Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dự thảo về quy hoạch cảng hàng không chú trọng phát triển sân bay lưỡng dụng

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Ngoài hai sân bay Thành Sơn và Biên Hoà, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất khảo sát khả năng quy hoạch, chuyển đổi một số sân bay quân sự hiện có sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không dân sự.

Phối cảnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: TTXVN

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về kết quả rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050", theo TTXVN.

Đây là báo cáo được hoàn thành sau khi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và làm việc với các địa phương có liên quan.

Theo báo cáo này, quy hoạch các cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo mô hình trục nan với hai đầu mối chính tại khu vực thủ đô Hà Nội và khu vực TPHCM, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).

Điểm đáng chú ý là quy hoạch lần nay nhấn mạnh đến việc phát triển các sân bay lưỡng dụng (dân sự và quân sự) gồm 2 cảng hàng không quốc nội là Thành Sơn và Biên Hòa được hình thành từ việc chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không.

Căn cứ kết quả rà soát, nghiên cứu bổ sung của đơn vị tư vấn, Cục Hàng không Việt Nam thống nhất kiến nghị bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không quốc nội Thành Sơn (thời kỳ 2021-2030 công suất 1,5 triệu hành khách/năm) và Biên Hòa (thời kỳ 2021-2030 công suất 5 triệu hành khách/năm).

Điều kiện để chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không chỉ khi thu hút được nhà đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Đối với việc bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới của các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất khảo sát khả năng quy hoạch, chuyển đổi một số sân bay quân sự hiện có sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không tại các tỉnh có sân bay quân sự gồm sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái), sân bay Gia Lâm (Hà Nội).

Việc chuyển đổi sân bay quân sự Gia Lâm để khai thác lưỡng dụng sẽ tiếp tục được nghiên cứu thống nhất giữa các bên liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đưa vào khai thác lưỡng dụng.

TTXVN cũng dẫn thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, cho biết cơ quan này đề xuất tiếp tục đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không tại một số tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và về lâu dài có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ nhưng chưa có sân bay quân sự đang khai thác gồm Hà Giang (huyện Bắc Quang), Tuyên Quang (huyện Hàm Yên), Hà Tĩnh (huyện Cẩm Xuyên), Kon Tum (Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Bình Thuận (đảo Phú Quý), Khánh Hòa (Khu kinh tế Vân Phong, huyện Vạn Ninh), Đắk Nông (huyện Đắk Glong), Tây Ninh (huyện Dương Minh Châu) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét khi có đủ các điều kiện cần thiết.

Về sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, công ty tư vấn kiến nghị công suất của sân bay Long Thành đến năm 2030 là 25 triệu khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 là 100 triệu khách/năm và sân bay Tân Sơn Nhất công suất tối đa 50 triệu khách/năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới