(KTSG Online) - Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (gọi tắt là Luật giáo dục đại học). Trong đó, có quy định cơ quan quản lý trực tiếp sẽ bổ nhiệm hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập.
- Giáo dục STEM thúc đẩy kinh tế tri thức
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT 2023
Theo Baochinhphu.vn, mục đích của dự thảo là để phân cấp quản lý, tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện tự chủ đối với đào tạo đại học và đồng bộ với một số văn bản hiện hành.
Dự thảo xác định cụ thể cấp có thẩm quyền để bổ nhiệm, công nhận đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập là cơ quan quản lý trực tiếp. Trước đó, văn bản hiện hành chưa có quy định về thẩm quyền này thuộc hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp.
Như vậy, cơ quan quản lý trực tiếp sẽ quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong trường hợp trường đại học mới được thành lập hoặc trường đại học đã khuyết hiệu trưởng quá 6 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng đến cơ quan quản lý trực tiếp.
Việc này sẽ duy trì cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường.
Về thành phần tập thể lãnh đạo, một cơ sở đại học gồm có ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng), các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.
Tập thể lãnh đạo sẽ làm việc theo nguyên tắc là quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định sẽ theo ý kiến của bên có người chủ trì.
Trong dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa vào quy định là thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, kể cả đại diện của cơ quan quản lý trực tiếp.
Để đảm bảo phát huy được quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, dự thảo nghị định có quy định là số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học.
Dự thảo cũng điều chỉnh một số quy định khác như giảm tỷ lệ phần trăm tổng số viên chức, người lao động của trường đại học tham dự hội nghị đại biểu bầu thành viên hội đồng trường từ trên 50% xuống tối thiểu 20%.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường và thành viên hội đồng trường; bổ sung quy định về thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường; quy định cụ thể về điều kiện thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học, điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học…