Dự thảo Nghị định về quản lý casino và trò chơi điện tử có thưởng: Hợp pháp hóa đánh bạc?
Minh Khuê
![]() |
Sòng bài trong một khách sạn ở TPHCM - Ảnh: Mộng Bình. |
(TBKTSG) - Tháng 10 vừa rồi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định bao gồm cho phép cả kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và casino. Liệu việc ban hành một chính sách mới với quan điểm, định hướng quản lý chưa rõ ràng là có nên không?
Những quy định pháp luật “đá nhau”
Luật pháp Việt Nam từ trước đến nay vẫn cấm đánh bạc vì đây là trò chơi mang tính rủi ro cao, không tốt cho người chơi. Thế nhưng trong những năm gần đây luật pháp đang có những điều chỉnh dần cho phép kinh doanh một số hình thức cờ bạc. Luật Hình sự cũng đã sửa đổi từ tội “tổ chức đánh bạc, gá bạc” thành tội “tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép”, như vậy là nếu xin phép được thì vẫn có thể tổ chức đánh bạc, gá bạc.
Pháp luật về kinh doanh cũng hạn chế kinh doanh ngành nghề này. Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn (trước đây là Nghị định 139, nay là Nghị định 102/2010) cũng đưa vào danh mục cấm kinh doanh hoạt động “tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép”. Theo Luật Thương mại và văn bản hướng dẫn (Nghị định 59/2006 và Nghị định 43/2009), việc tổ chức đánh bạc, gá bạc dưới mọi hình thức nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng không có trong danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài trong Nghị định 108/2006 hướng dẫn Luật Đầu tư.
Trong cam kết WTO, Việt Nam không cam kết mở cửa toàn bộ dịch vụ đánh bạc và cá cược (CPC 96492) mà chỉ cam kết dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng (CPC 964) và không cam kết phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới. Ở trong nước, từ năm 2003, Thủ tướng đã cho phép kinh doanh một số trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài (Quyết định 32/2003/QĐ-TTg) và đến nay quyết định này vẫn còn hiệu lực.
Những quy định này cho thấy sự không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, không biết quy định nào điều chỉnh hoạt động đánh bạc, gá bạc, chưa có văn bản nào quy định cụ thể các hình thức đánh bạc, gá bạc, điều kiện để được phép hoạt động. Trong khi đó, trước nhu cầu thực tế, sắp tới Chính phủ sẽ cho phép một số hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, casino, cá cược thể thao…
Thực tế vẫn diễn ra đánh bạc...
Cho dù pháp luật quy định thế nào, nhưng nhiều trò chơi có tính cờ bạc vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Ví dụ như chơi xổ số đã được hợp pháp hóa từ lâu (Nghị định 30/2007); đặt cược dưới các hình thức thi đấu thể thao vẫn diễn ra mà không dựa vào căn cứ pháp lý nào như cược đua ngựa ở TPHCM hay cá cược đua chó ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Thậm chí casino dành cho người nước ngoài cũng được phép mở từ lâu, ví dụ như ở Đồ Sơn, Hải Phòng và mới đây là ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trên thực tế nhiều hình thức trò chơi điện tử có thưởng, có tính chất casino đã được cho phép tiến hành tại nhiều tỉnh, thành phố. Đến nay, cả nước có đến 44 điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Một số tỉnh còn kêu gọi đầu tư các dự án lớn, trong đó có dịch vụ có tính cờ bạc như ở Phú Quốc, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cá cược thể thao, nhất là cá cược bóng đá từ lâu đã trở thành một nhu cầu trong xã hội, vẫn đang diễn ra phi pháp nhưng sắp tới cũng sẽ được hợp pháp hóa bằng một nghị định của Chính phủ.
Hiện nay, cờ bạc vẫn tồn tại trong cuộc sống dưới nhiều hình thức, hấp dẫn người chơi bằng hy vọng có nhiều tiền nhờ vào may mắn, dễ bị sa đà, dễ bị tổn thất về tài chính cá nhân. Tác động xã hội của cờ bạc rõ ràng là không tốt, không nên khuyến khích. Tuy nhiên, một lực hấp dẫn khác dường như khó cưỡng lại là việc cho phép kinh doanh cờ bạc sẽ mang đến nguồn thu cho Nhà nước (nếu thu thuế được) và các tổ chức kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, quan điểm quản lý của Nhà nước đối với loại dịch vụ này lại không rõ ràng, một số quy định thì cấm, vi phạm thì xử lý hình sự, nhưng một số loại lại được phép hoạt động một cách hợp pháp, một số loại cờ bạc núp bóng lễ hội, trò chơi thể thao vẫn công khai diễn ra.
Sẽ cho phép cả trò chơi điện tử có thưởng và casino
Tháng 10 vừa rồi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định bao gồm cho phép cả kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và casino. Theo giải trình của Bộ Tài chính thì casino là các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích phát triển và cần quản lý chặt chẽ, chỉ mở cửa dần để thu hút du lịch. Thế nhưng các điều kiện để được phép kinh doanh dịch vụ này lại khá dễ dàng, ngoài các điều kiện như kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, chỉ cần Thủ tướng chấp thuận về khả năng thu hút du lịch, chấp thuận về số máy chơi.
Điều kiện kinh doanh casino là phải cung cấp dịch vụ này trong cơ sở lưu trú du lịch 5 sao hoặc cao cấp nhằm phục vụ khách du lịch là người nước ngoài. Các cơ sở đang kinh doanh không đủ điều kiện này thì chỉ cần có cam kết sẽ thực hiện điều kiện này trước năm 2020. Đây là một quy định không công bằng đối với các nhà đầu tư và nó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu quy định này được ban hành thì doanh nghiệp có thể yên tâm kinh doanh casino trong 10 năm nữa mà không cần phải theo điều kiện cơ bản này.
Thiếu chế tài…
Hiện nay, ranh giới giữa trò chơi và cờ bạc chưa được làm rõ và rất mong manh nên việc quản lý hoạt động kinh doanh cờ bạc cần được quản lý chặt chẽ, có chế tài quản lý cả doanh nghiệp và người chơi. Thế nhưng, dự thảo của Bộ Tài chính vẫn chưa có biện pháp nào quản lý cụ thể. Các điều kiện quản lý trong quá trình hoạt động cũng khá thoải mái, cơ sở kinh doanh được hoạt động 24 giờ trong tất cả các ngày, cũng như chưa có các quy định nhằm quản lý chặt chẽ người chơi và việc thu thuế như: mở tài khoản, làm thẻ có gắn chíp… Còn việc chế tài đối với doanh nghiệp hoàn toàn chưa có, mà dự kiến sẽ được ban hành trong một văn bản khác.
Như vậy, việc ban hành một chính sách mới với quan điểm, định hướng quản lý chưa rõ ràng, có nên không? Biện pháp nào để hạn chế những tác động bất lợi của hoạt động này? Việc thiếu chế tài là quá vội vàng, đáng ra cơ quan soạn thảo cần có nghiên cứu sâu hơn về tác động của chính sách này, cân nhắc giữa lợi ích về vật chất với sự ổn định về xã hội trước khi trình Chính phủ ban hành.