Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đức cải cách luật nhập cư để thu hút lao động nước ngoài

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dự kiến, trong vài tuần tới, quốc hội Đức sẽ thông qua luật cải cách nhập cư, cho phép lao động nước ngoài dễ dàng sang Đức làm việc. Chính phủ Đức đang lo ngại thiếu lao động hiện nay sẽ đe dọa dọa tăng trưởng trong tương lai trong bối cảnh dân số ngày càng suy giảm.

Thực tập sinh được đào tạo kỹ năng ở một trung tâm huấn luyện nghề nghiệp của hãng thép ArcelorMittal tại thị trấn Eisenhüttenstadt, Đức. Ảnh: The Local

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Financial Times hôm 2-5, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho biết Đức sẽ xây dựng một trong những hệ thống nhập cư hiện đại nhất châu Âu. Mục đích là để thu hút tài năng trên toàn cầu, giúp giải quyết vấn đề thiếu nhân lực có kỹ năng, vốn đang là mối lo ngại hàng đầu của một số doanh nghiệp lớn nhất nước.

Ông ghi nhận nhiều ngành công nghiệp của Đức đang chật vật tìm kiếm nhân sự và tình hình sẽ tồi tệ hơn khi thế hệ Baby-Boomer (những người sinh trong giai đoạn bùng nổ trẻ sơ sinh 1946-1964) đến tuổi về hưu.

“Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động vào năm 2035 nếu chúng ta không hành động. Điều đó rốt cục có thể trở thành một cú phanh thực sự đối với tăng trưởng kinh tế của chúng ta”, Bộ trưởng Hubertus Heil nói.

Luật cải cách nhập cư, dự kiến được quốc hội Đức thông qua trong vài tuần tới, sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người lao động nước ngoài đến làm việc ở Đức. Luật mới loại bỏ nhiều rào cản pháp lý đối với người nhập cư.

Bộ trưởng Hubertus Heil cho biết luật nhập cư mới sẽ cho phép mọi người đến Đức để làm việc ngay cả khi không có bằng cấp chuyên môn của Đức. “Họ chỉ cần có hợp đồng lao động, một số kinh nghiệm chuyên môn và được đào tạo nghề ở nước họ là đủ”, ông nói thêm.

Luật mới sẽ giới thiệu chương trình “thẻ cơ hội” cho những người nước ngoài không thuộc Liên minh châu Âu (EU) muốn đến Đức làm việc dài hạn. Thẻ cơ hội này là một hệ thống tính điểm dựa trên bốn tiêu chí: có bằng cấp ở nước ngoài, có kinh nghiệm làm việc ít nhất 3 năm, có kỹ năng tiếng Đức hoặc từng sống ở Đức trước đây, và dưới 35 tuổi. Hàng năm, chính phủ Đức sẽ đưa ra hạn ngạch cấp thị thực cho lao động nhập cư dựa trên nhu cầu nhân công của từng lĩnh vực trong nước. Những người nước ngoài đạt một số điểm nhất định của thẻ cơ hội sẽ được ưu tiên cấp thị thực.

“Khi đủ điểm, họ có thể đến Đức để tìm việc làm”, Heil nói.

Nhưng một số hiệp hội kinh doanh cho rằng luật mới chưa đủ mạnh mẽ.  “Luật còn nhiều thủ tục quá rườm rà. Ví dụ, các yêu cầu về tiếng Đức vẫn còn quá cao”, Thilo Brodtmann, Giám đốc Hiệp hội các nhà chế tạo máy móc thiết bị Đức (VDMA), nói.

Trong những tuần gần đây, tình trạng thiếu lao động trở thành cản trở chính đối với sản lượng của nhiều công ty trên khắp châu Âu, đặc biệt là ở Đức.

Theo cuộc khảo sát hàng quí mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), vấn đề thiếu lao động đang hạn chế sản lượng tại 42% công ty dịch vụ, 34% công ty sản xuất công nghiệp và 30% công ty xây dựng của Đức.

Vấn đề này có thể ngày càng tồi tệ hơn. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng còn trống ở lên mức kỷ lục 630.000 vào năm 2022, tăng 280.000 so với năm 2021.

Các chuyên gia nhận định tình trạng thiếu hụt kỹ năng cũng góp phần dẫn đến làn sóng đình công gần đây, làm tê liệt mạng lưới đường sắt của Đức và đóng cửa một số sân bay lớn nhất của nước này. Lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là những nguyên nhân chính châm ngòi đình công. Nhưng thị trường lao động thắt chặt đã tạo cho các công đoàn có nhiều lợi thế hơn trong đàm phán tăng lương và khuyến khích họ sử dụng biện pháp đình công.

Một dự luật khác, sắp được giới thiệu ra quốc hội Đức, sẽ giúp người nước ngoài nhập quốc tịch Đức dễ dàng hơn nhiều và cho phép họ giữ lại các hộ chiếu khác ngoài hộ chiếu Đức, điều hiện không được phép với các công dân nước ngoài không thuộc EU.

Chính phủ cũng Đức cũng đang phát động một chiến dịch quảng bá quốc tế, với khẩu hiệu “Make It in Germany”, nhằm thu hút lao động nước ngoài đến Đức làm việc trong các lĩnh vực đang thiếu hụt kỹ năng trầm trọng.

Viện Nghiên cứu lao động (IAB) của Đức cho biết Đức cần 400.000 lao động nhập cư hàng năm vào năm 2060 để duy trì nguồn cung nhân lực ổn định.

Bộ trưởng Heil nhấn mạnh chính phủ Đức quyết tâm tránh lặp lại những sai lầm của thập niên 1960 khi một lượng lớn lao động nước từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ phải mất nhiều năm mới được xã hội Đức chấp nhận hoàn toàn.

“Chúng ta đã không giúp họ hòa nhập. Họ muốn trở thành một phần của xã hội, có quyền và nghĩa vụ như mọi người khác”, ông nói và cho biết thêm Đức đã rút ra bài học từ Canada, nơi những người nhập cư được “đối xử như con người” và có cơ hội trở thành công dân.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới