Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đưa thêm điện than vào quy hoạch, chuyên gia lo ngại ô nhiễm và tụt hậu

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tờ trình mới nhất của Bộ Công Thương về quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã đưa thêm 3.000 MW điện than vào năm 2030 so với tờ trình trước đó. Theo ý kiến chuyên gia tại một cuộc tọa đàm trực tuyến, nếu được thông qua, nguy cơ tương lai Việt Nam sẽ gánh thêm ô nhiễm và tụt hậu về mặt năng lượng so với thế giới là không tránh khỏi.

Tăng điện than, giảm năng lượng tái tạo: bước đi thụt lùi?

"Ôm" điện than đồng nghĩa "ôm" ô nhiễm và tụt hậu. Ảnh: Trung Chánh

Trong khi đó, lộ trình “điện cạnh tranh” là chưa rõ ràng, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư chưa thuyết phục, theo đánh giá của bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), tại tọa đàm trực tuyến “Quy hoạch điện VIII: mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh” diễn ra vào chiều 16-9.

“Ôm” điện than và những hệ lụy tất yếu

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Tuyên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng ở đây có hai lựa chọn rất rõ, đó là theo đuổi nền năng lượng tái tạo hoặc năng lượng hoá thạch. “Nếu được, chúng ta hãy dũng cảm, chọn hệ thống điện mà tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch được sử dụng phổ biến hơn, tức chúng ta theo đuổi bước đi của các nước tiên tiến trên thế giới”, ông đề nghị.

Nếu chọn điện than, tức sẽ có được cảm giác an toàn hơn, bởi vì vận hành của hệ thống sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, với con đường này, có thể bị đẩy lùi về công nghệ so với các nước phát triển khác, theo ông Tuyên.

Ông Tuyên cho rằng với nguồn năng lượng hoá thạch, việc tiếp cận nguồn vốn là rất khó khăn. Hiện nay, chỉ có Trung Quốc cung ứng nguồn vốn, nhưng tương lai chưa biết sẽ diễn ra như thế nào. Việc nhập khẩu than trong tương lai và sự biến động của giá cả cũng rất khó đoán. “Nếu theo đuổi chính sách sử dụng nhiều nguồn năng lượng hoá thạch thì có lẽ chúng ta chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của sự phát triển hệ thống điện trong tương lai trên thế giới”, ông nhận xét.

Ông Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, việc cắt giảm khoảng 8.000 MW năng lượng tái tạo, trong khi tăng khoảng 3.000 MW điện than vào năm 2030 là "bước lùi" rất lớn trong chính sách năng lượng của Việt Nam, tạo ra những tác động rất lớn về kinh tế, môi trường và xã hội.

“Nếu chúng ta xét những tác động về mặt môi trường, thì rõ ràng nguồn năng lượng hoá thạch sẽ tạo ra những tác động rất xấu”, ông cho biết và dẫn chứng các nhà máy điện than ở miền Bắc, miền Trung đã có những bài học rất lớn về tác động cho môi trường.

Theo ông Tuấn, với quy hoạch điện VIII này, sắp tới đây, vùng ĐBSCL- nơi sản xuất nông, thuỷ sản lớn của cả nước- nếu phát triển nhà máy điện than, thì tác động về môi trường, về mặt sản xuất nông nghiệp là không lường hết được. “Kể cả khi nhập than, chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung của các quốc gia khác, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến an ninh năng lượng quốc gia”, ông nói.

Trong khi đó, tiềm năng phát triển về năng lượng tái tạo ở ĐBSCL là chưa khai thác hết, nhưng nếu bỏ qua, thì sẽ gây ra một tổn thất kinh tế rất lớn. Đồng thời, nguồn năng lượng hoá thạch sẽ tạo ra những vấn đề về mặt xã hội mà chưa tính toán được hết, nhất là về những tác động ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, theo ông Tuấn.

Một tác động nữa liên quan đến cam kết của Việt Nam với thế giới là sẽ cắt giảm 9% khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng nếu thực thi thì những thay đổi này (tăng điện than trong quy hoạch điện VIII- PV) làm cho những tuyên bố của Chính phủ sẽ ngược lại cam kết đó.

Cần sửa Luật Điện lực để thu hút tư nhân tham gia

Tại tọa đàm trực tuyến nêu trên, ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, cho rằng trong khoảng 10 năm tới, tức đến năm 2030, điện than vẫn tăng trong khi cắt giảm năng lượng tái tạo như tờ trình mới nhất của Bộ Công Thương so với tờ trình hồi tháng 3-2021 là điều rất đáng buồn.

Theo ông Lương, vào tháng 3-2021, khi đó ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quan điểm rất rõ, là quy hoạch điện VIII phải thực hiện theo Nghị quyết 55, (Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). “Nhưng, dự thảo mới trình ra bây giờ còn kém hơn nữa, cho nên, tôi rất buồn”, ông Lương nói và cho rằng tất cả xuất phát từ độc quyền trong ngành điện.

Chẳng hạn, với truyền trải điện, ông Lương cho rằng Nhà nước (thông qua Tổng công ty truyền trải điện quốc gia) chỉ cần quản lý đường truyền tải chính (500 Kv), chứ không nên độc quyền cả các phụ tải ở các địa phương. Theo ông, nên cho phép tư nhân được đầu tư các đường truyền tải nhỏ đấy.

Theo ông Lương, việc Bộ Công Thương nêu ra một số lý do vướng mắc như thời gian qua để cắt giảm năng lượng tái tạo thì nguyên nhân chính bắt nguồn từ cơ chế chính sách, chứ không phải từ bản chất của năng lượng tái tạo. Ông Lương cho rằng xu thế của thế giới là phát triển năng lượng xanh, trong khi Việt Nam đi ngược lại.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam, ước tính sơ bộ, việc nâng công suất mạng lưới điện hiện nay cần khoảng 13 tỉ đô la Mỹ. “Làm được việc này mà chúng ta không "lôi kéo" tư nhân vào, thì cũng là vấn đề rất khó khăn”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Huân, khi tư nhân tham gia thì lại vướng về chính sách, mà cụ thể vướng ở điều 4 Luật Điện lực, tức phân phối điện lưới là độc quyền của Nhà nước. Chính bản thân điều 4 Luật Điện lực này cũng không bắt kịp tinh thần Nghị quyết 55.

Dĩ nhiên, theo ông Huân, Luật Điện lực ra đời trước, nhưng khi Nghị quyết 55 đã ra đời cách đây khoảng 1 năm 7 tháng, đã mở đường cho tư nhân tham gia như thế, thì đã đến lúc phải nghĩ đến việc sửa đổi Luật Điện lực. “Điều này, nhằm cởi bỏ điều đó ra để cho tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn”, ông nói.

3 BÌNH LUẬN

  1. Nếu dùng điện tái tạo với giá trả cho nhà đầu tư hiện nay thì giá bán sẽ phải tăng. Người dân và doanh nghiệp có chịu giá tăng theo lộ trình không? Có lẽ các nhà làm chính sách đã tính đến trường hợp này nên vẫn cho điện than nhiều vào quy hoạch, giờ là quy trình điện than này phải có luật để giảm thải ô nhiễm.

    • Trả lời tới Vinh Nguyễn: “Số liệu của Trung tâm than sạch IEA tổng hợp 11 nhà máy nhiệt điện than và 1 nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch cho thấy suất đầu tư nhiệt điện than là 1.274 USD/kW, của nhiệt điện khí là 933 USD/kW, tức là suất đầu tư nhiệt điện than đắt gấp 1,36 lần nhiệt điện khí, thời gian xây dựng nhiệt điện khí là 3 năm trong khi nhiệt điện than có thể đến 4,5 năm, tuổi thọ nhiệt điện khí là 35 năm và nhiệt điện than là 40 năm, giá thành sản xuất điện khí chỉ 5,8 cent Mỹ/kWh so với điện than là 6,8 cent Mỹ/kWh. Rõ ràng nhiệt điện khí hiệu quả hơn nhiệt điện than!”
      (trích báo Tuổi trẻ ngày 28/9/2017)

    • Trả lời tới Vinh Nguyễn: Nếu chê giá điện tái tạo cao thì hạ giá điện tái tạo mà EVN mua (Fit 3,4,5…) xuống, ai làm được thì làm. Hoặc có thể làm theo cơ chế đấu thầu, ai giá thấp thì làm. Rõ ràng là vẫn quyết tăng điện than là có lý do khác nữa.
      Hoặc yêu cầu giá bán điện tái tạo bằng với giá điện than. Ai làm được thì làm. Với công nghệ càng ngày càng phát triển, sẽ có nhiều người làm được. Năng lượng tái tạo có thể huy động vốn trong dân rất tốt. Nhà nước chỉ lo phần truyền tải và quy hoạch thôi, thậm chí không cần lo về phần phát điện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới