Thứ Ba, 20/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đừng ẩn mình trên Internet!

Võ Quốc Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Như một thói quen, trước khi quyết định mua một sản phẩm nào đó, tôi thường sử dụng Internet để tìm kiếm một số thông tin cơ bản như: xuất xứ, các kênh bán hàng, vị trí cửa hàng gần nhất, phương thức thanh toán, chính sách sau bán hàng… Đây là cách chuẩn bị trước khi giao tiếp với nhân viên bán hàng và nhanh chóng đưa ra được quyết định mua hoặc không mua.

Khá nhiều lần tôi bị rơi vào “thế bí” khi không tìm được trang web của đơn vị kinh doanh món hàng mà mình quan tâm. Cũng không ít lần, thông tin về món hàng ở các kênh khác (mạng xã hội, sàn giao dịch…) dù có tồn tại nhưng lại được giới thiệu một cách quá súc tích, khiến khách hàng vô cùng phân vân khi ra quyết định. Sự phân vân này nhân lên gấp bội nếu hàng hóa được giao dịch trực tuyến, khi mà trước lúc “chốt đơn”, người mua không có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với món hàng.

Năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp có kinh doanh qua mạng xã hội là 58%. Ảnh minh họa: TL

Theo kết quả khảo sát từ Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có trang web từ năm 2019-2023 chỉ dao động trong khoảng 42-44%. Cũng theo báo cáo này, năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp có kinh doanh qua mạng xã hội là 58% và chỉ 24% doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Như vậy, hơn một nửa doanh nghiệp kinh doanh trong tình trạng không có trang web. Tình hình tham gia sử dụng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng còn khá hạn chế.

Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp đã quyết định tận dụng sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội, tại sao vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác lựa chọn đứng bên ngoài cuộc chơi?

Hiện diện trực tuyến mang lại cho doanh nghiệp một số lợi ích nhất định như tăng khả năng tiếp cận với khách hàng, tiết kiệm chi phí marketing, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng… Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí để vận hành và đặc biệt là phải có phương án ứng phó với các rủi ro liên quan đến vấn đề an toàn thông tin.

Trong số muôn vàn lý do, điều làm tôi băn khoăn nhất là câu trả lời của một số doanh nghiệp khi cho rằng kinh doanh theo cách hiện tại đã “đủ ổn”. Trước giờ doanh nghiệp đã có sẵn các mối quan hệ truyền thống với bên cung ứng, bên tiêu thụ đầu ra nên không nhất thiết phải sử dụng thêm các phương tiện liên quan đến Internet để tìm kiếm khách hàng và đối tác, chỉ cần chuyên tâm cho khâu sản xuất mà thôi.

Kỳ thực, kinh doanh dựa trên một vài mối quan hệ lâu năm với khách hàng và nhà cung ứng như thế này không phải là hiện tượng hiếm gặp. Cách làm này có lẽ xuất phát từ sự tin cậy đã được kiểm chứng sau một thời gian dài cộng tác giữa các bên. Nó cũng có thể bắt nguồn từ: tính thuận tiện trong khâu kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào (vì có ít nhà cung cấp); mong muốn tiết kiệm chi phí quản lý thông tin; tâm lý e ngại rủi ro khi giao dịch với khách hàng, đối tác mới…

Tuy nhiên, khi lựa chọn phương án kinh doanh dựa trên một số ít các mối quan hệ truyền thống, doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải một số hạn chế như sau:

(1) Bỏ qua lợi ích của chiến lược đa dạng hóa rủi ro. Giả sử bạn chỉ quan tâm đến việc bán hàng cho một số ít khách hàng chủ chốt, sẽ rất nhọc nhằn để doanh nghiệp của bạn xoay xở nếu chẳng may những khách hàng này dừng mua sản phẩm trong tương lai.

(2) Giảm động lực cải tiến. Hiện tượng này khá dễ hiểu bởi lẽ nếu bạn chỉ tập trung vào một vài khách hàng và đối tác thì khả năng là sẽ có ít cơ hội hơn để doanh nghiệp của bạn tiếp cận được với tính đa dạng của thị trường và các thông tin khác trong ngành. Sự thiếu hụt thông tin như thế này khiến doanh nghiệp dễ rơi vào cạm bẫy tâm lý bằng lòng với chất lượng sản phẩm, phương thức kinh doanh hiện tại và giảm đi động lực cải tiến chính mình để nâng cao năng lực cạnh tranh.

(2) Sự lệ thuộc vào một vài khách hàng và đối tác còn đồng nghĩa với lợi thế thương lượng mà bạn có được trên bàn đàm phán bị giảm đi. Khi có nhiều mối quan hệ trong kinh doanh, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc sàng lọc và tìm kiếm một giải pháp thay thế tốt nhất cho thỏa thuận đã thương lượng “mạnh” để nâng cao vị thế của mình trong các cuộc đàm phán.

Mặc dù hiện diện trực tuyến gây ra một số trở ngại nhất định, nhưng cũng khó có thể nào phủ nhận được những lợi ích to lớn của nó. Với mức độ phổ biến của Internet như hiện nay, trong tương lai thật gần, hy vọng rằng một khách hàng như tôi sẽ không còn phải hụt hẫng khi tìm kiếm thông tin về sản phẩm mà mình quan tâm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới