Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đừng ảo tưởng ‘đạo cao một sào, ma cao một trượng’

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong tháng qua, có hai thông tin không vui cho giới công nghệ nước nhà: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về số lượng ứng dụng (app) gian lận bị Apple gỡ bỏ và đứng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để gian lận.

Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, cứ 100 đồng đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra. Để chấm dứt những “danh hiệu” đáng xấu hổ này, ngoài việc càn quét của các nền tảng công nghệ, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nhà nước cũng phải có thêm những biện pháp mạnh tay hơn nữa.

Đây là hậu quả từ xu hướng xấu đã phát triển khá mạnh hàng chục năm qua trong giới cung cấp dịch vụ và phát triển ứng dụng công nghệ Việt Nam và thế giới: Tìm cách trục lợi, hay nói thẳng là gian lận, để kiếm tiền bất chính từ các kẽ hở của các nền tảng toàn cầu như Apple, Google, YouTube...

Nếu xem việc phát triển các dịch vụ, ứng dụng trên những nền tảng công nghệ của các tập đoàn lớn… một cách nghiêm chỉnh, tuân thủ quy định là “trắng” thì bên cạnh những nhà phát triển “trắng”, ở Việt Nam cũng có không ít nhà phát triển “đen” chuyên tìm cách lách luật để kiếm tiền kiểu chào bán dịch vụ “lên top 10 kết quả tìm kiếm Google”.

Kiếm tiền kiểu khôn lỏi, chụp giựt

Cách đây khoảng 20 năm, khi Google bắt đầu triển khai rộng rãi hình thức quảng cáo qua kết quả tìm kiếm AdWords và dịch vụ đăng quảng cáo AdSense trên các trang thông tin, hàng loạt trang web do người Việt Nam vận hành đã nhanh chóng tham gia kiếm tiền bằng cách đặt quảng cáo AdSense rồi tìm mọi cách tạo click ảo để nhận tiền chia sẻ doanh thu quảng cáo từ Google. Ở thời điểm đó, một số nhà phát triển đã nhân bản hàng loạt trang web, chế biến nội dung theo kiểu “xào nấu” rồi tạo tương tác giả để đạt tiêu chuẩn được Google cho phép đặt quảng cáo AdSense rồi tạo click ảo để kiếm tiền.

Với nguồn lực tài chính và công nghệ khổng lồ của các tập đoàn, cộng thêm sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo (AI), việc gian lận trên các nền tảng ngày càng khó hơn nhiều. Tất nhiên, cuộc rượt đuổi giữa các nền tảng công nghệ và những nhà phát triển gian lận không thể chấm dứt mà sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Khoảng hơn 10 năm trước, khi việc qua mặt Google AdSense ngày càng khó thì dịch vụ lên top kết quả tìm kiếm Google bằng SEO (search engine optimization - tối ưu hóa kết quả tìm kiếm) bắt đầu nở rộ. Hiện tại thì những chiêu trò kiểu rải link, nhân bản nội dung, ẩn từ khóa chìm… đều bị công cụ tìm kiếm của Google vô hiệu hóa.

Thay vì làm theo hướng dẫn của Google để có kết quả bền vững thì các nhà cung cấp dịch vụ SEO “đen” dùng đủ loại chiêu trò đánh lừa công cụ tìm kiếm để trang web khách hàng nhanh chóng đạt thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm.

Tất nhiên, các dịch vụ “đen” này không bền vững và cuối cùng thì người lãnh đủ là doanh nghiệp đã bỏ tiền thuê dịch vụ vì họ sẽ bị mất sạch thứ hạng cao trong kết quả đạt được khi hệ thống của Google phát hiện hay nâng cấp thuật toán tìm kiếm. Doanh nghiệp thuê phải SEO “đen” thì tiền mất tật mang vì đã thanh toán chi phí khi trang web “lên top”.

Khoảng năm 2015, khi dịch vụ gọi xe Uber vào Việt Nam, giới tài xế tìm cách ăn gian như bật app nhận chuyến đi giả (do người quen đặt) cho xe hơi nhưng chạy bằng… xe máy hoặc đặt chuyến giả để tăng số lượng chuyến để nhận thưởng. Tất nhiên, với một nền tảng đa quốc gia như Uber, những chiêu trò ăn gian này bị phát hiện rất nhanh và có những đợt khóa tài khoản đồng loạt vài chục tài xế.

Những bác tài “khôn lỏi” có lẽ không ngờ tới khi họ cài app Uber Driver để hoạt động, họ đã phải cấp quyền cho app này đọc rất nhiều thông tin trong điện thoại thông minh của mình. Việc thuật toán chống gian lận của Uber phát hiện ra không phải là quá khó vì nếu không chính Uber sẽ “sập tiệm” trước.

Khả năng phát hiện sớm app gian lận ngày càng cao hơn

Với nguồn lực khổng lồ của mình, việc “càn quét” chống gian lận của các tập đoàn công nghệ ngày càng hiệu quả hơn, điều này có thể thấy thông qua số lượng nhà cung cấp gian lận bị “tống cổ” khỏi sân chơi trong vài năm gần đây.

Mới đây, tại Hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN) sáng 27-5 ở TPHCM, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết cứ 100 đồng đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra. Việt Nam đứng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để gian lận, vi phạm bản quyền. Nước đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng cũng chỉ chiếm 5% thu nhập gian lận, chỉ bằng một phần mười Việt Nam(1).

Cũng trong tháng 5 vừa qua, khi tập đoàn Apple lần đầu tiên công bố bản “Báo cáo minh bạch của App Store năm 2022”, các nhà phát triển ứng dụng đến từ Việt Nam cũng chiếm nhiều “giải” cao trong các hạng mục của bảng xếp hạng này. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ứng dụng bị Apple gỡ nhiều nhất thế giới với gần 8.500 app bị xóa vì nhiều lý do khác nhau(2).

Ở hạng mục “Gian lận” (Fraud), trong tổng số hơn 32.000 app bị Apple gỡ bỏ, Trung Quốc lục địa dẫn đầu với hơn 13.000 app, Việt Nam đứng thứ nhì có hơn 3.600 app và bỏ xa nước xếp thứ ba là Mỹ (1.500 app).

Đối với hạng mục “Trò chơi” (Game), trong tổng số gần 39.000 app bị gỡ thì Trung Quốc lục địa đứng đầu với hơn 6.000 app, Mỹ thứ nhì với hơn 5.800 app, Việt Nam “đoạt giải ba” với hơn 4.500 app và Ấn Độ đứng thứ tư với hơn 3.300 app.

Với hạng mục “Xâm phạm sở hữu trí tuệ” (Intellectual Property Infringement), trong tổng số hơn 900 app bị gỡ bỏ thì thứ hạng lần lượt là Trung Quốc lục địa (411 app), Mỹ (61), Ấn Độ (55) và Việt Nam xếp thứ tư với 42 app.

Hết thơi “ma cao một trượng”!

Với nguồn lực tài chính và công nghệ khổng lồ của các tập đoàn, cộng thêm sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo (AI), việc gian lận trên các nền tảng ngày càng khó hơn nhiều. Tất nhiên, cuộc rượt đuổi giữa các nền tảng công nghệ và những nhà phát triển gian lận không thể chấm dứt mà sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Khả năng phòng chống gian lận của các tập đoàn công nghệ ngày càng được nâng cao và hiệu quả hơn. Trong năm 2022, App Store đã ngăn chặn việc sử dụng gần 3,9 triệu thẻ tín dụng bị đánh cắp để thực hiện hành vi mua hàng gian lận với số tiền hơn 2 tỉ đô la Mỹ và cấm 714.000 tài khoản không được giao dịch lại.

Ngoài ra còn có gần 1,7 triệu lượt đăng ký ứng dụng bị từ chối trên App Store vì nhiều lý do, bao gồm các mối lo ngại liên quan đến vấn đề gian lận và quyền riêng tư. Gần 84.000 app bị ngăn chặn vì có dấu hiệu “gian lận tiềm ẩn”, đồng thời App Stote còn xóa 428.000 tài khoản nhà phát triển và 282.000 tài khoản khách hàng do gian lận và lạm dụng(3).

Ngoài chính sách ngày càng siết chặt, các tập đoàn công nghệ còn hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để làm sạch kho ứng dụng. Năm 2018, Google đã gỡ bỏ 56 app trò chơi cờ bạc trên kho ứng dụng Google Play theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Việc Google phối hợp với chức năng loại bỏ ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam cần được tăng cường hơn nữa để trả lại sân chơi cho những nhà phát triển ứng dụng chân chính.

Kiểu suy nghĩ “đạo cao một sào, ma cao một trượng” không còn đúng trong bối cảnh hiện nay. Các nhà phát triển nên chấm dứt ảo tưởng có thể qua mặt các tập đoàn với kiểu kiếm tiền bất chấp bằng ứng dụng và dịch vụ “đen” để đỡ làm xấu mặt giới công nghệ nước nhà.

(1) https://vnexpress.net/100-dong-gian-lan-tren-youtube-55-dong-cua-nguoi-viet-4610452.html

(2) https://www.apple.com/legal/more-resources/

(3) https://www.apple.com/newsroom/2023/05/app-store-stopped-more-than-2-billion-in-fraudulent-transactions-in-2022/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới