Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự phòng mức tăng lãi suất và tăng giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự phòng mức tăng lãi suất và tăng giá

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Trong bối cảnh hiện nay, việc dự phòng tăng lãi suất và tăng giá (tức tính toán trước các xu hướng và mức gia tăng lãi suất và giá) có vai trò quan trọng trong đời sống doanh nghiệp nói chung, đặc biệt trong quản trị tài chính của doanh nghiệp nói riêng.

Điều này xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, xu hướng lạm phát cao, kéo dài sẽ tất yếu kéo theo xu hướng tiếp tục gia tăng giá các hàng hóa và dịch vụ, trong đó có lãi suất là giá cả của đồng vốn. Hơn nữa, theo nguyên tắc bảo đảm lãi suất thực dương để kiềm chế lạm phát thì lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới cho đến khi lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đạt xấp xỉ hoặc vượt mức lạm phát thực tế.

Thứ hai, trong bối cảnh mở rộng trần lãi suất, cũng như sự linh hoạt hóa trong quản lý tiền tệ sẽ xuất hiện tình trạng đa dạng hóa các mức giá và lãi suất khác nhau trên thị trường. Điều này đòi hỏi và cho phép doanh nghiệp liên tục tìm kiếm các cơ hội thị trường mới, tránh lệ thuộc cứng nhắc vào một đối tác, một mức giá.

Thứ ba, việc chủ động dự phòng tăng giá và lãi suất còn cho phép doanh nghiệp, một mặt, chủ động hơn với việc xây dựng và triển khai các kế hoạch tài chính kinh doanh, các phương án xử lý về giá và lãi suất, trong nội bộ hoặc với các đối tác, nhất là chủ động về nguồn vốn và chi phí sản xuất, tạo sự ổn định trong triển khai các kế hoạch kinh doanh, bảo đảm lợi nhuận.

Mặt khác, doanh nghiệp có thể tính toán để chủ động giảm giá, tạo sức và lợi thế cạnh tranh mới so với các đối thủ để thu hút các khách hàng và đối tác tiềm năng mới, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

Trên tinh thần đó, để chủ động dự phòng tăng giá và lãi suất một cách tích cực trong bối cảnh lạm phát cao còn tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp cần triển khai các biện pháp “cả gói” thích ứng tùy điều kiện và năng lực thực tế, cũng như mục tiêu và kế hoạch của mỗi doanh nghiệp, trong đó ưu tiên tập trung vào các khía cạnh nội dung sau:

Trước hết, cần có sự chuẩn bị trước cơ sở vật chất và nhân lực nhằm nắm bắt thông tin cập nhật và dự báo chính xác các động thái thị trường, nhất là về xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá cũng như tăng lãi suất trên thị trường để chủ động xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạnh kinh doanh tài chính, hoặc thương lượng với các đối tác về giá cung ứng và tiêu thụ hàng  hóa dịch vụ, tránh bị động hoặc chịu thua thiệt quá mức trong kinh doanh.

Trong thời gian trước mắt, việc dự trù tăng giá và lãi suất với mức trên dưới 20%/năm là có thể chấp nhận được cho cả hai bên doanh nghiệp và khách hàng – đối tác của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần chủ động đa dạng hóa giá cả, lãi suất và các đối tác, tìm kiếm các nguồn vốn mới giá rẻ, theo hướng giữ chữ tín thương trường, ưu tiên những đối tác chiến lược, có triển vọng lâu dài và có mức giá hấp dẫn hợp lý cho các bên có liên quan.

Ngoài ra, cần chủ động tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, từ đó giúp chủ động giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trong cung ứng các hàng hóa và dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, giành và giữ được các đối tác, các thị trường mới, có tiềm năng.

Trong quá trình trên, doanh nghiệp cũng nên tránh những sai lầm phải trả giá đắt do sự thụ động, buông xuôi được chăng hay chớ, lẫn do không đủ tỉnh táo, cảnh giác trước các tin đồn và cả do sự quá tự tin cảm tính, định kiến và bảo thủ của chính mình.

TS. NGUYỄN MINH PHONG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới