(KTSG) - Mở kho dữ liệu chính phủ đang là xu hướng toàn cầu và khó có thể đảo ngược nếu không muốn đứng bên lề trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, khái niệm về dữ liệu mở vẫn còn xa lạ đối với phần đông công chúng. Vậy dữ liệu mở là gì và nó mang đến thời cơ, thách thức gì cho chúng ta? Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ thế giới về dữ liệu mở?
Mở kho dữ liệu chính phủ - xu thế không thể đảo ngược
Thế giới đang được thiết kế lại bằng những công nghệ mới và dữ liệu đang là nhiên liệu chủ yếu cho cả tiến trình này. Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc vì sự phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu - chiếc chìa khóa để ra các quyết định hiệu quả và hành động đúng đắn vì mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong đó, nguồn dữ liệu khổng lồ và sẵn có của chính phủ trong rất nhiều lĩnh vực trở thành tâm điểm, là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho các bên có liên quan sử dụng cho nhiều mục đích nhằm tạo ra các giá trị xã hội.
Có lẽ vì vậy, tư duy chia sẻ dữ liệu đang dần được hình thành trên bình diện toàn cầu dưới sự hiện diện của dữ liệu mở. Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, dữ liệu mở là dữ liệu được công bố rộng rãi cho công chúng để tự do sử dụng, tái sử dụng, phân phối, chia sẻ (như dữ liệu về dân cư, địa lý, giao thông, y tế...).
Dữ liệu mở mang theo đặc tính sẵn sàng về mặt pháp lý lẫn kỹ thuật để các bên liên quan dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Theo đó, cơ chế cấp phép dưới dạng giấy phép mở sẽ được áp dụng và dữ liệu tồn tại dưới những định dạng máy có thể đọc được, con người có thể sử dụng được thông qua những công cụ phần mềm có sẵn miễn phí.
Thay vì bảo mật và độc quyền về dữ liệu, các chính phủ đang lần lượt thay đổi cách tiếp cận để xây dựng chiến lược, cơ chế để chia sẻ dữ liệu cho công chúng thông qua cơ sở dữ liệu chính phủ mở. Qua đó, quyền tiếp cận thông tin của công dân được thực thi dễ dàng và rõ nét hơn.
Theo kết quả khảo sát của Liên hiệp quốc, kể từ năm 2014, phát triển các chỉ số về dữ liệu mở của chính phủ đã trở thành xu hướng toàn cầu. Nếu năm 2014 chỉ có 46 quốc gia có cổng thông tin dữ liệu mở thì con số này đã tăng lên 153 vào năm 2020, trong đó có đến 114 quốc gia đã xây dựng chính sách dữ liệu chính phủ mở.
Con đường trải “hoa hồng”...
Triết lý cốt lõi của các sáng kiến dữ liệu mở của chính phủ đó là đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân và những gì mà nhà nước có được từ ngân sách thì phải dùng để phục vụ người dân. Do vậy, dữ liệu mà chính phủ thu thập, xử lý cần được chia sẻ lại cho các bên liên quan để cùng sử dụng, kiến tạo nên các giá trị xã hội.
Chia sẻ dữ liệu cũng chính là một trong những hoạt động thiết thực của một chính phủ kiến tạo trong nền kinh tế số, xã hội số. Có vô vàn thứ được kiến tạo từ sự tác động của dữ liệu mở đối với ba trụ cột của mỗi quốc gia: chính trị, kinh tế và xã hội.
Dữ liệu mở không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào để chia sẻ thông tin. Dữ liệu mở chỉ thật sự mở khi có được một tư duy mở và thể chế mở từ bộ máy công quyền. Chấp nhận chia sẻ dữ liệu là sẵn sàng bị giám sát và buộc phải minh bạch.
Dữ liệu mở giúp cho việc phân tích sử dụng dữ liệu của chính phủ trở nên tối ưu và tránh lãng phí. Bằng chứng tại 23 chính phủ ở châu Âu cho thấy, chi phí hành chính có thể được tiết kiệm lên đến 15-20%, tương đương khoảng 150-300 tỉ euro.
Dữ liệu mở cũng cung cấp phương tiện để chính phủ hoạch định và ban hành chính sách tốt hơn dựa trên bằng chứng là đầy đủ các nguồn thông tin đáng tin cậy.
Đồng thời với đó, các lợi ích tiềm năng khác liên quan đến dữ liệu mở bao gồm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình với công chúng, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của công chúng vào quá trình hoạch định, đánh giá chính sách và thực thi quyền giám sát. Cơ chế cung cấp dữ liệu mở thông qua một cổng thông tin trực tuyến cũng làm giảm thời gian và nguồn lực liên quan đến các yêu cầu thông tin của công chúng. Do vậy, dữ liệu mở là tiền đề cho việc xây dựng chính phủ số, tiến đến chính phủ mở với sự tham gia mạnh mẽ của các bên liên quan.
Về phần mình, công chúng được hưởng lợi trực tiếp từ các dữ liệu được chia sẻ. Các doanh nghiệp có dữ liệu để xây dựng các ý tưởng và lên các kế hoạch kinh doanh. Những ý tưởng đổi mới sáng tạo được kích hoạt có thể dẫn đến việc cung cấp các dịch vụ phù hợp với nhu cầu của các nhóm cụ thể, bao gồm cả những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Các nhà khoa học có thông tin đầu vào chính xác để tạo ra những tri thức mới giải quyết các vấn đề xã hội và chính các tri thức được tạo ra lại trở thành một phần trong kho dữ liệu để phục vụ công chúng. Bên cạnh đó, dữ liệu mở cũng là một động lực thúc đẩy cho sự phát triển của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, máy học…
Thực tiễn tại châu Âu cho thấy, dữ liệu mở đã trực tiếp và gián tiếp tạo ra hàng ngàn việc làm. Theo một báo cáo của EU, trong khu vực tư nhân, chỉ tính riêng năm 2017, đã có khoảng 80.000 công việc mới liên quan đến dữ liệu mở được tạo ra. Việc áp dụng dữ liệu mở trong giao thông có thể làm cho công chúng tiết kiệm được 629 triệu giờ chờ đợi không cần thiết trên đường.
Chẳng những thế, dữ liệu mở về giao thông còn góp phần cứu sống được 1.425 mạng người mỗi năm (tương đương 5,5% số ca tử vong trên đường ở châu Âu). Tại Nhật Bản, dữ liệu mở về thiên tai đã giúp cho cộng đồng các công ty công nghệ tạo ra hơn 50 ứng dụng giải quyết các vấn đề liên quan đến thiên tai.
...nhưng cũng đầy “gai nhọn”
Tuy nhiên, dữ liệu mở không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào để chia sẻ thông tin. Dữ liệu mở chỉ thật sự mở khi có được một tư duy mở và thể chế mở từ bộ máy công quyền. Chấp nhận chia sẻ dữ liệu là sẵn sàng bị giám sát và buộc phải minh bạch. Dữ liệu mở thúc đẩy sự minh bạch và chính sự minh bạch lại là động lực của chính sách về dữ liệu mở.
Chính vì vậy, điều tiên quyết để có thể xây dựng chiến lược quốc gia và chính sách về dữ liệu mở là phải thay đổi tư duy quản trị của các nhân viên công lực ở tất cả các cấp và cơ chế giám sát quốc gia trong việc thực thi chiến lược.
Do đó, nâng cao nhận thức về vai trò của dữ liệu mở và năng lực của bộ máy chính quyền về dữ liệu là bước đầu tiên phải tiến hành trong chiến lược quốc gia về dữ liệu mở. Nhân viên công lực cần xem việc chia sẻ dữ liệu với công chúng là một động lực làm việc vì những tác động tích cực đối với chính họ và xã hội.
Điều này không cho phép một thái độ chây ỳ và tư tưởng bảo thủ trong việc duy trì các phương thức làm việc cũ, nếu không công việc này sẽ trở nên hình thức, đối phó và trở thành một gánh nặng phát sinh bên cạnh những công việc truyền thống. Khi đấy, công chúng tiếp cận được dữ liệu mở nhưng không mở được giá trị dữ liệu vì dữ liệu thiếu tính khả dụng.
Bên cạnh đó, nguy cơ về an toàn dữ liệu và các lỗ hổng trong quản trị dữ liệu là hiện hữu. Hầu hết các quốc gia đều phải giải quyết bài toán về việc xác định điểm cân bằng giữa những lợi ích có được từ dữ liệu mở với những rủi ro, chi phí từ bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và an ninh dữ liệu quốc gia. Thực tiễn cho thấy, các hành vi tấn công và vi phạm bảo mật dữ liệu của chính phủ luôn diễn ra trên phạm vi toàn cầu, điều này có thể được công khai hoặc không.
Những thiệt hại kinh tế và xã hội từ các vụ vi phạm bảo mật dữ liệu là rất lớn. Tại Mỹ, ước tính chi phí trung bình cho một vụ vi phạm bảo mật dữ liệu có thể vượt qua con số 150 triệu đô la Mỹ năm 2020 và có thể lên đến 2.100 tỉ đô la Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
Hơn nữa, dữ liệu mở cũng có thể làm tăng nguy cơ vi phạm quyền riêng tư của người dân thông qua các hệ sinh thái dữ liệu mang tính trọn đời nếu thiếu khung pháp lý về bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân trong việc thu thập, xử lý dữ liệu.
Tựu trung, dữ liệu mở có thể sẽ mở ra cho các quốc gia rất nhiều cơ hội đi kèm những thách thức nhưng đây là xu thế không thể đảo ngược. Từ năm 2020, Liên hiệp quốc đã tiến hành đánh giá và xếp hạng chỉ số dữ liệu chính phủ mở toàn cầu để cung cấp bức tranh tổng thể về tiến trình mở kho dữ liệu của các quốc gia.
Theo đánh giá này, Việt Nam đang nằm trong nhóm có chỉ số trung bình với thứ hạng 97/193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc. Tuy có một vị trí khá khiêm tốn, nhưng chúng tôi cho rằng Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên đúng hướng. Mặc dù vậy, để dữ liệu mở thật sự “mở”, chính phủ cần phải nhanh chóng xác định được tầm nhìn chiến lược quốc gia về dữ liệu mở.
-------------
(*) Công ty Luật Thắng và các đồng nghiệp
(**) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM