Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng biến Đề án 1956 thành phong trào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng biến Đề án 1956 thành phong trào

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) -Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956) đang có nguy cơ trở thành một chương trình đầu tư lãng phí, khi ngày càng có nhiều thông tin từ thực tế cho thấy, kết quả mà đề án kỳ vọng mang lại cho người nông dân rất thấp. Chương trình này được triển khai từ 2010 với mục tiêu đào tạo 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm và nguồn vốn ngân sách đầu tư trực tiếp dự kiến lên đến gần 26.000 tỉ đồng.

Theo kết quả ghi nhận từ các xã được chọn làm thí điểm và được các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh lại, thì nhiều nông dân đã quay trở lại với những việc làm cũ và mấy tháng học nghề hầu nhưng không mang lại thay đổi gì cho họ. Nguyên nhân do không có vốn để theo đuổi nghề mới và nếu có làm thì cũng chẳng biết bán sản phẩm cho ai và có bán được không?

Nếu đây là tình trạng phổ biến, thì thành tích 70% lao động nông thôn “có việc làm và gắn với việc làm” sau khi học nghề vào năm ngoái, do Tổng cục Dạy nghề công bố, sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa, dù tỷ lệ này rất khớp với mục tiêu Chính phủ đặt ra cho giai đoạn 2011-2015 của Đề án 1956.

Dạy nghề cho lao động nông thôn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, những gì Nhà nước muốn mang đến cho người nông dân lại chưa phải là điều mà người nông dân thực sự cần. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Dạy nghề, chỉ có 12-15% số lao động nông thôn có nhu cầu được đào tạo nghề – một tỷ lệ rất thấp. Điều này chỉ có thể lý giải là họ không thấy có hy vọng thay đổi cuộc sống từ vài tháng học nghề, hoặc những gì mà các trung tâm đào tạo nghề có thể dạy lại không phải là điều người nông dân muốn học.

Bên cạnh đó, vấn đề mấu chốt để chương trình đào tạo nghề đạt hiệu quả là phải gắn với nhu cầu của xã hội. Nhưng các địa phương được chọn làm thí điểm dường như chỉ chú trọng đến mục tiêu dạy nghề, trong khi cái người dân nông thôn cần là học xong sẽ làm việc ở đâu và sản xuất ra sản phẩm rồi bán cho ai thì hầu như vẫn còn bỏ ngỏ. Tất nhiên, đây không phải lỗi của chính quyền các cấp huyện, xã, vì tìm đầu ra cho sản phẩm hay lao động nông thôn là việc làm gần như nằm ngoài tầm với của họ.

Dạy nghề căn cứ vào kế hoạch phát triển cũng có nghĩa là đào tạo cho nhu cầu của tương lai. Lao động nông thôn là những người hàng ngày đang phải chạy kiếm ăn từng bữa cho gia đình, việc đào tạo nghề cho nhu cầu của tương lai như vậy, dù là chỉ 1 hoặc 2-3 năm sau, liệu có phù hợp và đến khi ấy liệu họ còn nhớ những gì đã học? Đó là chưa nói tới yếu tố khả thi của kế hoạch phát triển, vốn thường được các địa phương xây dựng dựa theo ý muốn chủ quan hơn là khả năng thực tế.

Ngoài ra, yêu cầu với chương trình dạy nghề là “phải có nội dung về kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp để người lao động sau học nghề biết huy động vốn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa” cũng là quá tham vọng và không thực tế, khi mà hầu hết các khóa đào tạo chỉ là ngắn hạn, chỉ kéo dài khoảng ba tháng.

Thay vì nhấn mạnh đến hiệu quả và chất lượng, Đề án 1956 lại đưa ra những chỉ tiêu về số lượng mà cụ thể là bình quân mỗi năm phải đào tạo nghề cho 1 triệu người. Con số tuyệt đối này có thể là mầm mống để biến Đề án 1956 trở thành một chương trình đầu tư được thực hiện theo kiểu phong trào. Bởi lẽ, các địa phương sẽ rất dễ bỏ qua chất lượng và chạy theo số lượng để “tranh thủ” khoản ngân sách, tổng cộng gần 26.000 tỉ đồng, Nhà nước chi vào đề án này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới