Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dư nợ margin tăng vọt – nguy cơ đang lớn dần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dư nợ margin tăng vọt – nguy cơ đang lớn dần

Bình An

(KTSG) – Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua tiếp tục giao dịch tích cực khi VN-Index tăng tới 54 điểm, tương đương 4,1%, lên mức 1.374 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng lần lượt tăng 6,2% và 5,2%. Dòng vốn nội đang ùn ùn đổ vào thị trường cùng với dư nợ cho vay margin tăng vọt.

Dư nợ margin tăng vọt - nguy cơ đang lớn dần
Dòng tiền nội đang tỏ ra quá mạnh, giúp VN-Index liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.Ảnh: HOÀNG TÂN

Dù thị trường đi lên không ngừng nghỉ nhưng dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng rất mạnh. Tính chung cả thị trường, khối ngoại mua vào 160 triệu cổ phiếu, trị giá 7.267 tỉ đồng, trong khi bán ra 269,5 triệu cổ phiếu, trị giá 13.435 tỉ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức gần 110 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng ở mức gần 6.168 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây là mức bán ròng kỷ lục của dòng vốn này trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nếu tính theo tuần.

Tâm điểm bán ròng của khối ngoại tuần qua tập trung vào hai mã cổ phiếu HPG và MBB, trong đó, HPG bị dòng vốn này “xả” ròng lên đến hơn 3.364 tỉ đồng. MBB cũng bị bán ròng trên 1.121 tỉ đồng. Tiếp đến là VIC với giá trị bán ròng là 636 tỉ đồng. Ở chiều ngược lại, PLX được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị ở mức 234 tỉ đồng.

Việc khối ngoại bán ròng mạnh liên tục đã không còn là mối lo lớn đối với nhà đầu tư trong thời gian gần đây do dòng tiền nội đang tỏ ra quá mạnh, gần như “cân” được hết lượng hàng khối ngoại bán ra, thậm chí còn có phần lấn lướt, qua đó giúp VN-Index liên tục chinh phục những đỉnh cao mới. Điều này được thể hiện rõ nét qua số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong năm tháng đầu năm nay, trung bình gần 100.000 tài khoản mới/tháng, gấp gần 4 lần mức trung bình của cùng kỳ năm 2020. Tính tới cuối tháng 5-2021, số lượng tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam đã ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.

Về quy mô giao dịch, theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 5-2021, giá trị giao dịch bình quân của TTCK Việt Nam đạt 26.178 tỉ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng 4. Còn tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân của thị trường đạt 21.214 tỉ đồng/phiên, tăng 186% so với bình quân năm 2020.

Tính đến cuối tháng 5-2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt 6,4 triệu tỉ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP.

Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường chứng khoán phái sinh cũng ghi nhận diễn biến rất tích cực. Từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trái phiếu chính phủ đạt 11.574 tỉ đồng/phiên, tăng 11,4% so với năm 2020. Còn trên TTCK phái sinh, tính chung từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 182.654 hợp đồng/phiên, tăng 16% so với bình quân năm trước.

Đi cùng với mức thanh khoản gia tăng mạnh, thể hiện qua những phiên giao dịch với giá trị “tỉ đô” thường xuyên xuất hiện, số dư nợ vay margin cũng đã lên mức cao kỷ lục. Cũng theo số liệu tử Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính tới thời điểm 31-5-2021, dư nợ cho vay margin toàn thị trường đã đạt 112.000 tỉ đồng, tăng 31.200 tỉ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10.700 tỉ đồng so với cuối quí 1-2021. Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (gấp 2 lần vốn chủ sở hữu). Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù dư nợ margin vẫn trong khả năng kiểm soát, tuy nhiên, việc con số này tăng liên tục và dự báo còn tăng nữa sẽ dẫn đến khả năng các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay margin là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền vào thị trường.

Bên cạnh đó, việc VN-Index liên tục tăng điểm mạnh cũng đang khiến cho chỉ số so sánh tương đối P/E (chỉ số giá/thu nhập của cổ phiếu) của TTCK Việt Nam dần trở nên “đắt đỏ”. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tính đến ngày 25-5-2021, P/E trượt (forward) bốn quí gần nhất của VN-Index đã đạt 17,8x. Theo đó, định giá thị trường hiện không còn thấp (nhưng cũng không phải quá cao). Với kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, ước tính chỉ số P/E trượt cả năm 2021 của VN-Index sẽ giảm xuống mức 16,5x, tương đương với mức P/E trung bình năm năm gần đây.

Trong tháng 6, một số yếu tố có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường như: một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu đã sẵn sàng mở cửa hoàn toàn trở lại, giúp triển vọng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện; khả năng dần kiểm soát được dịch bệnh trong nước của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, một số rủi ro đối với thị trường vẫn tồn tại như: tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đối với triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quí 2-2021; rủi ro lạm phát tăng dần và cuối cùng là dư nợ margin thị trường đang ở mức khá cao, tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh của dòng tiền. Về các ngành chiến lược, bên cạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn, một số cổ phiếu vốn hóa trung bình thuộc các ngành thép, bất động sản, dịch vụ tài chính, dệt may và thủy sản được dự báo sẽ là những nhóm thu hút được dòng tiền trong tháng 6. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới