Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đua nhau xây trung tâm dữ liệu ở Việt Nam

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhằm đáp ứng quy định, nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đã phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Còn với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, trước xu hướng phát triển kinh tế số, nhu cầu thuê máy chủ cũng tăng mạnh. Chính vì vậy việc đầu tư trung tâm dữ liệu để cho thuê đang là mảng kinh doanh hấp dẫn và ngày càng thu hút đầu tư.

Đầu tư kinh doanh trung tâm dữ liệu ngày càng hấp dẫn. Ảnh minh họa: VNG

Nhu cầu trung tâm dữ liệu đang tăng lên

Thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu lớn tại Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử của nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam nhằm đáp ứng quy định cũng như lượng khách hàng đang tăng tại đây. Nghị định 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải lưu trữ thông tin, dữ liệu người dùng Việt Nam trong nước. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài cũng dẫn tới nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu của các tập đoàn đa quốc gia...

Trong các đơn vị cung cấp dịch vụ internet, điện toán đám mây, Amazone Web Service (AWS) một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (cho thuê phần mềm) của Mỹ đã công bố việc đặt máy chủ tại Hà Nội và TPHCM để phục vụ nhu cầu tăng lên của khách hàng. Ngoài ra, Facebook, Google cũng đã đặt máy chủ tại Việt Nam...

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng máy chủ, trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng lớn đã thúc đẩy đầu tư trung tâm dữ liệu để cho thuê tại Việt Nam. Hơn chục năm trước, thường các doanh nghiệp tự đầu tư máy chủ và quản lý vận hành. Nhưng hiện tại, các doanh nghiệp thường thuê máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để lo việc quản lý và vận hành dữ liệu. Chính vì nhu cầu trên, thời gian gần đây các doanh nghiệp đã đầu tư mở trung tâm dữ liệu ngày càng nhiều, với công suất lớn hơn.

Lý giải việc vì sao trung tâm dữ liệu ngày càng được đầu tư nhiều, phát biểu tại sự kiện, khai trương trung tâm dữ liệu của Viettel diễn ra vào tháng 4, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chỉ sau 3 năm là dữ liệu thế giới lại tăng cấp đôi. Nhưng thực tế thì Việt Nam thì tăng nhanh hơn. Hiện Việt Nam có 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 tủ rack (không gian chứa các thiết bị mạng), tổng công suất thiết kế là 145 MW.

Khởi động cuộc đua của các Bigtech Việt

Sau hơn 1 năm đầu tư trung tâm dữ liệu đầu tiên tại TPHCM, tháng 5 vừa qua, công ty VNG đã hợp tác với doanh nghiệp của Singapore là ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại TPHCM.

Hợp tác này bao gồm việc tiếp tục vận hành Trung tâm dữ liệu STT VNG Ho Chi Minh City 1 (trước đây là VNG Data Center, tọa lạc tại Khu chế xuất Tân Thuận) và thành lập một Trung tâm dữ liệu mới STT VNG Ho Chi Minh City 2 cách cơ sở đầu tiên 1,5km. Trung tâm dữ liệu số 2 dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026.

Có trụ sở chính tại Singapore, STT GDC được biết đến là một trong những nhà  cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu có tốc độ mở rộng nhanh nhất  thế giới hiện nay. STT GDC hiện đang cung cấp dịch vụ toàn cầu thông qua  mạng lưới hơn 95 trung tâm dữ liệu, trải rộng 20 thị trường trên thế giới. Hợp tác giữa STT GDC và VNG được kì vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, thông qua thiết lập và phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nói về việc hợp tác này, tại thông cáo mà VNG phát hành, ông Lionel Yeo, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, STT GDC, cho biết doanh nghiệp này hợp tác trong dự án xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vì VNG có sự am hiểu thị trường trong nước, tính trung lập về mạng viễn thông, mạng lưới khách hàng và đối tác... STT GDC muốn kết hợp giữa năng lực vận hành toàn cầu và kinh nghiệm địa phương. Ông còn cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường phát triển trung tâm dữ liệu nhanh nhất thế giới.

Còn ông ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cho rằng, việc hợp tác cùng STT GDC sẽ góp phần thiết lập những tiêu chuẩn mới cho thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Ông Minh nhận định trung tâm dữ liệu sẽ bùng nổ trong thời gian tới do sự phát triển của điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo AI. Trong khi đó tại Việt Nam các trung tâm dữ liệu vẫn còn rất ít và quy mô nhỏ. Chính vì vậy, VNG cần tìm đối tác đủ lớn để xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, vừa phục vụ nhu cầu trong nước và phát triển ra thị trường toàn cầu.

Hơn nữa, ông Minh cho rằng phát triển trung tâm dữ liệu cần nhiều doanh nghiệp tham gia vì nó đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

Cũng nhận thấy cơ hội từ thị trường trung tâm dữ liệu, tháng 4 vừa qua, Viettel đã khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 do doanh nghiệp này đầu tư tại Hà Nội. Đây là trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam và là trung tâm đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao gấp 3 lần mức trung bình, với 60.000 máy chủ, 2.400 tủ rack, 21.000m2 mặt sàn và tổng công suất điện 30MW.

Cũng tại lễ khai trương trên, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, Viettel sẽ đầu tư cho các trung tâm dữ liệu theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack.

Cũng tại sự kiện trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng Viettel là nhà mạng lớn nhất về trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, với tổng công suất là 87 MW.

Cuối năm 2023, VNPT cũng khai trương Trung tâm dữ liệu (IDC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Thời điểm đó, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, VNPT sở hữu 8 trung tâm dữ liệu hiện diện tại các tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Trong đó, IDC Hòa Lạc là lớn nhất với tổng diện tích sử dụng lên tới 23.000 m2 sàn, có quy mô 2.000 tủ racks, đã đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho hạng mục thiết kế, xây dựng lắp đặt.

Dự kiến trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới, tầm cỡ khu vực và thế giới, sử dụng công nghệ xanh và bền vững.

Cũng tại buổi lễ khai trương trung tâm của dữ liệu VNPT, bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng mỗi năm các doanh nghiệp phải khánh thành được ít nhất 5 trung tâm như VNPT thì mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dữ liệu của Việt Nam. Bộ trưởng còn cho biết, Việt Nam vẫn chưa có một trung tâm dữ liệu lớn nào. Trung tâm dữ liệu của VNPT tại Hoà Lạc có dung lượng 2.000 racks, là thuộc loại vừa. Một trung tâm loại lớn thì ít nhất là 5.000 racks.

Không chỉ các doanh nghiệp trên, nhà mạng MobiFone cũng đẩy mạnh hợp tác xây dựng trung tâm dữ liệu. Thời gian qua, MobiFone đã đầu tư, xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu tại cả ba miền, đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi số của khách hàng tổ chức, doanh nghiệp.

Hiện MobiFone đã đầu tư 4 trung tâm dữ liệu tại các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai. MobiFone đặt mục tiêu sở hữu 7 trung tâm dữ liệu mới vào năm 2025 và mở rộng quy mô của các trung tâm dữ liệu hiện có. Tất cả các trung tâm dữ liệu của MobiFone đều có khả năng nâng cấp, mở rộng theo yêu cầu kinh doanh thực tế.

MobiFone ưu tiên phát triển trung tâm dữ liệu trở thành không gian mới trọng tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, với mục tiêu doanh thu năm 2028 đạt hơn 150 triệu đô la Mỹ và tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2023 - 2028 gần 100%. Sắp tới, MobiFone sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới.

Báo cáo mới nhất từ Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) cho thấy, trên toàn cầu, thị trường data center có quy mô khoảng 321 tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%. Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực có thị trường trung tâm dữ liệu năng động, tốc độ tăng trưởng 19% tới năm 2028. Dự báo quy mô thị trường này tại Việt Nam đến năm 2030 đạt 1,266 tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,8%/năm.

Trong bản báo cáo về thị trường dữ liệu, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, cho rằng thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai với tốc độ phát triển khiêm tốn. Song, với chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh, cùng với vị trí địa lý đắc địa, Việt Nam là thị trường mới nổi luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, dù thị trường trung tâm dữ liệu rất hấp dẫn, nhưng đang đứng trước áp lực về giảm lượng khí thải carbon. Thực tế, thị trường trung tâm dữ liệu đã tiêu tốn một lượng năng lượng lớn hằng năm. Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn khi xây dựng thị trường trung tâm dữ liệu xanh. Các rào cản lớn đối với các nhà cung cấp là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho loại hình này chưa có.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới