(KTSG Online) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thứ cấp sẽ hoạt động trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2022, theo ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Đây là một trong số nhiều biện pháp để thu hút dòng vốn gián tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được ông Dũng chia sẻ với báo chí chiều 18-10.
Loạt giải pháp thu hút dòng vốn ngoại trong năm 2022
Ông Trần Văn Dũng cho biết Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bền vững và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng.
Về ngắn hạn, ông Dũng cho biết UBCKNN sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia và đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Ngoài ra, cơ quan này sẽ đưa thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trên một số chỉ số cổ phiếu, đưa thị trường TPDN thứ cấp đi vào hoạt động trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2022 để đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường.
Về trung hạn, UBCKNN chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán theo chuẩn mức quốc tế (IFRS) của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế, theo ông Dũng.
Về dài hạn, UBCKNN đang xây dựng Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021–2030, nhằm tổ chức thực hiện Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ Tài chính dự thảo.
Những chia sẻ của ông Trần Văn Dũng được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam có một số lợi thế để có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Về vĩ mô, ông Dũng cho biết Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ năm 2021 đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và hoàn thiện hơn.
Về thị trường, nhiều quy định mới liên quan đến nâng chuẩn hàng hóa trên TTCK, công bố thông tin, điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty đã được ban hành, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tốt hơn.
Ngoài ra, hai tổ chức nghiên cứu đầu tư và cung cấp dịch vụ tạo ra chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu là Morgan Stanley Capital International (MSCI) và Financial Times Stock Exchange Group (FTSE-Russell) đều đang xếp hạng TTCK Việt Nam là thị trường cận biên. Trong đó, FTSE đang đưa thị trường Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng.
Hiện các cổ phiếu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các chỉ số thị trường cận biên của FTSE với khoảng 27%.
Khối ngoại đang tái cơ cấu danh mục
Về diễn biến vốn ngoại trên thị trường, ông Trần Văn Dũngcho biết nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã rút ròng khoảng 444 triệu đô la Mỹ khỏi Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021.
“Con số này là rất thấp so với mức rút ròng ở các nước trong khu vực và chưa có dấu hiệu rút vốn đột biến, nên việc rút ròng này chưa đáng quan ngại”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, NĐTNN rút ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng có xu hướng mua trái phiếu và giữ lại tiền mặt đề chờ đầu tư tiếp. Cụ thể, tỷ trọng tiền mặt trong tổng giá trị danh mục của NĐTNN vẫn tương đối ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay, theo số liệu thống kê của UBCKNN.
Ngoài ra, giá trị rút vốn lũy kế của NĐTNN từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục và thấp hơn giá trị bán ròng của họ trên TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, số lượng NĐTNN đăng ký cấp mới mã số giao dịch chứng khoán và mở mới tài khoản giao dịch có xu hướng tăng đều qua các tháng. Cụ thể, số lượng NĐTNN đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trong 9 tháng của năm 2021 là 3.235 tài khoản, bằng hơn 80% của năm 2020. Kết quả này giúp tổng số tài khoản NĐTNN trên thị trường đạt mức 38.306 tài khoản tính tới cuối tháng 9-2021.
“Những yếu tố này, cho thấy hoạt động bán ròng của NĐTNN phần nào để tái cơ cấu danh mục, không phải hoàn toàn để rút vốn. Đây cũng là chỉ báo cho thấy NĐTNN vẫn tin tưởng vào TTCK Việt Nam”, ông Dũng chia sẻ.