Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dự luật Thuế bảo vệ môi trường: Chưa nhằm đúng mục tiêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự luật Thuế bảo vệ môi trường: Chưa nhằm đúng mục tiêu

Tấn Đức

(TBKTSG) - Dự luật Thuế bảo vệ môi trường, đang được các đại biểu Quốc hội xem xét và thảo luận, với mục tiêu chính là khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của xã hội, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải.

>> Thuế có cứu nổi môi trường?

Thế nhưng, cơ quan soạn thảo lại lo ngại việc đánh thuế sẽ làm suy giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, nên chỉ đưa vào dự thảo năm nhóm đối tượng chịu thuế là xăng dầu, than, túi nhựa xốp, môi chất làm lạnh (HCFC) và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Đồng thời, phạm vi áp dụng cũng chỉ giới hạn đối với sản phẩm tiêu dùng trong nước. Với đối tượng chịu thuế và phạm vi áp dụng giới hạn như vậy, khó mà hy vọng dự luật này sẽ mang lại thay đổi nào đó đáng kể cho vấn nạn môi trường ở Việt Nam.

Có thể thấy, dự luật này chủ yếu hướng vào mục đích giảm khí thải khi đưa xăng, dầu và than đá và môi chất làm lạnh vào diện chịu thuế. Trong khi đó, việc gây ô nhiễm nguồn nước, nhất là nước thải công nghiệp, mới là vấn đề nổi cộm và bức xúc nhất hiện nay, thì gần như chưa được đề cập tới trong dự thảo. Theo giải thích trong tờ trình của Chính phủ, sở dĩ đối tượng này không được đưa vào diện điều chỉnh của dự luật, là do người sản xuất đã phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và chất thải rắn. Đồng thời, người sản xuất cũng phải có trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định. Thế nhưng, cơ quan soạn thảo lại thừa nhận: “Các loại phí hiện nay có tính pháp lý thấp, mức thu thấp nên tác dụng còn chưa mạnh. Vì vậy cần thiết phải xây dựng chính sách thuế riêng để thu vào các sản phẩm gây ô nhiễm…”. Bên cạnh đó, dù luật lệ hiện hành buộc người sản xuất phải xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường, nhưng do quy định về chế tài, xử phạt còn quá nhẹ, chủ yếu là phạt hành chính, nên hiệu quả rất hạn chế.

Một trong những mục tiêu của dự luật thuế này là khuyến khích phát triển kinh tế đi đôi với giảm ô nhiễm môi trường, nhưng lại không đưa các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vào đối tượng điều chỉnh, vì lo ngại ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Rõ ràng, quy định loại trừ chẳng những không thể ngăn ngừa, mà còn gián tiếp mở đường cho các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm nặng sử dụng Việt Nam làm địa bàn sản xuất hàng xuất khẩu, để lại gánh nặng về môi trường cho cộng đồng địa phương, mà Vedan là một trong những ví dụ điển hình.

Trở lại với các nhóm sản phẩm được đưa vào đối tượng chịu thuế. Với xăng, dầu, mức thuế thấp nhất trong khung dự thảo tương đương với phụ phí xăng, dầu hiện nay và cao nhất đối với xăng là 4.000 đồng/lít và dầu là 2.000 đồng/lít. Khi luật thuế này có hiệu lực, thì các phụ phí sẽ được bãi bỏ. Vấn đề đặt ra là nếu áp dụng thuế theo mức sàn, thì tác dụng của luật chẳng có gì khác so với hiện nay, nhưng nếu đánh thuế cao, nhất là với sản phẩm dầu diesel, sẽ làm tăng cước phí vận tải hiện đã rất cao. Ngoài ra, đánh thuế nặng có thể thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển từ dầu sang sử dụng than làm nhiên liệu đốt. Khi đó, ô nhiễm do khí thải chẳng những không giảm, mà còn trở nên nặng nề hơn.

Với mặt hàng than, tuy mức thuế không cao, chỉ trong khoảng 6.000- 30.000 đồng/tấn, nhưng việc áp đặt loại thuế này có nguy cơ gây ra những phản ứng phụ bất lợi cho nền kinh tế. Ngành điện đang là khách hàng tiêu thụ than lớn nhất và nhu cầu than của ngành này còn tăng mạnh trong tương lai. Hiện nay, giá thành của nhiệt điện chạy than khá cao, còn giá bán điện lại bị khống chế, nên chưa thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài. Nếu than tiếp tục bị đánh thuế môi trường, chắc chắn ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư của nhiệt điện chạy than và việc thu hút đầu tư vào phát triển loại nguồn điện này sẽ càng khó khăn hơn, từ đó tác động xấu đến khả năng đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế.

Ngoài ra, mục tiêu kích thích tiết kiệm, sử dụng năng lượng có hiệu quả mà dự luật đưa ra cũng khó mà đạt được, do cách tính thuế ít nhiều còn mang tính cào bằng. Đương nhiên, những doanh nghiệp nào sử dụng nhiều xăng, dầu, than hơn thì phải nộp thuế nhiều hơn, nhưng rõ ràng việc đánh thuế lên tất cả đối tượng tiêu dùng, bất kể hiệu quả cao hay thấp, sẽ làm giảm tác dụng khuyến khích đổi mới công nghệ, tái cơ cấu theo hướng giảm dần các ngành, công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng, vốn đang là một trong những bất cập lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Vì vậy, cần đưa vào dự luật những quy định về chính sách miễn giảm thuế đối với những trường hợp có hiệu quả sử dụng năng lượng cao, ít nhất là đối với một số ngành sử dụng nhiều than, xăng dầu. Chỉ khi doanh nghiệp thấy lợi ích mang lại từ việc đầu tư công nghệ hiện đại vượt trội so với mua những máy móc, công nghệ rẻ tiền nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng, thì Việt Nam mới có hy vọng giải quyết được tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới