đội xe 12 chiếc của một công ty xe khách ở tỉnh này chạy tuyến Quảng Ngãi - TPHCM vi phạm về tốc độ 6.131 lần chỉ trong một tháng.
Thế nhưng việc xử lý nhà xe này chỉ dừng ở mức tước phù hiệu xe kinh doanh và chỉ vài ngày thì nhà xe lại đăng ký và được cấp lại phù hiệu mới. Sở này cũng cho biết, do không có quy định xử phạt khác nên khi trích xuất dữ liệu phát hiện vi phạm thì chỉ tước phù hiệu xe kinh doanh và như vậy là đã "làm hết trách nhiệm"(2).
Qua những trường hợp thực tế nêu trên có thể thấy, dữ liệu giám sát hành trình hiện nay chưa được sử dụng nhiều trong quản lý và chế tài vi phạm giao thông của doanh nghiệp vận tải. Điều bất hợp lý này tồn tại kéo dài nhiều năm nhưng dường như các cơ quan chức năng quản lý giao thông không có động thái quyết liệt nào để sửa đổi.
Tài xế gây tai nạn và doanh nghiệp vận tải là nhà xe Thành Bưởi phải chịu trách nhiệm là đương nhiên nhưng đó chỉ mới một phía.
Nếu chỉ xử lý tài xế và nhà xe mà phía cơ quan quản lý nhà nước về giao thông không thay đổi quy định chế tài xử phạt, không có cách ngăn ngừa quyết liệt hơn từ dữ liệu vi phạm giao thông thì nguy cơ tai nạn tương tự vẫn tiếp diễn.
Với hàng ngàn tỉ đồng đã tiêu tốn mà hệ thống thu thập dữ liệu giám sát hành trình nếu chưa được sử dụng hiệu quả cho công tác quản lý cũng như chế tài vi phạm thì mục tiêu quản lý về giao thông vận tải thông qua phương thức này chưa được như mong muốn đặt ra, vừa là sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội.
-----------------------
(2) https://tuoitre.vn/xe-khach-chay-qua-toc-do-6-000-lan-1-thang-bo-tay-20231002124735932.htm
Tại sao không sử dụng camera nhận dạng lái xe. Phát hiện hành vi lái xe buồn ngủ, say xỉn. Camera ghi nhớ các lái xe có bằng hợp pháp ngồi sau vô lăng. Năm phút, mười phút quét một lần.