Thứ sáu, 2/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đùn đẩy trách nhiệm ô nhiễm kênh Ba Bò

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đùn đẩy trách nhiệm ô nhiễm kênh Ba Bò

Ô nhiễm tại kênh Ba Bò ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây tác động nguy hại đến đời sống người dân nhưng vẫn chưa được giải quyết - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

(TBKTSG Online) - Trong 10 năm qua, mỗi ngày con kênh Ba Bò ở quận Thủ Đức, TPHCM phải gồng mình hứng gần 10 ngàn mét khối nước thải, gây ô nhiễm khiến hàng ngàn người dân sống ven kênh phải ngửa mặt than trời vì nguồn nước, không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

>> Ô nhiễm nặng tại kênh Ba Bò

>> TPHCM báo động ô nhiễm kênh Ba Bò

Thế nhưng những giải pháp khắc phục ô nhiễm con kênh này cũng chỉ như quả bóng được các ngành, địa phương "đá qua, đá lại" suốt nhiều năm qua.

“Quýt làm, cam chịu”

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố về giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường kênh Ba Bò ngày 22-7, ông Ngô Quang Mãnh, Trưởng phòng Quản lý cấp thoát nước thành phố cho rằng, nếu hai khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 vẫn tiếp tục chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì dù dự án cải tạo kênh Ba Bò có hoàn thành thì cũng không giải quyết được tình trạng ô nhiễm con kênh này.

Theo ông Mãnh, diện tích lưu vực kênh Ba Bò là 1.560 héc ta, trong đó khoảng 1.400 héc ta là nằm trên địa phận Bình Dương. Trong khi đó, nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh Bình Dương cứ vô tư xả thải xuống thượng nguồn, ngay cả thành phố ra sức khắc phục khu vực hạ nguồn mà phía thương nguồn cứ tiếp tục xả thì cũng vô ích.

Dự án cải tạo kênh Ba Bò nhằm mục đích cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực, tránh gây ngập úng và cải thiện môi trường có tổng vốn đầu tư là 208 tỉ đồng, dự kiến thi công xây lắp từ tháng 8-2008 đến tháng 4-2010.

Thế nhưng đến nay, Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết dự án mới xong khâu lập thiết kế dự toán và vẫn chưa được duyệt, chưa kể với thời giá hiện nay thì có được duyệt cũng chưa chắc làm được, nên dự án chưa biết đến khi nào mới được khởi công, chưa nói đến ngày hoàn thành.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố cũng thừa nhận, việc kênh Ba Bò bị ô nhiễm nghiêm trọng là điều không thể chối cãi, vấn đề là làm sao tìm ngay giải pháp để khắc phục ô nhiễm ngay tình trạng này.

Theo ông Kiệt, có 3 tuyến thoát nước chính trên địa bàn tỉnh Bình Dương đổ vào thượng nguồn kênh Ba Bò gồm tuyến thoát nước chảy từ Khu công nghiệp Sóng Thần 1, nơi hiện có 140 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 80 doanh nghiệp chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, đổ thẳng vào kênh với lưu lượng khoảng 500 mét khối mỗi ngày.

Ngoài ra mỗi ngày, con kênh vốn dĩ thay đổi màu liên tục trong ngày vì ô nhiễm còn phải nhận thêm 2.600 mét khối nước thải chưa qua xử lý từ các doanh nghiệp ven tuyến thoát nước từ hào chống tăng của Quân đoàn 4 thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, chảy qua Khu Công nghiệp Đồng An đổ vào kênh Ba Bò.

Nặng nề nhất là nước thải từ Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2. Theo ông Kiệt, hai khu công nghiệp này mỗi ngày đưa thẳng vào kênh Ba Bò khoảng 6.500 mét khối nước thải.

Đề cập đến vấn đề này, đại biểu HĐND Nguyễn Đăng Nghĩa nói rằng: “Đừng nói rằng chỉ có ông giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố vô trách nhiệm với người dân bao năm qua, theo tôi, cả Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cũng vô trách nhiệm khi để hàng ngàn người dân sống trong ô nhiễm nhiều năm qua mà không có biện pháp gì”.

Ô nhiễm nặng: đâu chỉ có mỗi kênh Ba Bò 

Tại buổi làm việc sáng nay, đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa khá bức xúc khi cho rằng, kênh Ba Bò đã ô nhiễm 10 năm qua, thế nhưng nỗi khổ của gần 2 ngàn hộ dân đang ngày đêm sống chung với ô nhiễm, mùi hôi thối thì vẫn chưa đến với những người có trách nhiệm.

Bản thân ông Khoa đã nhiều lần đến kênh Ba Bò, lần gần nhất cách đây khoảng 10 ngày, những gì đọng lại trong ông sau những chuyến đi này được đúc kết bằng các từ "nặng nề, nghiêm trọng và kéo dài".

Cũng tương tự như kỳ họp HĐND vừa qua, ông Khoa giơ cho mọi người xem tấm kim loại bị rỉ sét được lấy từ nhà người dân ven kênh Ba Bò và nói: “Nếu những vật dụng bằng kim loại mà như thế này thì lá phổi của những trẻ thơ của gần 2 ngàn hộ dân sinh sống ven kênh sẽ như thế nào”.

Theo ông Khoa, những chủ trương, chính sách, giải pháp giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò từ trước đến nay là rất đúng, rất hay nhưng mới chỉ trên giấy tờ, còn chủ trương đi vào cuộc sống thì quá ít ỏi, gần như là con số 0.

Ông Khoa cũng cho rằng, chính quyền tỉnh Bình Dương đã thiếu kiên quyết, chần chừ, giảm nhẹ, thấy vấn đề mà không hành động trước thực trạng con kênh Ba Bò ô nhiễm mà nguyên nhân chủ yếu từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương xả thải.

Tại buổi làm việc, sau khi nhiều đại biểu HĐND lên tiếng cho rằng, sức nóng ô nhiễm kênh Ba Bò hiện đã lên đến cao độ, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách nói ngay, cao độ là do chúng ta khơi lên chứ thật ra, thành phố đâu chỉ có mỗi con kênh Ba Bò là ô nhiễm trầm trọng.

Việc ô nhiễm kênh Ba Bò kéo dài nhiều năm qua, nói gì thì nói lỗi này thuộc về cơ quan chức năng, kể cả UBND thành phố và một số sở liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Giao thông Vận tải và quận Thủ Đức là các đơn vị chịu trách nhiệm chính, ông Hoàng nói.

“Nếu làm như kiểu trước đây, tôi sợ dự án cải tạo kênh Ba Bò đến năm 2009 cũng chưa khởi công được”, ông Hoàng nói thẳng.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới