(KTSG Online) - Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất thủy, hải sản chế biến, các loại thịt, bánh kẹo, nước giải khát... đang hoàn tất khâu dự trữ hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán 2023 với sản lượng tăng từ 10%. Để thu hút người tiêu dùng, nhiều nhà sản xuất đầu tư cho bao bì ấn tượng, trang trí gian hàng trực tuyến (online), tăng cường việc bán hàng về vùng nông thôn.
- Nhiều tỉnh thành lên phương án bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết 2023
- Tăng lượng hàng chuẩn bị cho Tết, kế hoạch bình ổn thị trường
TTXVN dẫn chứng dự báo từ các chuyên gia thương mại, theo đó sức mua dịp Tết Nguyên đán 2023 có xu hướng tăng so với hai năm trước đó, do sự phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19. Báo cáo của các địa phương cho biết việc dự trữ hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán có lượng hàng tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các mặt hàng chủ yếu là gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Đơn cử như công ty Vissan, đơn vị dự kiến tổng giá trị hàng hóa cho dịp tết đạt trên 710 tỉ đồng. Theo đó, sản lượng cung cấp ra thị trường là 2.050 tấn thực phẩm tươi sống; 4.150 tấn thực phẩm chế biến; tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm nay, nhiều công ty sản xuất, doanh nghiệp, nhà phân phối chú trọng từ khâu thiết kế đến chất lượng sản phẩm. Đơn vị đề ra nhiều giải pháp để thu hút người tiêu dùng như đầu tư bao bì ấn tượng và hương vị đặc trưng; trang trí trong cửa hàng và trên nền tảng thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki, bách hóa xanh online…
Một số doanh nghiệp lên phương án dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20-30% so với Tết 2022 và tăng 40-50% so với những tháng bình thường; kết nối, làm việc với nhiều nhà cung cấp; đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi; mở rộng hệ thống tiêu dùng hàng hóa ra khu vực nông thôn; có giải pháp để vận chuyển và các hoạt động logistics, giao hàng tập trung; các sản phẩm nông sản đóng hộp được mở rộng thêm nhiều loại khác.
Tại TPHCM, UBND thành phố đã ký quyết định về kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm. Tổng lượng hàng hóa dự trữ là hơn 30.000 tấn; tăng 15-30% so với năm ngoái. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 22.000 tỉ đồng.
Theo Sở Công thương TPHCM, dự kiến lượng hàng nhập ở chợ đầu mối khoảng 13.000-15.000 tấn/ngày, tăng 80% so với ngày thường. Trong đó, hàng hóa của doanh nghiệp để bình ổn thị trường chiếm 25-43%; hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, các chợ… chiếm 57-75% nhu cầu thị trường.
Ở Đà Nẵng, Sở Công Thương cho biết sẽ tổ chức 18 điểm bán hàng bình ổn giá trong dịp này. Dự kiến, thời gian diễn ra là những ngày cận tết từ 27-29 tháng chạp âm lịch. Theo đó, số hàng hóa dự trữ của các đơn vị sản xuất, siêu thị, các chợ gồm 352 tấn gạo, nếp; hơn 4.000 tấn thịt; 900 tấn rau củ quả; 647 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp với tổng giá trị gần 2.300 tỉ đồng.
Còn đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tổng giá trị hàng hóa trên địa bàn thủ đô ước đạt khoảng 39.500 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Sở Công Thương đang chỉ đạo các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu 30%; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, bình ổn giá cả.